Thời gian qua, huyện Điện Biên đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo triển khai làm tốt công tác nghiên cứu, đầu tư bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn; phối hợp lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục quốc gia, trong đó có Tết té nước - Bun huột nặm của người Lào tại bản Na Sang 1 - xã Núa Ngam - huyện Điện Biên. Đây là di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại văn bản số 3421/QĐ-BVHTTDL, ngày 11/9/2017.
Bun huột nặm hay còn gọi là “Tết té nước” của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên được duy trì hàng năm đã khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của tộc người cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Đây là lễ hội gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý nhân sinh không chỉ là lễ tạ ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gióa hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn trong năm qua mà thực chất còn là lễ cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cầu an đầu năm mới. Vì vậy, “Tết té nước” của người Lào góp phần phản ánh, bảo lưu và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ luôn có ý thức, trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa của dân tộc, góp phần quảng bá và phát triển du lịch của địa phương tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
“Tết té nước” đã phản ánh tình đoàn kết dân tộc, thể hiện tính cố kết cộng đồng cao, đồng thời phản ánh được tri thức dân gian bản địa có sự hài hòa giữa con người với môi trường thiên nhiên và là đối tượng để nghiên cứu hệ thống các tín ngưỡng dân gian.
Hiện nay, Toàn bộ các hoạt động của Tết té nước đang được cộng đồng người Lào thực hành làm hai đợt trong năm: cúng bản vào dịp Tết Nguyên đán của người Việt để con cháu đi học, đi xa về cùng tham gia; còn lại Lễ cầu mưa và các trò chơi dân gian, té nước được tổ chức vào dịp Tết Lào (theo lịch Lào - thời điểm kết thúc mùa khô chuyển sang mùa mưa). Bun huột nặm truyền thống của người Lào mặc dù vẫn được duy trì tổ chức các hoạt động nhưng đang được chia làm 02 khoảng thời gian trong năm để tổ chức.
Như vậy, Bun huột nặm theo thời gian đã có sự biến đổi về cách thức tổ chức, nhưng vẫn đảm bảo sức sống của di sản. Mọi hoạt động trong lễ hội đang có sự kế thừa, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác và được duy trì tổ chức hàng năm. Nếu trước đây người Lào chỉ làm Lễ cầu mưa vào những năm được cho là hạn hán thì ngày nay (kể từ năm 2015), năm nào bà con cũng thực hiện nghi thức này - một phần do biến đổi khí hậu ngày càng nắng nóng, mặt khác là để cầu mùa được thuận lợi, tươi tốt và ẩn sau đó là việc phát huy các giá trị của di sản .
Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết té nước - Bun huột nặm của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan, nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
- Duy trì tổ chức tốt Tết té nước hàng năm và chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, đặc biệt là Tết té nước (Bun huột nặm) có thể xem xét để bảo tồn, nhân rộng tới các vị trí khác có người Lào sinh sống trên địa bàn huyện Điện Biên.
- Tổ chức trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan tới Bun huột nặm; tổ chức chiếu phim tuyên truyền về di sản tới đông đảo cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng như du khách trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu và có thể trải nghiệm vào thời điểm cộng đồng tổ chức lễ hội.
- Lựa chọn, đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đảm bảo đúng quy định; kịp thời quan tâm, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân để động viên, khuyến khích họ nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng.
- Tổ chức họp dân bản thống nhất ý kiến về việc tổ chức Bun huột nặm theo cách truyền thống: bao gồm liên tiếp các hoạt động về lễ và cầu mưa, té nước, trò chơi vào đúng dịp Tết Lào (theo lịch của người Lào) nhằm tạo sự riêng biệt về văn hóa của người Lào và cũng tạo điểm nhấn để phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới.
- Thông qua cơ quan Báo, Đài tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Bun huột nặm bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc.
- Dựa vào người có uy tín tại cộng đồng như Nghệ nhân ưu tú, già làng, trưởng bản để tổ chức họp dân bản nhằm tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân địa phương có ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, đặc biệt là khu vực làm cúng của bản (lông xân, Lắc mẳn) cũng như khu vực suối tắm - vị trí làm Lễ cầu mưa của bản.
- Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản và cả vai trò của thầy cúng. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc duy trì tổ chức Bun huột nặm nói riêng và phong tục tập quán của người Lào nói chung. Tỉnh Điện Biên cũng đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các già làng, trưởng bản nhằm động viên, khích lệ họ tiếp tục trao truyền những phong tục tập quán tốt đẹp cho thế hệ trẻ.
- Tổ chức trình diễn lễ hội tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên...
Có thể nói, Bun huột nặm được tổ chức là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng đã lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua ngày Tết cho thấy nhiều phong tục tốt đẹp, đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết chính của người Lào mãi là nét văn hoá đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt hơn cả, hiện nay di sản đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào của cộng đồng người Lào nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung, đồng thời tạo động lực để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản./.
Lan Anh - Phòng DSVH