Nằm cách trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ 40 km, bản Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên có 85 hộ với 431 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Nơi đây hội tụ đủ điều kiện để phát triển các loại hình du lịch tự nhiên và nhân văn với hệ sinh thái hồ Pá Khoang, Sở chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông...

Theo tiếng Thái, Mường Phăng có nghĩa là nơi của những người biết lắng nghe. Xác định được vị trí và lợi thế cũng như ý thức lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bản Che Căn luôn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái với những nếp nhà sàn truyền thống, trang phục và những điệu dân ca, dân vũ, các món ăn đặc trưng, các trò chơi dân gian. Một trong những nét văn hóa đặc trưng mà du khách khi đến thăm Che Căn không thể không nhớ đến là văn hóa ẩm thực.

Đối với dân tộc Thái, việc làm món ăn trong dịp lễ, Tết hay tiếp khách có vai trò rất đặc biệt. Họ chế biến món ăn một cách cầu kỳ theo nhiều phương thức, sử dụng những loại nguyên liệu riêng, các loại gia vị độc đáo mang đặc trưng phong tục tập quán của dân tộc mình để tỏ lòng thành kính. Trong mâm cơm đón khách, người trưởng họ và người cao tuổi được nhất mực coi trọng. Đó là sự thể hiện tấm lòng hiếu khách và thảo hiền của con cái đối với cha mẹ và khách. Tham gia chuẩn bị các món ăn trong ngày lễ, Tết là niềm vui và quyền lợi của mỗi thành viên trong cộng đồng. Món ăn trong những ngày vui này mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Đó không chỉ là hưởng thụ thành quả lao động do mình làm ra mà nó còn là sợi dây gắn kết tình cảm cộng đồng, làng xóm, là sự tiếp nối truyền thống văn hóa ẩm thực của tổ tiên để lại.

Trong ngày thường, món ăn chủ yếu của họ là xôi

Cùng với thời gian, ngày nay nếp sinh hoạt, ăn uống của người Thái cũng có nhiều thay đổi. Tuy rằng nguyên liệu chế biến các món ăn vẫn là những sản vật quen thuộc trong đời sống hàng ngày lấy từ thiên nhiên hoặc do chính bàn tay lao động làm ra nhưng cách thức chế biến và ăn uống đã khác, mang tính cầu kỳ hơn. Từ nhu cầu lương thực để đủ ăn, nay lại là nhu cầu được thưởng thức món ăn. Trong các món ăn hàng ngày cũng như lễ hội, họ rất chú trọng đến gia vị và màu sắc vì đặc điểm thiên nhiên ở đây giá lạnh, rất cần có những món ăn ấm, nóng với màu sắc mạnh. Đó là một hình ảnh đẹp thể hiện cảm quan thẩm mỹ của người Thái và sự hài hòa trong các món ăn.

Mỗi một cộng đồng cư dân khác nhau đều có cách ăn, cách uống và các món ăn uống khác nhau. Nó phản ánh thực trạng kinh tế, xã hội, tập quán sản xuất của tộc người đó. Người Thái trồng nhiều lúa nếp nên trong ngày thường món ăn của họ chủ yếu là xôi. Xôi chấm với loại nước chấm đặc biệt được chế biến từ các nguyên liệu như cá, ruột cá, rau thơm, ớt, mắc khén (một loại hạt tiêu rừng vùng Tây Bắc)... Thứ nước chấm đó được gọi là chẩm chéo. Chẩm chéo được chế biến theo nhiều cách, dùng với nhiều món ăn khác nhau và trở thành một nét không thể thiếu khi bàn về văn hóa ẩm thực người Thái.

Dân tộc Thái ưa thích các món ăn được chế biến bằng phương pháp nướng. Món thịt trâu, bò, cá, gà nướng được tẩm ướp gia vị rất cầu kỳ. Mắc khén, tỏi, ớt, gừng, muối là những gia vị chủ đạo không thể thiếu trong khi chế biến các món nướng. Trước khi đem ướp với thịt, các gia vị được nướng lên cho chín,dậy hương thơm. Tùy từng món ăn, thịt hoặc cá được gói trong lá chuối rừng, lá dong hoặc kẹp tre nướng trên than củi hồng hay vùi tro bếp nóng. Khi chín, thịt rất thơm, ăn không ngán.

Rất nhiều món ăn ngon của dân tộc Thái bản Che Căn được du khách gần xa đón nhận như món cá nướng, thịt hun khói, canh da trâu,.. Các món ăn này đều được chế biến theo cách rất riêng của người Thái. Ví như món "Pa pỉnh tộp" - cá nướng, thường dùng bằng cá chép, trôi, trắm loại to mổ lưng để ráo nước, xoa một lớp muối rang nổ, tẩm ớt tươi nướng và mắc khén nghiền nát. Chờ cá ngấm gia vị đặt lên than hồng nướng, nướng từ từ cho cá chín đều, lớp thịt bên trong thơm, ngọt, khô chắc. Hay món rau thập cẩm gồm 20 loại rau cho vào ống bương đồ chín, chấm với chẩm chéo ăn vừa bùi bùi, ngọt ngọt vừa có hương vị thơm rất độc đáo.

Pa Pỉnh Tộp - một trong những món ngon đặc trưng của người Thái bản Che Căn

Mâm cơm được bày ra, dù là bữa cơm bình dân hay mâm cơm đãi khách, trong ngày lễ, Tết vẫn luôn nổi bật những đặc trưng riêng trong từng góc độ, thể hiện trình độ ẩm thực của mỗi dân tộc, của vùng, miền. Nó xuất phát từ quá trình sống, điều kiện địa lý, khí hậu và tập quán sinh hoạt để trở thành văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc.

Đối với đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên nói chung và nhân dân bản Che Căn nói riêng, sống trên vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những sản vật tự nhiên, vì vậy từ xưa người dân đã tích lũy, xây dựng được cho mình một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú và vô cùng hấp dẫn. Những nét đẹp bình dị ấy thực sự là dấu ấn sinh động hòa vào bức tranh văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam.

Thu Thủy

Trung tâm Văn hóa tỉnh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.367.956
Online: 342