Sưu tầm hiện vật bảo tàng là công tác nghiên cứu, phát hiện, lựa chọn và thu thập những tài liệu, hiện vật gốc tiêu biểu, điển hình phản ánh về lịch sử, xã hội, con người và môi trường sống của con người phù hợp với nội dung, loại hình bảo tàng, đồng thời bổ sung hiện vật gốc cho kho cơ sở.

Công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng là khâu mở đầu quan trọng tạo “tiền đề vật chất” cho toàn bộ hoạt động của bảo tàng. Không có hiện vật gốc, sưu tập gốc mang giá trị lịch sử - văn hóa - khoa học thì không có hoạt động bảo tàng. Những hiện vật gốc có giá trị được bảo tàng tổ chức sưu tầm thu thập về bảo tàng theo nhiều phương pháp và nguyên tắc của bảo tàng học. Công tác sưu tầm hiện vật trong các bảo tàng có nhiều nét chung song mỗi một bảo tàng đều có những nét riêng. Đối với Bảo tàng tỉnh Điện Biên, ngay từ khi thành lập đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm nhằm thu thập những hiện vật lịch sử, văn hóa, khoa học... đáp ứng những yêu cầu trước mắt và lâu dài của bảo tàng.

Ngày nay trước sự hội nhập và giao thoa nhiều nét văn hóa của các dân tộc trong tỉnh Điện Biên với nhau, đã làm cho một số dân tộc không còn giữ được những nét riêng của chính dân tộc mình, dẫn đến một số hiện vật nay đã không còn mang tính truyền thống và tính gốc, thậm chí đã bị mai một, không phục hồi lại được. Đứng trước khó khăn đó, trong 10 năm qua với tinh thần nhiệt huyết, hăng say với nghề, các cán bộ làm công tác sưu tầm của Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã không ngại khó khăn, vất vả điều tra, khảo sát, vận động quần chúng Nhân dân hiến tặng những hiện vật có giá trị cho bảo tàng, mang đậm nét riêng của từng dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đến nay Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã sưu tầm được 1.050 hiện vật, đây là kết quả đáng mừng góp phần làm cho Bảo tàng tỉnh không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vị thế của mình trong thời kỳ hội nhập đổi mới.

Tính riêng năm 2018, Bảo tàng tỉnh đã lựa chọn và dự kiến sưu tầm được 135 hiện vật, trong đó 111 hiện vật dân tộc, 24 hiện vật cổ vật có giá trị văn hóa quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của vùng đất Điện Biên. Ngoài ra còn vận động hiến tặng từ các đơn vị tổ chức, cá nhân trong tỉnh được một số tài liệu, phim, ảnh (tập át lát, tập sơ đồ, bản đồ, một số văn bản, điều ước, hương ước, sách báo...) liên quan đến cắm mốc biên giới, đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc và Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.

Qua thực tế điều tra, khảo sát, thu thập, bổ sung tài liệu, hiện vật trong năm 2018, cán bộ Bảo tàng tỉnh đã khảo sát được gần 60 hiện vật được xác định là cổ vật thuộc nhiều chất liệu, loại hình, hoa văn trang trí, và niên đại khác nhau, nhiều hiện vật thuộc nhóm có niên đại từ thế kỷ I - III, có hiện vật thuộc thế kỷ XII - XIII, thế kỷ XIV - XVI và thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Đó là cơ sở khoa học quan trọng để tìm hiểu sự phát triển của nghề thủ công làm gốm, trình độ kỹ thuật, quan niệm thẩm mỹ của các cư dân cổ vùng Điện Biên. Nhóm hiện vật trên đã đượcTS Trần Anh Dũng - Nghiên cứu viên chính và Th.s Nguyễn Đức Bình - Nghiên cứu viên của Viện khảo cổ học đánh giá là những cổ vật có giá trị văn hóa vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu lịch sử vùng đất Điện Biên, hiện nay còn rất ít tiêu bản được biết, ước tính giá trị của một số hiện vật trong nhóm hiện lên đến vài chục triệu đồng. TS Trần Anh Dũng đã đề nghị các cơ quan ban ngành của tỉnh quan tâm trong việc sưu tầm và lưu giữ nhóm hiện vật này để phục vụ công tác bảo tồn, trưng bày, nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống và phát huy giá trị văn hóa tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên.

Công tác sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật hằng năm của Bảo tàng là một nhiệm vụ quan trọng góp phần kiện toàn và làm phong phú thêm các bộ sưu tập, đồng thời giúp Bảo tàng tỉnh có nhiều sự lựa chọn trong công tác trưng bày, đáp ứng được những tiêu chí đổi mới và nâng hạng bảo tàng, nâng cao giá trị lịch sử, thẩm mỹ, phục vụ cho khách tham quan.

Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn từng bước đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trong công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày, thuyết minh với các bảo tàng trong nước, các cơ quan, nghiên cứu Trung ương và địa phương, thường xuyên phối hợp với Viện khảo cổ Việt Nam, trung tâm USESSCO nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam nhằm xác định một cách chính xác nhất về nguồn gốc, niên đại, giá trị của hiện vật thu thập đuợc trên địa bàn tỉnh./.

Thu Loan - Bảo tàng tỉnh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.155.133
    Online: 36