Ngày 28/11/1992, UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) ban hành Quyết định số 174/QĐ-UB về việc đổi tên Sở Thương Nghiệp thành Sở Thương Mại và Du lịch có chức năng quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh. Trải qua 25 xây dựng và trưởng thành, Du lịch Điện Biên đã từng bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, dần vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn này du lịch và dịch vụ đang chuyển dần từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường. Là tỉnh miền núi, kinh tế hàng hóa chậm phát triển, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu, cơ sở vật chất kỹ thuật của các đơn vị kinh doanh du lịch còn lạc hậu… vì vậy Du lịch Điện Biên gặp không ít khó khăn, tốc độ phát triển còn chậm.
Với chức năng quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, Sở Thương Mại và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời vận động các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực đầu tư du lịch, dịch vụ, xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ngành cũng quan tâm tới việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đồng thời tăng cường khai thác phát huy thế mạnh quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Nhận thức rõ về tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ/TU, ngày 18/10/2002 về Chương trình phát triển du lịch đến năm 2010, đây là mốc quan trọng có ý nghĩa xuyên suốt cho du lịch Điện Biên, thể hiện qua các nhóm giải pháp cụ thể như: Xây dựng quy hoạch, dự án phát triển du lịch; Củng cố tổ chức quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch; Đầu tư phát triển khu dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao; Củng cố sắp xếp các loại hình doanh nghiệp; Xây dựng vai trò của các ngành và tính liên ngành của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh..qua đó đã làm thay đổi nhận thức du lịch trong xã hội là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng góp phần gìn giữ và bảo vệ các giá trị văn hóa, tài nguyên và xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho xã hội. Theo đó kết quả hoạt động kinh doanh du lịch tăng nhanh qua các năm theo từng giai đoạn (1992-2002), (2003- 2011), (2012- 2017).
Theo thống kê năm 1995, tỉnh Lai Châu đón 60.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 1.450 lượt), thu nhập xã hội đạt 2,6 tỷ đồng, với 14 cơ sở kinh doanh có 294 buồng lưu trú. Năm 2002, đón trên 90.000 lượt khách (trong đó có 8.200 lượt khách quốc tế), thu nhập xã hội đạt 23,2 tỷ đồng, với 24 cơ sở kinh doanh có 440 buồng lưu trú. Năm 2011 đón 353.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 64.000 lượt người), thu nhập xã hội đạt 215 tỷ đồng. Từ năm 2012 đến nay đây là giai đoạn tổ chức triển khai các Quy hoạch, Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và của tỉnh về phát triển du lịch như Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ- Pá Khoang đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 24/8/2015; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23/5/206 về phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030...Những kết quả được đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập và việc làm đã khẳng định vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế. Đến nay toàn tỉnh có 142 cơ sở lưu trú du lịch với 2.587 buồng và 4.238 giường, trong đó: 01 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao, 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 06 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao, 10 bản văn hóa du lịch có khả năng phục vụ khách về ẩm thực và văn hóa, văn nghệ, 04 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực lữ hành; Có 150 nhà hàng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch cơ bản của du khách. Dự ước thực hiện năm 2017, Điện Biên đón 600.000 lượt khách, tăng gấp 10 lần so với năm 1995 trong đó khách quốc tế ước đạt 120.000 lượt khách, tăng 7,3 lần so với năm 1995. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 950 tỷ đồng, tăng hơn 40 lần so với năm 1995. Giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động trực tiếp và gián tiếp.
Trong mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến 2030, Điện Biên đang hướng tới phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư phát triển khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về yếu tố lịch sử, tự nhiên và văn hóa các dân tộc; tăng cường liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan, tỉnh vân Nam Trung Quốc và các thị trường tiềm năng. Đưa ra các giải pháp và cụ thể hóa các mục tiêu đã xác định để nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng cơ chế, chính sách tạo bước đột phá để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch....Phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác, tạo nền tảng đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước.
Thu Thủy