Ngày 10/6/1953, trong thư gửi Trung đoàn 367 Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “…Trong hoàn cảnh một nước, một quân đội chưa có không quân thì Binh chủng Pháo cao xạ lại càng rất quan trọng. Trung đoàn 367 là một trong những đơn vị có trang bị tương đối hiện đại đầu tiên của Quân đội ta, sẽ làm cơ sở và nòng cốt cho việc phát triển lực lượng phòng không to lớn sau này. Sự ra đời của bộ đội pháo cao xạ đánh dấu một bước trưởng thành của Quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại…”.

Đông xuân 1950- 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã giành được thắng lợi quan trọng về quân sự. Để giành lại thế chủ động trên chiến trường, thực dân Pháp tăng cường quân viễn chinh, bổ sung lính thuộc địa và xin viện trợ của đế quốc Mỹ.

Thời gian đầu tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, không quân Pháp ở Đông Dương mới chỉ có một phi đội máy bay vận tải Joong-ke, hai phi đội máy bay khu trục Spitfire và một số máy bay trinh sát, chỉ huy kiểu cũ. Nhờ đế quốc Mỹ viện trợ, đến cuối năm 1950, ngoài việc bổ sung đủ số thiệt hại, không quân Pháp còn tăng lên đến 9 phi đội máy bay gồm nhiều chủng loại với đầy đủ bom đạn để sử dụng trong chiến tranh. Đến năm 1953, trên chiến trường Đông Dương không quân Pháp đã có tới 419 máy bay các loại. Có thêm máy bay, bom đạn, không quân Pháp tăng cường các phi vụ đánh phá gây tổn thất đáng kể cho quân và dân ta.

Khó khăn của bộ đội ta lúc này là trang bị vũ khí còn mỏng, thô sơ, thiếu đội ngũ cán bộ và chưa có điều kiện huấn luyện. Chính vì vậy, hiệu suất bắn rơi máy bay địch chưa cao, hạn chế đến tác chiến hiệp đồng binh chủng.

Trước đòi hỏi cấp bách của chiến trường, Đảng và Chính phủ đã chủ trương nhanh chóng phát triển lực lượng vũ trang, nhất là các binh chủng kỹ thuật hiện đại, trong đó có lực lượng phòng không. Được sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc, từ tháng 10 năm 1952, đoàn cán bộ gồm 33 người, do đồng chí Nguyễn Tâm Trinh phụ trách đã sang Nam Ninh (Trung Quốc) học về không quân. Nhưng do quân đội ta chưa có đủ điều kiện xây dựng không quân nên đoàn cán bộ này chuyển sang học về phòng không. Ngày 26 tháng 1 năm 1953, đoàn cán bộ gồm 114 người, do đồng chí Nguyễn Quang Bích phụ trách sang Trường Sĩ quan cao xạ Thẩm Dương (Trung Quốc). Khi đến Nam Ninh, đoàn tiếp nhận 33 cán bộ do đồng chí Nguyễn Tâm Trinh phụ trách, tiếp tục hành quân đến Thẩm Dương học về phòng không. Thời gian sau, một đoàn cán bộ gồm 70 người do đồng chí Hoàng Khải Tiến, Đinh Thịnh và Lê Văn Thiêm phụ trách tiếp tục lên đường sang Thẩm Dương (Trung Quốc) nhập vào hai đoàn trên do đồng chí Nguyễn Quang Bích làm trưởng đoàn.

Ngày 1/4/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký quyết định số 06/QĐ thành lập Trung đoàn pháo cao xạ 367. Theo quyết định, trung đoàn được biên chế 6 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm mang các phiên hiệu 381, 383, 385, 392, 394, 396, mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội gồm 12 khẩu pháo 37mm và 1 đại đội súng máy cao xạ gồm 12 khẩu 12,7mm; 1 tiểu đoàn lái xe kéo pháo trở súng máy 12,7mm, xe vận tải và thợ sửa chữa; 3 ban tham mưu, chính trị, cung cấp.

Ngày 15/4/1953 tại khu rừng thuộc xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, được sự ủy nhiệm của trên, đồng chí Ngô Từ Vân công bố quyết định thành lập Trung đoàn pháo cao xạ 367. Lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của trung đoàn gồm 2.700 đồng chí, trong đó có 350 đảng viên.

