Phân khu Nam của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một trong ba hệ thống phòng ngự theo địa hình lòng chảo Mường Thanh của Thực dân Pháp khi quyết định đánh chiếm Điện Biên.

Liên hoàn với phân khu Bắc và phân khu trung tâm, phân khu Nam gồm cụm cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm), sân bay dự bị và trận địa pháo, nằm cách phân khu trung tâm khoảng 5km có nhiệm vụ bảo vệ cho trung tâm Tập đoàn cứ điểm ở hướng Nam và sẽ trở thành bức tường thành bao vây, vững chắc và khống chế toàn bộ lòng chảo Điện Biên Phủ. Hỏa lực ở đây có thể chi viện cho phân khu trung tâm khi bị tấn công bằng pháo binh, bộ binh, lực lượng cơ giới; khi Tập đoàn cứ điểm có nguy cơ bị tiêu diệt thì nó lại là cái “cửa sau”  để mở đường rút chạy sang Thượng Lào cũng như đón quân từ Lào sang ứng cứu, chi viện.

Quan trọng nhất tại khu phòng ngự này là cụm cứ điểm Hồng Cúm, nằm dưới quyền chỉ huy của Đại tá Lalande, một trong những tướng lĩnh có tài của quan đội Pháp. Cụm cứ điểm này gồm 5 cứ điểm nhỏ hơn, nằm trên địa hình bằng phẳng, được đánh số từ 1 đến 5 đóng liền nhau ven sông Nậm Rốm. Lực lượng được bố trí tại đây khá mạnh, gồm: Tiểu đoàn Lê dương số 3, Tiểu đoàn Angieri số 2, Tiểu đoàn Angieri số 5 (một Đại đội), Tiểu đoàn Ngụy Thái số 3, một Tiểu đoàn pháo 105, một Đại đội súng cối 120 ly, một Đại đội xe tăng (2 chiếc) với tổng số 2.000 binh lính và một sân bay chạy dài theo đường 41 (nay là quốc lộ 279). Hoả lực bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa và các loại súng bắn thẳng bố trí thành một hệ thống vừa tự bảo vệ vừa yểm hộ cho những cứ điểm xung quanh.

Khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Navarre đã cho xây dựng 2 sân bay, sân bay chính là Mường Thanh và sân bay dự bị là Hồng Cúm. Mục đích của việc xây dựng 2 sân bay này là để nhận quân tăng viện của Pháp từ Hà Nội và một số cảng hàng không khác lên phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ. Một cầu hàng không nối liền sân bay Điện Biên với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai được thiết lập hoạt động tấp nập từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu đường hàng không bị khống chế hoặc cắt đứt, Tập đoàn cứ điểm sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu. Sân bay Mường Thanh được chúng xem như cái dạ dày của tập đoàn. Còn sân bay Hồng Cúm là sân bay dự bị ngày, ngày được nối liền với Hà Nội và Hải Phòng. Trung bình mỗi ngày có gần một trăm chuyến bay vận tải tiếp tế khoảng 200 - 300 tấn hàng và thả dù khoảng 100 - 150 tấn vào những lúc nguy ngập, nếu cần thiết cứ 5 phút lại có một chuyến bay từ Hà Nội lên để cứu nguy cho Điện Biên Phủ.

Về phía ta, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 được trao nhiệm vụ tiêu diệt phân khu Nam. Nhiệm vụ của trung đoàn là tiến hành bao vây, kiềm chế pháo binh địch ở Hồng Cúm. Đêm ngày 23/3, các đường giao thông hào và chiến hào của trung đoàn đã hình thành một trận địa liên hoàn siết chặt xung quanh Hồng Cúm cắt rời nó với phân khu trung tâm, chấm dứt việc hạ cánh của máy bay trên đường băng tại sân bay Hồng Cúm. Những hoạt động khác bằng bộ binh, cơ giới cũng đều bị loại trừ.

Đầu tháng 4 năm 1954, trận địa của Trung đoàn 57 bắt đầu lấn dần vào phân khu, ta đã xây dựng một trận địa hình cánh cung, chạy từ Đông sang Tây, cắt rời phân khu Nam với khu trung tâm Mường Thanh, những đường chiến hào của Trung đoàn 57 ngày càng tiến vào gần các lô cốt địch. Nhận thấy nguy hiểm đang rình rập, Thực dân Pháp đã cho máy bay bắn phá dữ dội vào trận địa của bộ đội ta, điên cuồng đối phó. Ban ngày thì đưa xe tăng, bộ binh ra lấp chiến hào rồi cài mìn đánh bẫy, ban đêm chúng tổ chức từng toán nhỏ phục kích ngay ở mũi các chiến hào. Biết được ý đồ của quân Pháp chúng ta đã cho thay đổi vị trí đào hào, khi thì đào từ ngoài vào, khi đào từ trong ra, bố trí lực lượng đánh phục kích địch.

4 giờ sáng ngày 16/4 quân Pháp lợi dụng lúc trời còn tối đột nhập vào chiến hào của Đại đội 54. Nhờ bình tĩnh xử trí, Đại đội 54 từ chỗ đang bị địch đột kích bất ngờ chuyển thành chủ động tiến hành một trận phản kích, các lực lượng linh hoạt và hiệp đồng yểm trợ nhau, tiến công từ 3 phía dành thắng lợi giòn giã.

