Đã gần 5 năm kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, chúng ta vẫn không thể nào quên giây phút Bác về bên kia thế giới, cả triệu con tim Việt Nam nghẹn ngào nói lời tiễn biệt. Từ đây đất nước ta mất đi một người “Trung với nước, hiếu với dân”, dân tộc ta mất đi một người con ưu tú, quân đội ta mất đi người anh cả kiệt xuất, trung kiên. Cả cuộc đời của Đại tướng luôn dành cho non sông đất nước và được gói gọn trong hai chữ “Vẹn toàn”. Đại tướng mất nhưng tư tưởng và những di sản của ông để lại là tài sản vô giá, là giá trị đạo đức sáng ngời phẩm chất cách mạng trong sự nghiệp cầm binh của bậc vĩ nhân.

102 tuổi đời, 73 năm tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng, giữ vai trò chủ chốt của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng gắn liền với chiến đấu và chiến thắng. Từ một sinh viên của trường Quốc học Huế, ông tham gia cuộc bãi khóa, bắt đầu cuộc đời cách mạng của mình. Với lòng yêu nước, căm thù giặc, Võ Nguyên Giáp sớm được tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh và liên kết với nhiều nhà hoạt động cách mạng ngay từ khi còn rất trẻ, tham gia nhiều tổ chức và phong trào cách mạng, trong nhiều hoạt động ông còn giữ vai trò là sáng lập viên. Mỗi liên kết đầu tiên với Nguyễn Ái Quốc khi ông được đọc tập tài liệu về "Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới" và một số văn kiện cuộc họp của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu, trong đó có 2 bài phát biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (mà đối với Võ Nguyên Giáp "Bài luận văn của Nguyễn Ái Quốc đã gây cho chúng tôi một lòng căm phẫn sâu sắc như một luồng điện giật"); nhưng phải đến năm 1940 ông mới được gặp người. Ngay lập tức Bác Hồ đã nhận thấy những ưu điểm, tài năng hiếm có và triển vọng sáng lạn ở Võ Nguyên Giáp và thực tế lịch sử sau này đã chứng minh cách nhìn và sử dụng người của Bác hoàn toàn đúng đắn.

Sự kiện lịch sử trọng đại đầu tiên đưa Võ Nguyên Giáp tới việc dẫn dắt quân đội Việt Nam là thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân sau này) trên cơ sở 34 người với một số lượng ít ỏi vũ khi, đạn dược thô sơ, lạc hậu tại chiến khu Trần Hưng Đạo (Cao Bằng). Ngay sau đó lực lượng này đã lập được chiến công đầu tiên khi tiêu diệt nhanh, gọn hai đồn giặc Phay Khắt và Nà Ngần. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp là lý tưởng cách mạng sâu sắc và tâm nguyện một con đường giải phóng dân tộc. Ông trở thành Đại tướng đầu tiên, trẻ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi mà không phải trải qua bất cứ một trường lớp quân sự nào. Ông giữ nhiều vị trí quan trọng khác nhau, trong đó vai trò chủ chốt là Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ; dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã chỉ huy đội quân của mình dành được những thắng lợi quan trọng cả về chính trị và quân sự: Chiến dịch Việt Bắc 1947, chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Hòa Bình năm 1951, chiến dịch Tây Bắc 1952, chiến dịch Điện Biên Phủ 1953 - 1954; tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc chỉ huy các lực lượng vũ trang phối hợp tác chiến, nổi dậy khởi nghĩa với một loạt chiến công vang dội như tết Mậu thân 1968, trận Điện Biên Phủ trên không, chiến dịch Đường 9 nam lao 1972, … và  kết thúc bằng cuộc đại chiến mùa xuân 1975, giang sơn thu về một mối, đất nước ta sạch bóng quân thù.

Năm 1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người sáng lập ra Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (Tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau này)

Với mỗi trận đánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn cân nhắc, chọn lựa những cách đánh phù hợp nhất để làm sao giành được thắng lợi cao nhất mà tổn thất về sinh mạng thấp nhất. Đó cũng chính là tư tưởng xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nổi bật là quyết định chuyển phương châm tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” trong 2 đêm 3 ngày đã được chuẩn bị, sẵn sàng từ trước đó vài tháng sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” từ những trăn trở của những ngày đầu ra mặt trận và quyết định sau 1 đêm cân nhắc kĩ lưỡng. Lệnh kéo pháo ra về vị trí tập kết được ban hành, hậu cần được huy động tối đa cho tiền tuyến, mọi việc cần đảm bảo cho tác chiến “Đánh chắc, tiến chắc”. Sự thay đổi phương châm dựa trên nhiều yếu tố, hơn hết là ta sẽ phải đối đầu với một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có của địch trong điều kiện bộ đội ta chưa từng đánh hiệp đồng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn, lại trên địa hình bằng phẳng và đánh ban ngày như ở Điện Biên Phủ. Nhưng bằng con mắt của một vị Tổng chỉ huy ghánh trên mình trọng trách nặng nề về sự thành bại và độc lập của cả dân tộc; lời Bác dặn “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” và Nghị quyết Trung ương hồi đầu năm “chỉ được thắng, không được bại, vì bại là hết vốn” đã dẫn đến quyết định táo bạo này. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp "sẽ là tự sát nếu đưa bộ đội vào trận đánh mà không chuẩn bị chống pháo binh, xe tăng và máy bay địch", và ông kiên quyết ra lệnh ngừng tấn công dù rằng khi đó áp lực rất lớn.  

