Đây là nơi Bộ chỉ huy chiến dịch lựa chọn đặt làm Sở chỉ huy thứ hai trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Sở chỉ huy chiến dịch đã đóng tại đây trong thời gian 13 ngày (từ ngày 18/1 - 30/1/1954).Tại đây, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định sáng suốt và khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình là chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Để đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ được toàn thắng và sự chỉ đạo được thông suốt từ đầu chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch luôn chỉ đạo sát sao các lực lượng tham gia chiến dịch phải nêu cao quyết tâm, hiệp đồng đoàn kết để tạo nên sức mạnh tổng hợp tiêu diệt quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy của Bộ chỉ huy được đặt tại 3 địa điểm: Hang Thẩm Púa, Hang Huổi He và Mường Phăng. Sở chỉ huy thứ nhất đóng tại hang Thẩm Púa trong thời gian 32 ngày (từ ngày 17/12/1953 - 17/1/1954). Hang Huổi He là Sở chỉ huy thứ 2 đóng trong thời gian 13 ngày (từ ngày 18/01/1954 - 30/01/1954), Mường Phăng là sở chỉ huy thứ 3 và cũng là sở chỉ huy cuối cùng của chiến dịch đã đóng tại đây trong thời gian là 105 ngày (từ ngày 31/01/1954 - 15/5/1954).

Rạng ngày 18/1/1954, Sở chỉ huy chiến dịch chuyển từ hang Thẩm Púa đến  địa điểm mới ở hang Huổi He gần bản Nà Tấu thuộc huyện Điện Biên. Bộ chỉ huy chiến dịch chuyển vào đây cho gần mặt trận và gần các đơn vị để tiện chỉ huy  thực hiện phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” trong 3 đêm 2 ngày.

Tại đây, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo bộ đội, dân công khẩn trương làm đường, kéo pháo và vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận. Trong thời gian này, bộ đội và thanh niên xung phong đã sửa xong đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên dài 63 km, trước đây con đường này chỉ rộng 1m nay đã được mở rộng thêm và sửa sang cho xe kéo pháo vào cách Điện Biên Phủ 15 km.

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thành lập Bộ chỉ huy kéo pháo do đồng chí Lê Trọng Tấn - Tư lệnh Đại đoàn 312 chỉ huy. Con đường kéo pháo khá dài, nằm trên địa hình hiểm trở nhiều dốc cao, vực sâu. Sau 7 đêm, pháo vẫn chưa tới vị trí quy định. Thời gian nổ súng dự định ngày 20/1/1954, nay phải lùi lại 5 ngày. Chúng ta chưa lường hết những trở ngại khi dùng sức người kéo những khối thép nặng trên 2 tấn qua những dốc cao 30, 40 độ, có chỗ lên đến 60 độ, lại bị máy bay và pháo địch cản trở. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh để cứu pháo khỏi lăn xuống vực sâu. Xe kéo pháo chỉ dừng ở cửa rừng Nà Nham, đề phòng vào gần hơn địch sẽ phát hiện được tiếng động cơ. Bộ chỉ huy buộc phải có một quyết định mới là cho Đại đoàn 351 dùng xe ô tô đưa pháo vào khu vực Nà Ten, Nà Hy để giảm bớt khoảng 3 đêm kéo pháo bằng tay.

Sau nhiều ngày đêm chật vật, những khẩu pháo mới xích lại gần trận địa dã chiến. Thời gian nổ súng được quyết định là 17 giờ ngày 25/1/1954. Gần đến ngày nổ súng thì một chiến sĩ của Đại đoàn 312 không may bị địch bắt. Bộ phận thông tin kỹ thuật của ta nghe thấy địch báo cho nhau qua điện đài về ngày giờ tiến công của bộ đội ta. Diễn biến đầu tiên ngoài dự kiến! Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn thời gian nổ súng 24 tiếng, tức ngày 26/1/1954 để Đảng ủy họp bàn lại chủ trương. Những tài liệu của phương Tây sau này cho biết địch nắm được thời gian nổ súng của ta là do thu được một số bức điện của cơ quan cung cấp mặt trận.

