Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ra đời, là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng của Cách mạng Việt Nam. Ngay sau đó, đội quân non trẻ, mới chỉ có 34 thành viên đã dành được hai chiến thắng quan trọng tại Phai Khắt và Nà Ngần, là bước chuyển mình đầu tiên cho sự phát triển mạnh mẽ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược sau này.

34 người, trong đó có 3 nữ, chủ yếu là những chiến sĩ du kich hoạt động trên địa bàn ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Mỗi người được trang bị một khẩu súng, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch - Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý và dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác Hồ nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc..." và "phải đánh thắng trận đầu".

Ngay sau đó, Đội đã đặt ra kế hoạch "tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược", mục tiêu sẽ là hai đồn địch gần đó Phai Khắt và Nà Ngần. Lực lượng đánh đồn gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp). Ngoài ra, còn có sự tham gia của du kích và cán bộ Việt Minh địa phương làm nhiệm vụ canh gác các ngả đường vào bản. Để đột nhập thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho chuẩn bị sẵn Giấy đi tuần giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh.

Chiều ngày 24/12/1944, lực lượng tham gia trận đánh cải trang thành lính khố xanh, hành quân về Phai Khắt. Đồn Phai Khắt thuộc địa bàn xã Tam Lọng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), quân số của đồn có 21 tên lính dõng chủ yếu là người Nùng và Mán, do tên cai người Pháp - Simônô chỉ huy. Sau khi nhận được tin Đồn trưởng Simônô vắng mặt, 17 giờ ngày 25/12, Đồng chí Thu Sơn dẫn quân tiến vào đồn một cách dễ dàng. Đội nhanh chóng chia làm hai mũi: Tiểu đội 1 đánh chiếm nơi để súng, Tiểu đội 2 bao vây đồn. Trong khi bọn  địch chưa kịp phản ứng, đồng chí Thu Sơn hô lớn: “Rát-săm-măng” (tập hợp), 17 tên lính và tên cai ra tập hợp giữa sân. Địch bị bất ngờ, không kịp trở tay, nhanh chóng đầu hàng.

Trận đánh diễn ra nhanh chóng, tên Simônô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên địch, thu được 17 khẩu súng, một ít đạn và quân trang. Sau khi hạ được đồn Phai Khắt, ngay trong đêm 25/12, Đội khẩn trương hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt khoảng 20km), nơi có đồn Nà Ngần. 

Tại đây, Đội cải trang làm một toán lính mặc trang phục lính Pháp mới lấy được trong trận Phai Khắt, áp giải ba Cộng sản Mán đến giao nộp cho quan đồn cùng với lá cờ tam tài (Đội lấy được ở đồn Phai Khắt). Tưởng thật, tên cai và toàn bộ quân đồn trú ra xếp hàng đón theo nghi thức nhà binh. Sau khi cả Đội tiến vào đồn, theo kế hoạch đã phân công, bốn chiến sĩ tiến tới gian giữa án ngữ giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên Đường để đánh lạc hướng. Tiểu đội 2 chặn các cửa đồn, sau đó chia thành từng tổ vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên vừa gọi địch đầu hàng.

Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 5 tên, bắt sống số còn lại, thu được khá nhiều súng và đạn dược. Sau khi hạ đồn xong, Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn biểu ngữ cho Nhân dân. Tốp tù binh được vận động, kêu gọi quay đầu về với tổ quốc, giết giặc lập công. Phần lớn tù binh xin được trở về quê, số còn lại xin đi theo cách mạng.

Chỉ dựa vào lực lượng ít, hạn chế về vũ khí nhưng Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu lược, "lấy ít địch nhiều", sử dụng chiến thuật hóa trang và tập kích địch, một cách bí mật, bất ngờ và đem lại kết quả to lớn. Chỉ trong hai ngày, Đội đã tiêu diệt và bắt sống nhiều địch, trang bị thêm được nhiều vũ khí cho mình và quan trọng hơn là một khởi đầu vững chắc cho những bước đi tiếp theo của đội quân du kích chiến đấu vì độc lập dân tộc và giải phóng nước nhà.

Sau hai trận đánh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã dẫn quân tiến lên phía Bắc để đánh lạc hướng quân địch và báo cáo với Bác Hồ cùng Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng về những chiến thắng đầu tiên của Đội, đề nghị lựa chọn một số đồng chí bổ sung cho Đội để phát triển thành một Đại đội. Chỉ trong một tuần, lực lượng của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã tăng lên nhanh chóng từ 34 chiến sĩ thành hàng trăm cán bộ, chiến sĩ.

Sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là hình thức quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo. Sau nhiều lần đổi tên, năm 1950 lấy tên chính thức là Quân đội Nhân dân Việt Nam  (do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ") và trở thành tên chính thức cho đến ngày nay./.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
     Bình chọn
    Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
    135 người đã bình chọn
    Thống kê: 298.582
    Online: 49