Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là Di tích đặc biệt cấp quốc gia, trong những năm gần đây trở thành điểm đến yêu thích của Nhân dân trong nước và khách quốc tế. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, công tác chăm sóc, bảo vệ di tích ngày càng được quân tâm đúng mực, trở thành nhiệm vụ chung của không chỉ của ngành văn hóa mà còn là của toàn xã hội.
Với 45 di tích thành phần nằm rải rác trên địa bàn huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ và đa số nằm xen kẽ với các khu dân cư. Hiện nay mới chỉ có 11 di tích có trực bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự, phát dọn vệ sinh phục vụ khách tham quan còn lại vẫn chưa được đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Nhiều di tích chưa có hàng rào bảo vệ, chưa được khoanh vùng, cắm mốc và chưa được trùng tu tôn tạo. Một số di tích bị xuống cấp nghiêm trọng và đang mất dần dấu hiệu di tích.
Là đơn vị quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu Di tích, trong những năm qua, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị, tổ chức đóng trên địa bàn gần các điểm di tích nhằm chăm sóc, bảo vệ di tích một cách có hiệu quả, trong đó đa số là các đơn vị trường học và lực lượng vũ trang, như:
Phối kết hợp với phòng PA83 Công an tỉnh Điện Biên, Công an các huyện, thành phố, các phường, xã trên địa bàn nơi có điểm di tích làm tốt công tác giữ gìn và bảo vệ Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ; đặc biệt trong những dịp lễ, tết, diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh;
Phối hợp với Trường Cao đẳng sư phạm, Lữ đoàn 316, Lữ đoàn 82, Viettel và đẩy mạnh phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" trong việc phát dọn, vệ sinh các điểm di tích đang phục vụ khách tham quan;
Phối hợp với các đơn vị bảo vệ tốt các điểm Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách đến tham quan Bảo tàng và các điểm Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ; kịp thời xử lý và phối hợp xử lý những vấn đề an ninh trật tự xảy ra trong khu vực di tích.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa, sử dụng những trang thiết bị hiện đại trong việc bảo vệ di tích. Đến nay đã có mái che hiện vật ngoài trời bằng tại 01 điểm di tích (hầm De Castries) và 13 hiện vật ngoài trời tại các di tích khác trong khu vực thành phố Điện Biên Phủ.
Nhờ làm tốt công tác phối hợp mà trong những năm gần đây, không xảy ra các vấn đề về an ninh, trật tự trong khu vực di tích. Đa số khách đến tham quan đều không được mang vũ khí, chất nổ và không thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, những hành vi thiếu văn hóa, viết vẽ, tẩy xóa trong khu vực di tích. Các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát và tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ an ninh cho đội ngũ làm công tác bảo vệ của đơn vị.
Các di tích được vệ sinh phát dọn sạch sẽ cuối giờ chiều, tạo môi trường, cảnh quan xanh, sạch, thoáng đãng trước mỗi giờ mở cửa đón khách và phối hợp tổng vệ sinh, phát dọn toàn diện định kỳ với lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên. Trong khu vực di tích có đặt nhiều thùng rác và biển cấm vứt rác bừa bãi nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường. Cây xanh được trồng mới tại hầu hết các điểm di tích và do các đơn vị trên địa bàn chịu trách nhiệm từ việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và kịp thời thay thế nếu cây không phát triển. Cây xanh được trồng chủ yếu là cây Ban nhằm cụ thể hóa chủ trương của tỉnh về việc bảo tồn và phát triển cây hoa Ban tại các đồi di tích trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Chính vì vậy, các di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng gây được nhiều thiện cảm và ấn tượng đẹp đối với khách tham quan.
Trong những dịp Lễ hội, dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, dịp Lễ, Tết tại những di tích đông khách, lực lượng thanh niên tình nguyện đã hỗ trợ phục vụ và hướng dẫn tham quan, phối hợp tốt với đơn vị Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kịp thời vệ sinh, quét dọn và phục vụ nước uống miễn phí. Đến nay, hoạt động này đã trở thành thường xuyên và có ý nghĩa, được nhân rộng tại đa số các điểm di tích.
Để người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản Văn hóa và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi sinh hoạt của tổ dân phố, thôn, bản đã được tăng cường, chú trọng. Đưa tiêu chí không xả rác bừa bãi làm mất cảnh quan, vệ sinh môi trường vào bình xét danh hiệu gia đình văn hóa ở các địa bàn khu dân cư có điểm di tích và hạn chế những hành vi vi phạm, xâm lấn đất di tích.
Trong những năm gần đây, nguồn thu từ phí tham quan tại Bảo tàng và các điểm di tích ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. Hiện nay Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ cũng là thế mạnh chính thu hút khách du lịch, là cơ sở để phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm và tâm linh. Làm tốt công tác quản lý và phát huy giá trị Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch, đưa Điện Biên trở thành điểm đến yêu thích của Nhân dân trong và ngoài nước./.
- Hồng Nhung -