Ngày 17/4, trung đoàn chia thành nhiều khối, bí mật hành quân bộ lên Đồng Đăng rồi sang Bằng Tường (Trung Quốc). Tiểu đoàn học lái xe và thợ sửa chữa mang phiên hiệu 690, gồm 690 người, do đồng chí Phạm Duy Lâm phụ trách, hành quân tiếp đến học ở Trường Tiến Bộ thuộc tỉnh Nam Ninh. Các tiểu đoàn học về pháo cao xạ hành quân đến Tân Dương.

Tiếp đó, trung đoàn tổ chức tiếp nhận 72 khẩu pháo cao xạ 37mm, 72 khẩu súng máy cao xạ 12,7mm và một số khí tài, xe, máy do Liên Xô viện trợ. Tất cả các vũ khí phòng không này được biên chế về các đại đội hỏa lực, mỗi đại đội pháo cao xạ có 4 khẩu, đại đội súng máy phòng không có 12 khẩu.

Theo quyết định của Bộ, Ban chỉ huy đầu tiên của Trung đoàn pháo cao xạ 367 gồm có các đồng chí: Lê Văn Tri, Trung đoàn trưởng; Đoàn Phụng, Chính ủy; Ngô Từ Vân, Phó Chính ủy; Nguyễn Quang Bích, Trung đoàn phó.

Để chuẩn bị cho giai đoạn huấn luyện, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn tổ chức từng đại đội hỏa lực thành lớp học do cán bộ đại đội phụ trách. Cán bộ chỉ huy, thành phần chuyên môn như trinh sát, thông tin, lái xe, thợ sửa chữa xe… được tổ chức thành từng khối. Đồng chí Đào Văn Dương phụ trách khối học về chỉ huy sử dụng thông tin vô tuyến. Đồng chí Nguyễn Tần phụ trách khối học về thông tin. Đồng chí Hoàng Hiên phụ trách khối học về trinh sát. Đồng chí Phạm Duy Lâm phụ trách khối học về lái xe, thợ sửa chữa xe… Các chiến sĩ có trình độ văn hóa khá được biên chế vào các lớp học kỹ thuật, thông tin vô tuyến điện, trinh sát…

Ngày 15/5/1953, Ban chỉ huy trung đoàn tổ chức lễ khai giảng khóa huấn luyện. Sau buổi lễ, các lớp bước vào bài học đầu tiên.

Trong quá trình học tập, khi học đến nguyên lý giải quyết điểm bắn trúng mục tiêu, cấu tạo máy ngắm, đường đạn trên không, những đường cong đối số, cách bắn đón mục tiêu… những khó khăn, trở ngại đã bộc lộ. Nguyên nhân chủ yếu là phần đông cán bộ, chiến sĩ xuất thân từ nông dân có trình độ văn hóa cấp I, một số không ít mới biết đọc, biết viết, thậm chí có đồng chí chưa biết chữ. Cũng từ đó tâm trạng lo lắng, bi quan xuất hiện trong một số cán bộ, chiến sĩ. Có đồng chí còn cho rằng không tiếp tục học tập được nữa và nảy sinh ý định xin về nước chiến đấu.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn đã tập trung lãnh đạo, tổ chức sinh hoạt chính trị, chấn chỉnh những nhận thức chưa đúng, xây dựng niềm tin vào khả năng làm vũ khí, khí tài mới cho bộ đội. Trung đoàn phát động phong trào thi đua “Công - nông làm chủ vũ khí mới” để động viên cán bộ, chiến sĩ đoàn kết thống nhất cao, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, nhất là về trình độ để hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng trong thời gian này, tổ chức trung đoàn tiếp tục được tăng cường và thêm hoàn chỉnh. Từ ngày 10/7 đến tháng 10/1953, trên 200 cán bộ và nhân viên học xong khóa đào tạo Trường sĩ quan Cao xạ Thẩm Dương lần lượt về Tân Dương, biên chế vào trung đoàn.

