Là chỉ huy trưởng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, De Castries đã thực hiện mệnh lệnh của Navarre một cách xuất sắc khi biến nơi đây thành căn cứ quân sự khổng lồ với sức mạnh tuyệt đối, chưa từng có trước đó tại Đông Dương cũng như bất cứ một nước thuộc địa nào. Tuy nhiên, chỉ khi bước vào cuộc chiến thực thụ, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được kỳ vọng trước đó lại làm người ta thất vọng hoàn toàn; đưa pháp vào thảm cảnh cũng chưa từng có trước đó. De Castries bị bắt khi vừa được phong quân hàm tướng chưa được bao lâu và là vị chỉ huy cao nhất của Quân đội Pháp bị bắt cho tới điểm ấy trong chiến tranh Đông Dương.

De Castries tên gọi đầy đủ là Christian Marie Ferdinand de la Croix de Castries, sinh ngày 11/8/1902 tại thủ đô Paris nước Pháp. De Castries xuất thân trong một gia đình có dòng dõi quý tộc, dòng họ của De Castries đã làm binh nghiệp từ thời thập tự chinh, có người đã làm tới Thống chế và Bộ trưởng Hải quân dưới thời vua Louis XV. Ngoài ra trong dòng tộc này còn có rất nhiều người từng giữ những chức vụ cao, có đến: 1 Đô đốc, 4 Tổng trấn, 7 người là Trung tướng và có tới 5 người được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh hạng 5.

Năm 20 tuổi De Castries gia nhập quân đội với cấp bậc binh nhì, bắt đầu sự nghiệp của mình. De Castries đã nỗ lực không ngừng để trở thành một kỵ binh thực thụ, sau này là chỉ huy kỵ binh, luôn được đánh giá là người có tài và dũng cảm. Trong một thời gian, De Castries đã theo học tại trường Somuya và đã được phong hàm sĩ quan tại đây.

Một trong những niềm đam mê của De Castries là đua ngựa, không bao giờ ông ta bỏ lỡ một cuộc đua ngựa nào từ lớn đến bé và đã trở nên nổi tiếng ở môn thể thao này. Đã hai lần De Castries vô địch thế giới ở nội dung đua ngựa nhảy cao và nhảy xa vào các năm 1933 và 1935.

Tháng 9/1939, De Castries tình nguyện gia nhập vào đội đặc công Corp Frane. Trong một lần lọt vào vùng Sarre để bắt tù binh, De Castries đã ra lệnh cho một tên lính dưới quyền đánh chuông. Ngay lập tức quân Đức đã phản ứng bằng một loạt đạn pháo. Dù chống trả quyết liệt xong vẫn có tới hai tên lính dưới quyền bị thiệt mạng. Tuy nhiên điều đó chẳng khiến De Castries phải bận tâm và suy nghĩ nhiều. Đến năm 1940, trong thời gian thế chiến thứ hai, De Castries cùng 60 chiến hữu đã đối đầu với cả một tiểu đoàn quân Đức và chỉ đầu hàng khi bị thương và không còn lấy một viên đạn nào. Sau đó De Castries bị bắt làm tù bình và có tới 3 lần định vượt ngục, trốn khỏi trại giam nhưng đều thất bại. Đến ngày 31/3/1941, De Castries cùng 20 sĩ quan khác đào một đường hầm ở vùng Sinedi, trốn thoát thành công và trở về Pháp, tiếp tục bí mật vượt qua biên giới Tây Ban Nha để đến với lực lượng Pháp, gia nhập vào đội quân do Tướng Juin chỉ huy tại Bắc Phi.  

Từ năm 1944 đến năm 1945, De Castries là chỉ huy của đại đội thiết giáp, chiến đấu nhiều và thương vong cũng không phải là ít nhưng không bao giờ vị chỉ huy này tới thăm những đơn vị cứu thương của mình. Năm 1946, lần đầu tiên De Castries được điều động sang Đông Dương làm chỉ huy một đội thiết giáp hạng nhẹ và nhanh chóng trở nên nổi tiếng bởi bản tính thích mạo hiểm và xông xáo nơi chiến trận.

 Năm 1951, sau khi tham gia một khoá bổ túc tại trường quân sự, De Castries được đề bạt lên Trung tá và được Tướng Delattre de Tassigny, lúc này đang là Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương đưa sang Việt Nam chỉ huy phía Nam đồng bằng Bắc Bộ.

Trong một trận phục kích De Castries bị thương nặng, gãy hai chân và được hồi hương để chữa bệnh. Sau chấn thương đó, De Castries phải mang thêm một chiếc gậy ba toong bên mình với dáng đi khập khiễng. Tuy vậy vào tháng 11/1952, một lần nữa De Castries đã mang về cho mình thêm một chiếc cúp mới về đua ngựa ở Saumur (một thủ phủ của quận Maine et Loire, nước Pháp).

