Cùng với sự phát triển của các loại hình thông tin giải trí, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh vẫn luôn được kế thừa, duy trì và phát triển rộng khắp. Đây là hoạt động tô đậm những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh cho cộng đồng; góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho đồng bào các dân tộc. Được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo các cấp; sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể, nên hoạt động này ngày càng tạo được sức lan tỏa rộng khắp.

Với 19 dân tộc cùng sinh sống, Điện Biên có nền văn hóa rất đa dạng với nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ phong phú. Các đội văn nghệ cơ sở thôn, bản hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh và đất nước. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.273 đội văn nghệ quần chúng (VNQC) thuộc 130 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị, thành phố. Mỗi tổ, đội văn nghệ có từ 10 đến 20 hạt nhân văn nghệ là các diễn viên không chuyên, cán bộ nghỉ hưu, đoàn viên, thanh niên, người lao động của địa phương. Phần đa họ đều xuất thân từ các vùng quê, gắn liền với công việc nhà nông, nhưng với niềm đam mê nghệ thuật, đã đóng góp tích cực vào việc duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Tính đến tháng 11 năm 2017, tổng số buổi hoạt động của các đội VNQC trên địa bàn tỉnh là 3.715 buổi phục vụ được 750 nghìn lượt người xem.

Hoạt động của các đội VNQC cũng góp phần không nhỏ vào loại hình du lịch văn hóa cộng đồng, gắn phong trào văn hóa - văn nghệ với phát kinh tế - xã hội. Du khách đến Điện Biên không những tham quan tìm hiểu về lịch sử, du lịch sinh thái, mà còn được tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa thông qua các chương trình giao lưu với các đội văn nghệ. Toàn tỉnh hiện nay có 18 bản văn hóa du lịch với đa dạng các dân tộc để khách du lịch có nhiều sự lựa chọn trong khám phá, trải nghiệm nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc sắc của địa phương. Tiêu biểu như ở thành phố Điện Biên Phủ đã xây dựng  thành công 6 đội văn nghệ ở 6 bản văn hóa gắn với phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, gồm: Púng Tôm, Phiêng Lơi (xã Thanh Minh); Him Lam 2 (phường Him Lam); Noong Bua (phường Noong Bua); Noong Chứn (phường Nam Thanh) và bản Mớ (phường Thanh Trường). Những hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ với du khách trong và ngoài nước không chỉ giới thiệu, quảng bá những làn điệu dân ca, dân vũ mang đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nét riêng cho du lịch Ðiện Biên mà còn tạo ra sân chơi lành mạnh cho các đội văn nghệ ở cơ sở; thêm nguồn thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Thông qua các phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở, đặc biệt là đội văn nghệ các thôn, bản mà nhiều nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ tham gia các kỳ hội thi, hội diễn cấp tỉnh, cấp khu vực đều đạt giải cao. Tiêu biểu như các tiết mục: “Múa Hương rượu xuân” của đội văn nghệ bản Him Lam 2 đạt giải A tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc năm 2014 tổ chức tại tỉnh Hà Giang; tiết mục múa “Inh lả vào xuân” của đội văn nghệ bản Phiêng Lơi; múa “Nét xuân rẻo cao” của đội văn nghệ bản Noong Chứn đều đạt giải A tại Hội xuân năm 2014 và 2015 do tỉnh tổ chức; tiết mục múa “Xuân về bản em” của đội văn nghệ bản Him Lam 2 đạt giải B; tiết mục tam ca “Lời mời Ðiện Biên” của đội văn nghệ Noong Chứn đạt giải tại Liên hoan Làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng (tháng 9/2017) tại tỉnh Hòa Bình…

Nét đặc trưng trong phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng là sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê, yêu thích ca hát từ các tổ, đội văn nghệ, kể cả khi gặp khó khăn, thiếu thốn về điều kiện hoạt động hay cơ sở vật chất. Vì thế, mỗi tiết mục nghệ thuật quần chúng luôn đậm chất quê hương, trong sáng, bình dị, tự nhiên, chân thật của bà con các dân tộc và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng dân cư. Do đó mà hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng vẫn luôn có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân ở mọi nơi; góp phần tích cực bài trừ các tệ nạn xã hội, xóa bỏ dần hủ tục và giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các đội văn nghệ quần chúng trong giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được đưa vào khai thác, phục vụ đời sống nhân dân, phục dựng bảo tồn một số lễ hội truyền thống dân tộc như: Kin lẩu nó; Xên bản, Xống chụ xon xao của người Thái; Lễ Cầu mưa, Lễ Tra hạt dân tộc Khơ Mú; Lễ cầu mưa, Lễ Căm Bản của người Lào...  Nhiều lễ hội đã khôi phục được các trò chơi dân gian đặc sắc như kéo co, tung  còn, bắn nỏ, tó má lek... và biểu diễn nghệ thuật, hoạt động văn nghệ quần chúng như múa xòe, múa sạp... tạo không khí lễ hội vui tươi, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Từ những kết quả đã đạt được trong những năm qua, để duy trì và tổ chức tốt hoạt động của các đội VNQC cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng; nghiên cứu những mô hình hoạt động mới để khuyến khích quần chúng cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của địa phương; không ngừng đổi mới việc tổ chức các hoạt động tại chỗ để thu hút đông đảo quần chúng tham gia; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn nghệ quần chúng, liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện để tổ chức sôi nổi những hoạt động văn nghệ quần chúng và ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng những chương trình văn nghệ quần chúng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của nhân dân và du khách.

Bài, ảnh: Thùy Dương

Trung tâm Văn hóa tỉnh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.157.710
    Online: 53