Người Cống là dân tộc đặc biệt ít người sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã, bản giáp Biên giới Việt - Lào như: bản Púng Bon, bản Huổi Moi thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; bản Nậm Kè thuộc xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; bản Lả Chà thuộc xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ. Người Cống ở tỉnh Điện Biên còn bảo lưu được nhiều văn hóa truyền thống mà trong đó Tết hoa là một lễ hội lớn, tiêu biểu của dân tộc.
Mền Loóng phạt ái (Tết hoa) là Tết cổ truyền của dân tộc Cống được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm khi mùa vụ đã thu hoạch xong. Để chuẩn bị đón Tết, nhà nào nhà nấy đều lên nương chọn hái những bông hoa mào gà (phạt ái) đẹp nhất đem về chuẩn bị lễ vật dâng cúng trời đất tổ tiên tại gia đình và trang trí cây hoa ở địa điểm tổ chức Tết hoa của bản.
Để chuẩn bị cho Tết hoa, dân bản đã dựng tại nhà thầy cúng một cây tre hoặc nứa (hằn né hoặc hạ kha), trên có buộc những bông hoa "phạt ái", đặt trước bàn thờ tổ tiên của gia chủ. Cây hoa này tượng trưng là cây cầu nối giữa hai thế giới âm dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng ở trong nhà. Cạnh đó là bếp thờ đặt trong gian bếp cúng. Bếp được làm theo hình vuông, nền đất, không dùng để đun nấu mà chỉ dùng để thờ cúng. Đây là nơi linh thiêng của ngôi nhà, nơi các linh hồn tổ tiên trú ngụ mỗi khi trở về gia đình thăm con cháu. Và cũng được coi là nơi để tiến hành giao tiếp giữa những người còn sống với linh hồn của những người đã khuất.
Lễ cúng Tết hoa theo nghi thức cổ truyền được tiến hành một cách trang trọng tại địa điểm tổ chức chung của bản. Lễ vật dâng cúng có lợn (bạ) hoặc gà (dạ), cá (lòng te), khoai sọ (pùm xì)…nhất là không thể thiếu hoa "phạt ái" một loài hoa biểu tượng cho sự may mắn, no đủ của người Cống. Thầy cúng và các già làng dâng lễ xin tổ tiên trời đất, thần linh chứng giám lòng thành của dân bản và phù hộ cho mọi người năm mới mạnh khỏe, sản xuất phát triển, cuộc sống yên vui, gia đình hạnh phúc… Thầy cúng khấn mời tổ tiên, thần linh thụ lễ và xin phép bắt đầu lễ hội bằng một hồi chiêng báo hiệu.
Tại mỗi gia đình, từ sáng sớm, chủ các gia đình đã chuẩn bị lễ vật bày lên mâm đặt trong gian thờ cúng của gia đình để cúng tổ tiên thần linh. Lễ vật dâng cúng có xôi, cá nướng, khoai sọ, sắn, bí đỏ, bí xanh, ớt, bánh chưng và hòn đá thiêng…chủ nhà thắp nến, trịnh trọng khấn mời tổ tiên, thần linh hưởng lễ vật và phù hộ cho các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, mùa màng bội thu...
Sau lễ cúng tại các gia đình, mọi người cùng vui vẻ uống rượu và múa hát, các trò chơi dân gian dân tộc và thi đấu thể thao như đánh cù, đẩy gậy, kéo co. Họ múa và uống rượu trong tiếng chiêng, tiếng trống cùng tiếng hò reo, cổ vũ náo nhiệt của đám đông dự hội. Không khí ngày tết rất náo nhiệt và thắm tình đoàn kết cộng đồng....
Trong ngày tết, bà con dân tộc Cống cùng nhau đến chúc tết từng gia đình trong bản, dành cho nhau những lời chúc về năm mới với mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, an lành, no đủ.
Có thể nói, "Mền loóng phạt ái" - Tết hoa của người Cống được tổ chức là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng đã lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua ngày Tết, nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn cần được giữ gìn và phát huy để Tết hoa của người Cống mãi là nét văn hoá đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh tiêu biểu trong Tết hoa của dân tộc Cống tỉnh Điện Biên:
![](/admin/anhup/th1 (500 x 333).jpg)
![](/admin/anhup/th2 (500 x 333).jpg)
![](/admin/anhup/th4 (500 x 333).jpg)
![](/admin/anhup/th5 (500 x 333).jpg)
![](/admin/anhup/th6 (500 x 333).jpg)
Phòng Di sản Văn hóa