Di tích cứ điểm 311 là một di tích thành phần trong Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 1272/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2009, của Thủ tướng chính phủ. Di tích cứ điểm 311 nằm ở phía Tây Nam sân bay Mường Thanh thuộc xã Thanh Luông - huyện Điện Biên - tỉnh Điện Biên. Di tích được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên giao cho Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài cứ điểm đồi Bản Kéo ra, thì cứ điểm 311 quân ta đã chiếm được mà không tốn một viên đạn nào.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 56 ngày đêm và được chia thành 3 đợt tấn công. Đợt 1: Tiêu diệt địch ở phân khu Bắc. Đợt 2: Tiêu diệt địch ở phân khu Trung Tâm. Đợt 3: Tiêu diệt địch ở phân khu Hồng Cúm.

17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, đợt 1 của chiến dịch diễn ra trong vòng 5 ngày từ ngày 13 tháng 3 năm 1954 đến ngày 17 tháng 3 năm 1954,  các đại đoàn 312, 308  đã tiêu diệt được 3 cụm cứ điểm kiên cố của địch đó là Him Lam, Độc lập, Bản Kéo, mở toang cánh cửa thép tiến vào phân khu Trung Tâm Mường Thanh tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, xiết chặt vòng vây.

Nhiệm vụ của đợt tấn công thứ hai là đánh chiếm các ngọn đồi phía Đông, đánh chiếm sân bay triệt đường tiếp tế và tiếp viện, thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời của phân khu Trung Tâm..

Để đảm bảo chắc thắng trong đợt tấn công thứ hai, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận quyết định xây dựng trận địa tấn công và bao vây, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chuẩn bị của đợt 2.

Đến cuối tháng 3 năm 1954, trận địa tiến công và bao vây quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ căn bản đã hoàn thành. Các trận xuất phát xung phong của quân ta nhằm tiến đánh các ngọn đồi phía Đông cũng đã được chuẩn bị.

18 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954, đợt thứ hai của chiến dịch bắt đầu với cuộc tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam vào các điểm cao phòng ngự phía Đông, gồm các đồi C1,C2, đồi E, đồi D và đồi A của phân khu trung tâm. Ngoài cuộc tiến công vào “5 ngọn đồi”, quân đội ta mở những cuộc tiến công vào các cứ điểm 106 và cứ điểm 311. Các Trung đoàn 88, 36 của Đại đoàn 308 chuyển từ nhiệm vụ dương công sang tiêu diệt các cứ điểm 106 và 311 ở phía Tây, uy hiếp mạnh quân địch tạo điều kiện cho các đơn vị ở khu Đông hoàn thành nhiệm vụ.

Cứ điểm 311 nằm trong cụm Huyguette thuộc phân khu Trung Tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cứ điểm 311 được quân Pháp xây dựng trên cánh đồng Cang Na bằng phẳng, trống trải, tiện cho xe tăng, xe cơ giới hoạt động. Các loại hỏa lực có thể khống chế ta từ xa, trên chính diện rộng. Cứ điểm 311 nằm phía Tây Nam sân bay Mường Thanh, cùng với các cứ điểm 311A, 311B, 106, 206, 203, 204, và 208 tạo thành một tuyến phòng ngự ngoại vi bảo vệ khu Trung tâm và sân bay, chặn quân ta tấn công từ phía Bắc, Tây Bắc và Tây Nam, bảo đảm cho máy bay thả dù tiếp tế, tăng vận.

Về phía ta: Đơn vị đảm nhiệm tiêu diệt cứ điểm 311 là Trung đoàn 88 của Đại đoàn 308.

Tại cứ điểm 311, quân Pháp đã bố trí hai đại đội của Tiểu đoàn Thái số 3 chiếm giữ.

Quân ta lợi dụng các chiến hào chiến đấu đã đào sát đến vị trí của địch, áp dụng chiến thuật đánh lấn. Đêm 1/4, ta đột nhập bất thần vị trí 106 bảo vệ sân bay về phía Tây và tiêu diệt gọn. Sau khi Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 tiêu diệt gọn cứ điểm 106, ban chỉ huy Đại đoàn 308 lập tức ra lệnh cho Trung đoàn 88 bao vây chuẩn bị tiêu diệt vị trí tiếp theo là cứ điểm 311. Đảng ủy đại đoàn nhận định: Cứ điểm 311 là một vị trí đột xuất ở phía Tây. Cứ điểm 106 đã bị tiêu diệt thì cứ điểm 311 nhất định hoang mang dao động, sẽ sợ hãi cuộc tấn công đang tiến gần. Vì vậy, quân ta cần đẩy mạnh công tác địch vận. Chấp hành chỉ thị sáng suốt của đại đoàn, các đơn vị bao quanh cứ điểm 311 lập tức dùng loa kêu gọi, đồng thời dùng đạn súng cối tháo đầu đạn nổ, nhồi truyền đơn vào rồi bắn vào đồn địch. Những quả đạn như reo lên, thi nhau bay vun vút lên bầu trời rồi rơi phình phịch xuống các ụ súng, chiến hào của địch. Trong lúc đó, tiếng loa vang lên dõng dạc, tha thiết hết giờ này qua giờ khác: “Hỡi các bạn binh sĩ Thái, hãy bỏ hàng ngũ địch, quay về với kháng chiến, quay về với gia đình!...”.