Chiếc gậy ba toong gắn liền với hình ảnh De Castries

Đến đầu tháng 8/1953, sau khi nhậm chức Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Navarre đã sang Việt Nam đưa theo nhiều tay chân của mình trong đó có De Castries. Tại đây, De Castries được giao nhiệm vụ chỉ huy một binh đoàn cơ động tại một khu vực khó khăn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ (Nho Quan - Ninh Bình). Ở tuổi 50, De Castries được nhận hàm Đại tá và được ân thưởng "Đệ tứ Bắc đẩu bội tinh", với 21 lần khen thưởng trong đó có tới 16 lần được tuyên dương cấp uỷ quân đoàn trong toàn quân đội Pháp.

Với sự ra đời của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, có thể nói chưa bao giờ De Castries được tín nhiệm đến vậy. Được làm chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất từ trước đến giờ ở Đông Dương mà đáng lẽ giữ vị trí ấy phải là một ngôi sao cấp tướng, điều đó đủ cho thấy người ta đã kỳ vọng rất nhiều ở viên Đại tá này.

 Ngày 07/12/1953, De Castries lên Điện Biên Phủ và chỉ một ngày sau đó một buổi lễ nhậm chức đã diễn ra khá long trọng trước sự chứng kiến của rất nhiều binh lính Pháp đã đóng ở đây. Và De Castries đã không ngần ngại bắt tay vào việc xây dựng tập đoàn cứ điểm kiểu Nà Sản, biến nơi đây thành căn cứ quân sự khổng lồ, "mạnh nhất Đông Dương".

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bao gồm 49 cứ điểm, được tập trung trong 8 cụm cứ điểm mà mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng, có chiến hào ngang dọc, có thể yểm trợ lẫn nhau theo kiểu "phòng ngự liên hoàn" với những "trung tâm đề kháng phức hợp", có lực lượng cơ động và hỏa lực riêng, có hệ thống công sự vững chắc xung quanh có hàng rào dây thép gai dày đặc và có khả năng phòng ngự độc lập. Tám cụm cứ điểm này được tổ chức thành ba phân khu, mỗi phân khu đều có chức năng và nhiệm vụ riêng.­­

Ngay từ sau khi hoàn thành việc xây dựng, De Castries hợm hĩnh tuyên bố: “Được lắm! Họ từ trên cao bắn xuống chúng tôi ư? Tôi sẽ đội cái mũ calo đỏ của tôi lên cho họ trông rõ tôi hơn"; và: "Phải làm cho Việt Minh kéo xuống thung lũng này. Nếu họ xuống, chúng tôi sẽ tóm được họ. Trận đánh có thể gay gắt nhưng nhất định chúng tôi sẽ chặn họ lại và cuối cùng thế nào cũng nắm được một mục tiêu tập trung mà chúng tôi sẽ "quật"...".

De Castries đưa Navarre và Cogny đi thị sát Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Ngày 13/3/1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức nổ súng tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau nhiều ngày tháng bền bỉ, kiên trì chiến đấu, tiêu diệt từng vị trí của quân đối phương, ta đã đánh bại Pháp trong trận chiến cuối cùng trong cuộc chiến tại Đông Dương.

Ngày 07/5/1954, De Castries bị bắt làm tù binh tại Điện Biên Phủ. Cùng với những sĩ quan, binh lính dưới quyền, De Castries được giải về Sở chỉ huy chiến dịch của ta tại Mường Phăng, sau đó được đưa về trại giam Na Hang, Tuyên Quang để lấy lời khai và tiếp tục được giải về trại giam Việt Trì, Phú Thọ. Tại đây, ông ta đã không ít lần trải lòng về những ngày tháng chỉ huy Tập đoàn cứ điểm và bày tỏ sự khâm phục về chiến thắng và sự mưu lược trong nghệ thuật chiến đấu của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 03/9/1954, sau gần 4 tháng bị bắt giữ, De Castries được trao trả cho nước Pháp theo hiệp định Genever. Cho đến mãi sau này De Castries vẫn không thể quên được chính sách khoan hồng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

De Castries đầu hàng chiều ngày 07/5/1954

Trong khoảng một thời gian sau khi trở về từ Việt Nam, De Castries còn tham gia vào cuộc chiến tranh ở Algérie.

Năm 1984, De Castries có ý muốn quay trở lại thăm Việt Nam, nhưng do nhiều yếu tố nên ý nguyện đó của De Castries không thể thực hiện được. Năm 1991, De Castries qua đời tại Pháp khi đã 89 tuổi. Năm 1994, con gái của De Castries đã sang Việt Nam và lên thăm Điện Biên Phủ, thực hiện ước nguyện chưa thành của người cha quá cố./.

Hồng Nhung


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.319.447
    Online: 65