Sau hơn 3 tháng huấn luyện chuyển binh chủng, ngày 20 tháng 8 năm 1953, trung đoàn tổ chức thực hành diễn tập chiến thuật và bắn đạn thật để đánh giá kết quả học tập của bộ đội. Do được huấn luyện cơ bản, quyết tâm cao, lại được tổ chức chặt chẽ nên hầu hết các đại đội đều hiệp đồng tốt, xạ kích chính xác, bắn trúng mục tiêu trên không. Tiểu đoàn 383 được xếp loại khá nhất, Đại đội 815 Tiểu đoàn 383 đạt thành tích cao trong bắn đạn thật và kiểm tra toàn diện, được nhận cờ thưởng luân lưu “Học tập khá nhất”. Đây là kết quả của tình đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn thử thách, kiên trì học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ. Cuộc diễn tập bắn đạn thật kết thúc thắng lợi còn có ý nghĩa như một thành tích đầu tiên của Trung đoàn pháo cao xạ 367.

Ngày 24/11/1953, tại pháo trường Tân Dương, trung đoàn tổ chức lễ xuất quân về nước. Hai tiểu đoàn 383, 394 và Đại đội 834 đội ngũ chỉnh tề trước đoàn xe kéo pháo xếp hàng thẳng tắp. Sau nhiều ngày hành quân gian khổ, 5 giờ sáng ngày 1/12/1953, chiếc xe kéo pháo đi sau cùng về đến vị trí tập kết ở tây bắc thị xã Tuyên Quang. Cuộc hành quân đầu tiên của trung đoàn từ Trung Quốc về nước thực sự là cuộc diễn tập chiến thuật đa dạng, phong phú, sinh động, tạo điều kiện cho bộ đội rèn luyện và là những kinh nghiệm bước đầu trong cơ động chiến đấu của trung đoàn.

Sáng ngày 21/12/1953,  Đại đoàn 351 và Trung đoàn pháo cao xạ 367 nhận lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ huy cuộc hành quân cơ giới quan trọng này là đồng chí Phạm Ngọc Mậu, hai đồng chí Đào Văn Trường và Nguyễn Quang Bích là Chỉ huy phó. Lực lượng của Trung đoàn 367 phối thuộc với Đại đoàn 351, có nhiệm vụ bảo vệ lựu pháo.

Sau 17 ngày đêm hành quân vất vả, vượt qua phà Tà Khoa, đỉnh Lũng Lô, các đèo Cò Nòi, Pha Đin trên chặng đường dài 500km. Sáng sớm ngày 8/1/1954 lực lượng quân cơ giới của Đại đoàn 351 đã đến Tuần Giáo, khu vực tập kết chiến dịch. Toàn bộ lực lượng phòng không tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, gồm 5 tiểu đoàn, trong đó có 2 tiểu đoàn pháo cao xạ của Trung đoàn 367 (24 khẩu) và 3 tiểu đoàn súng máy cao xạ của các đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, một số đại đội súng máy cao xạ khác (gần 100 khẩu súng máy cao xạ 12,7mm) đã sẵn sàng nổ súng đánh máy bay địch.

Trung đoàn 367 đặc trách chiến đấu với không quân địch, yểm hộ Đại đoàn bộ binh 312 từ vị trí xuất phát tiến công đến vị trí xuất phát xung phong; bảo vệ trận địa pháo binh mặt đất từ Nà Lơi đến Hồng Cúm; sẵn sàng phát triển lực lượng vào phía đông và tây bắc Mường Thanh.

Riêng Đại đội súng máy cao xạ 818 của Tiểu đoàn 383 bố trí hai cụm ở đông Mường Thanh và đông bắc Hồng Cúm, tham gia bảo vệ đội hình chiến đấu của Đại đoàn bộ binh 316 và Trung đoàn 57 Đại đoàn 304.

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, các lực lượng phòng không, pháo binh, bộ binh đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắn nhiều phi công của Pháp. Riêng Trung đoàn pháo cao xạ 367, đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không chiến dịch bắn rơi 52 máy bay, gồm 9 kiểu loại, bắn bị thương 117 chiếc khác. Những chiến công xuất sắc của trung đoàn trong đội hình binh chủng hợp thành và mặt trận bảo vệ hậu phương chiến dịch, bảo vệ giao thông vận chuyển đã tích cực góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Trung đoàn pháo cao xạ 367 tham gia chiến đấu binh chủng hợp thành đánh chiếm tập đoàn cứ điểm của địch. Do lập được nhiều chiến công xuất sắc, Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 25 Huân chương Quân công hạng Ba, 27 Huân chương Chiến công hạng Nhất (cho các đơn vị), 200 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại. Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình cứu pháo được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.

Thương Thương

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
     Bình chọn
    Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
    135 người đã bình chọn
    Thống kê: 290.772
    Online: 97