 Ngay chiều hôm ấy, ngày 2/4/1954, toàn bộ hai đại đội lính Thái gồm 120 tên đóng ở cứ điểm 311 mở toang cổng đồn kéo ra, một lá cờ trắng dẫn đầu. Bọn Pháp trong Mường Thanh phát hiện thấy hiện tượng này, quay nòng đại bác bắn chặn ầm ầm trên con đường mòn chạy vào rừng. Nhưng cũng giống như ở Bản Kéo, những người lính Thái đã tỉnh ngộ ấy vẫn cứ hướng thẳng vào dãy núi phía Tây mà chạy tới. Quân ta đã đón họ ở ngay cửa rừng. Tối đến, một cuộc mít tinh được tổ chức rất giản dị mà cảm động ở trong khe núi. Những người lính Thái  thay nhau lên phát biểu: “Chúng tôi đã được Cụ Hồ cho bộ đội về cứu sống…, chúng tôi đã biết tất cả tội lỗi của mình, nay được bộ đội kéo khỏi chỗ u mê, chúng tôi xin quay trở về với đất nước, với bản mường…”. Có người khóc vì cảm động và hối hận. Có người cởi áo lính địch vứt xuống đất ở ngay giữa buổi mít tinh.

Trong đêm tối, giữa lúc đó, các chiến sĩ trung đoàn 36 đã tiến vượt qua đồn 106, bắt đầu đào chiến hào tiến vào phía đồn 206. Các chiến sĩ Trung đoàn 88 cũng thu xong chiến lợi phẩm trên cứ điểm 311, tiến ra cánh đồng và bắt đầu dàn ra đào chiến hào chiếu thẳng vào sân bay của Tập đoàn cứ điểm. Cả dải cánh đồng phía Tây Mường Thanh rộng mênh mông phẳng lỳ lại rung lên dưới những nhát cuốc, nhát xẻng của quân ta. Trên tấm bản đồ tác chiến, hai cái chấm có vòng xanh, trắng, đỏ mang ký hiệu 106 và 311 (Căng Na) đã bị gạch chéo, xóa bỏ. Cả một mạng sườn phía Tây rộng lớn của Tập đoàn cứ điểm địch đã bị phơi trần ra trước mũi súng, ngọn lê của các chiến sĩ Quân tiên phong. Gọn ghẽ và giòn giã, anh dũng kết hợp với mưu trí – những đặc điểm nổi bật ấy đã làm cho những chiến thắng của đại đoàn ở phía Tây, trong giai đoàn này càng thêm ý nghĩa.

Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 không cần nổ súng đã chiếm được cứ điểm 311, tiêu diệt được một cứ điểm của địch trên cánh đồng Cang Na  trống, rộng phía Tây Điện Biên Phủ. Từ đó quân ta tiếp tục thọc sâu vào đánh chiếm sân bay, từ căn cứ lục không quân chỉ còn căn cứ lục quân, buộc địch phải thả dù tiếp tế, cắt cầu hàng không và làm cho địch không chuyển được thương bệnh binh về hậu phương và từ đó quân ta đã bắt đầu có chiến thuật tiến công vây lấn tiêu diệt nhiều căn cứ tiếp theo của địch, như cứ điểm 206, 311B, tiến vào sát ngay hầm tướng De Castries. 

Hiện nay, tại di tích cứ điểm 311 đã được làm một con đường bê tông rộng khoảng 1,7m, dài 60m từ  đường đi vào  một bia đá ghi tóm tắt sự kiện lịch sử diễn ra tại cứ điểm. Theo quyết định 41- VH/QĐ ngày 12 tháng 4 năm 1983, của Bộ Văn hóa về việc khoanh vùng bảo vệ Di tích lịch sử Điện Biên Phủ, di tích cứ điểm 311 có diện tích bảo vệ là 100m2, diện tích điều chỉnh là 25000m2. Di tích không còn dấu vết của những nhánh đường giao thông hào, những lô cốt, ụ súng, hầm, công sự… đã bị vùi lấp bởi thời gian. Đây là một yếu tố gây khó khăn cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích, đảm bảo yếu tố gốc cho di tích.

Phạm Hạnh

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 290.364
Online: 118