Tại phân khu Nam, việc đào hệ thống giao thông hào kết hợp đánh áp sát và bắn tỉa khiến diện tích chiếm đóng của Pháp bị thu hẹp. Từ ngày 27/3, không một máy bay nào có thể tiếp cận được với Điện Biên Phủ. Mọi tiếp tế của Hà Nội cho Tập đoàn cứ điểm chỉ bằng con đường thả . Tuy máy bay địch bay với tốc độ chậm cũng chỉ có khoảng mấy giây để thả dù, đồ tiếp tế của quân Pháp thường rơi ra ngoài mục tiêu, rơi sang trận địa của bộ đội ta. Trung đoàn 57 thu được khá nhiều dù tiếp tế, có ngày thu được trên 3 tấn hàng các loại. Quanh cụm cứ điểm Hồng Cúm, các chiến sĩ ta súng trường, súng máy, pháo, các cỡ súng cối lớn nhỏ sẵn sàng chờ địch xuất hiện. Sau nhiều lần bị ta đánh lừa, ban ngày quân địch không dám đi lại, không dám nhô đầu lên khỏi chiến hào. Mỗi lần đi thu nhặt dù, địch phải tổ chức như một trận đánh có xe tăng đi kèm và pháo bắn hợp đồng.

Ngày 26/4/1954, bốn trong các trung đội Bắc Phi khá nhất được lựa chọn tiến công vào những chiến hào tiếp cận của ta ở phía Tây bắc Isaben. Lalande được báo cáo tại đây chỉ có một đường hào, nhưng khi những người lính của Đại đội 9 Angieri đột nhập thì họ thấy mình lọt giữa hai tuyến chiến hào, họ phải yêu cầu quân cứu viện mới thoát khỏi trận địa tấn công của ta.

Bước sang tháng 5 khi những thắng lợi của ta ngày càng mở rộng trên khắp chiến trường Điện Biên, thì số lính Pháp đóng tại phân khu Nam ngày càng bị siết chặt, có chăng là những đợt chống trả yếu ớt bởi những vòng vây lửa của bộ đội Việt Minh. Đầu tháng 5 năm 1954, dưới trời mưa tầm tá De Castries đã họp các sĩ quan cao cấp để phổ biến kế hoạch Albatros có mặt Langlais Bigead, Vado, Xeganh... không có mấy ai tin tưởng vào lối thoát này nhưng kế hoạch vẫn được dự định thực hiện. Vào 20 giờ ngày 7/5/1954 với 3 cánh quân, quân dù do Langlais và Bigead chỉ huy, lính Lê dương và Bắc phi do Lơmơnie và Vađô chỉ huy, tất cả sẽ rút chạy theo hướng Nam.

17 giờ ngày 7/5/1954 tại Hồng Cúm chúng ta đã phát hiện địch ném vũ khí xuống sông Nậm Rốm và có những đám cháy trong cứ điểm, chuẩn bị cho một cuộc tẩu thoát. Bộ chỉ huy chiến dịch của ta lệnh cho Đại đoàn 308 đưa 1 đơn vị nhanh chóng tăng cường cho phân khu Nam, phối hợp cùng Đại đoàn 304 truy kích tiêu diệt quân địch không để một tên nào chạy thoát. Vòng vây của ta bao vây toàn bộ phân khu trung tâm, pháo ta bắn mạnh, công sự trong các cứ điểm đều bị sụp đổ. 20 giờ ngày 7/5/1954 quân ta đã làm chủ những cứ điểm cuối cùng tại phân khu Nam, kết thúc số phận của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sơ kết đợt tiến công tại phân khu Nam, ta thu được 600 viên đạn pháo 105mm, 3.000 viên đạn cối 120mm và 81mm, hàng tấn đạn các cỡ khác nhau, hàng chục tấn lương thực, thuốc men, tiêu diệt và bắt sống trên 2000 tên địch. Đến 24 giờ cùng ngày chính uỷ Lê Chưởng - Đại đoàn 304 điện thoại báo cáo với Bộ chỉ huy mặt trận: “Đại đoàn Nam Định đã bắt sống toàn bộ quân  địch ở Hồng Cúm, trong đó có Langlais - Chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm, Lalande đặc trách phân khu Hồng Cúm và toàn thể cơ quan tham mưu của hắn”. Những tên chạy trốn sang Lào cũng bị bắt hoặc ra đầu hàng. Tiêu diệt phân khu Nam, ta đã đập tan hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm của Pháp, làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Chiến sự tại phân khu Nam tuy không ác liệt, kéo dài như các trận đánh tại các cứ điểm khác nhưng lại có vai trò quan trọng, là nơi kết thúc của cuộc chiến, cũng là hơi thở cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Hiện nay di tích phân khu Nam không còn do ngay sau ngày chiến thắng, ta chủ trương đưa dân về san lấp trận địa để sản xuất song lại tiến hành ồ ạt, không khoanh vùng giới hạn nên di tích bị xâm lấn và mất đi gần như toàn bộ. Tại đây chỉ còn lại hai bia đánh dấu mốc di tích.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
     Bình chọn
    Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
    134 người đã bình chọn
    Thống kê: 287.046
    Online: 143