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Mười năm sau ngày chiến thắng Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ"; còn Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ thừa nhận rằng: “… nếu lần đó cứ "đánh nhanh giải quyết nhanh'' thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm nữa”. Thượng tướng Trần Văn Trà nói rằng tướng Giáp "là một tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”. Đó chính là trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, sinh mệnh của chiến sĩ và sinh mệnh của toàn dân tộc.

Vậy mà, một vị Đại tướng, đứng đầu Quân đội nhân dân của một đất nước, người chỉ huy cao nhất của nhân dân Việt Nam, trong nhiều trận đánh chỉ ở trong những căn phòng tối giản nhất với những nhu cầu tối giản nhất, chưa bao giờ đòi hỏi một thứ xa xỉ nào cho riêng mình. Cùng ăn, cùng nghỉ ngơi, với chiến sĩ, cùng thức với những diễn tiến của chiến dịch. Sự kiện rời ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 11/3 sang ngày 13/3/1954 cho thấy sự thận trọng, lắng nghe những ý kiến của cấp dưới của người chỉ huy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn chủ trương tiến hành chiến tranh Nhân dân, dựa vào Nhân dân mà chiến đấu. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn pháo binh được lệnh hành quân ra mặt trận. Lần đầu tiên trong lịch sử cả dân tộc đã ra mặt trận cùng bộ đội đánh giặc với đủ lực lượng từ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân quân, du kích. Một cuộc cách mạng về hậu cần đã làm cho một khối lượng khổng lồ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, vũ khí, … từ vùng do Việt Minh kiểm soát được chuyển lên Điện Biên Phủ một cách nhanh chóng, liên tục không ngừng nghỉ chỉ bằng gánh gồng đi bộ, xe đạp thồ, xe kút kít. Để rồi Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tự hào khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của cả dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh Nhân dân được phát huy cao độ. Toàn miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho miền Nam tiền tuyến, từ lực lượng, hậu cần cho đến tinh thần yêu nước và hàng triệu con tim Việt Nam huôn hướng về miền Nam ruột thịt. Trong hai cuộc kháng chiến đó ông biết kết hợp sức mạnh của toàn quân và toàn dân tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn, đó là sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của tình yêu nước với một mục tiêu cao nhất là hòa bình và độc lập. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cờ Quyết chiến quyết thắng cho Đại đoàn 312 tại Lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 13/5/1954

Đất nước hòa bình, thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ những cương vị quan trọng, tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Sau này khi đã nghỉ hưu, Đại tướng tiếp tục có những đóng góp ý kiến có giá trị thực tiến vào những vấn đề lớn của đất nước trong một số lĩnh vực như: khoa học - kỹ thuật, quân sự - quốc phòng, giáo dục, đối nội - đối ngoại, … Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bằng trí tuệ, quyết tâm và lòng yêu nước, thương dân của mình, ông đã cống hiến trọn đời cho đất nước, là biểu tượng bất diệt cho tấm lòng “Trung với nước, hiếu với dân” của người chiến sĩ cách mạng chân chính và “suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Điện Biên lần cuối cùng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Tiếng tăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ bó hẹp trong phạm vi nước Việt Nam. Rất nhiều học giả, nhà quân sự, lịch sử thế giới đã có những lời bình phẩm nhận xét đẹp đẽ dành cho ông.

“Từ năm 1944 - 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có” - Đại tướng Peter MacDonald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh;

“ Tài năng chiến lược của Tướng Giáp đã đặt ông vào ngôi đền của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại. Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20... Ông ấy giống như một vị thánh. Không có gì khiến ông phải chấp nhận thất bại” - Nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow;

“Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp. Võ Nguyên Giáp đã chứng minh rằng ông có những đức tính ngoài tầm cỡ bình thường trên mọi lĩnh vực lớn của cuộc chiến tranh" - Bách khoa toàn thư Pháp, mục từ về Võ Nguyên Giáp.

Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ và dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho Đại tướng. Ông là biểu tượng anh hùng vĩ đại, là tinh thần yêu nước sáng ngời, là khát vọng hòa bình về tương lai. Chẳng thế mà rất nhiều các học giả, nhà báo, nhà văn các đoàn làm phim đã không ngừng viết, dựng, gặp gỡ, chụp ảnh, phỏng vấn, nghiên cứu về ông mà dường như vẫn chưa thể đánh giá, hiểu hết và cảm phục tinh thần và con người ông. Cho đến ngày Đại tướng mãi đi xa, hòa cùng nỗi đau chung của Nhân dân Việt Nam, cả thế giới không ngừng tiếc thương cho một con người anh tài kiệt xuất.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một phim tài liệu, phóng sự khi tuổi đã cao

Hồng Nhung


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.158.620
    Online: 53