 Qua báo cáo của đồng chí Phạm Kiệt và đồng chí Lê Trọng Tấn, ngày 23/1/1954 tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đi thị sát trận địa thấy rằng pháo của ta nằm ở vị trí trống trải, không ẩn nấp được nằm ngay trong tầm ngắm của địch, nếu xẩy ra chiến sự việc chuyển đạn vào sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu bị không quân Pháp bắn phá sẽ không tránh khỏi tổn thất. Mặt khác ở chiến trường Điện Biên Phủ sau 2 tháng chuẩn bị quân Pháp đã tăng lên 11 tiểu đoàn bố trí trong 49 cứ điểm rất kiên cố. Ý kiến đó đã khiến đại tướng Võ Nguyên Giáp củng cố thêm quyết tâm không thể mạo hiểm thực hiện kế hoạch đề ra. Ba khó khăn hiện lên rất rõ: Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ tiêu hao cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều. Thứ hai, trận này tuy ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hợp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu, mà lại chưa qua diễn tập. vừa qua, có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì không biết phối hợp thế nào. Thứ ba, bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 15 Km và rộng 6 – 7 Km… Tất cả mọi khó khăn đó đều chưa được bàn bạc kỹ và tìm cách khắc phục.

Suốt đêm đại tướng Võ Nguyên Giáp trăn trở suy nghĩ tới sáng, đầu đau buốt, y tá phải lấy lá ngải rừng quấn quanh đầu cho đại tướng. Sau khi trao đổi với đồng chí Vi Quốc Thanh trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Bộ chính trị Trung ương Đảng và nhớ tới lời Bác Hồ dặn trước lúc lên đường “chỉ được thắng, không được bại vì bại là hết vốn”. Sau khi đã có đủ căn cứ để khẳng định “đánh nhanh, thắng nhanh” là thất bại, sáng ngày 26/1/1954, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định họp Đảng ủy mặt trận và ra nghị quyết thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh,thắng nhanh” sang  “đánh chắc, tiến chắc”. Trong cuộc họp, tất cả đều bất ngờ việc thay đổi kế hoạch tác chiến. Hầu hết các đồng chí trong cuộc họp đều đồng tình với kế hoạch tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh”, nếu không đánh thì sau này khó mà đánh được. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi “nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”, không ai có thể trả lời được. Cuối cùng để đảm bảo nguyên tắc là đánh chắc thắng, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và đây là một quyết định sáng suốt và khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông. Nói đến sự kiện này, mười năm sau, nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. Còn Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ nói tôi nghĩ: “cứ đánh nhanh giải quyết nhanh thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm”, Đại tá Nguyễn Minh Phương, nguyên trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ chiến dịch Biên giới năm 1950 đến sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, nói: “Tư duy chiến lược cực kỳ xuất sắc của Đại tướng là một nhân tố quyết định góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Để thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” ta không dốc toàn lực lượng đánh ồ ạt vào tất cả các vị trí của địch trong thời gian ngắn mà chủ trương vây hãm dài ngày rồi đánh dần từng bước, tập trung binh lực bóc dần từng lớp vỏ của Tập đoàn cứ điểm của địch. Cách đánh này phù hợp với trình độ của bộ đội ta. Ta hoàn toàn chủ động về thời gian và mục tiêu tấn công, muốn đánh nơi nào thì đánh, chuẩn bị đầy đủ rồi đánh, chưa đảm bảo chắc thắng thì chưa đánh. Bộ chỉ huy ra lệnh kéo pháo ra về nơi tập kết xây dựng lại trận địa pháo, ra lệnh cho toàn lực lượng bộ đội lui về địa điểm tập kết để có sự chuẩn bị chu đáo hơn.

 Do Sở chỉ huy lúc này nằm gần đường quốc lộ 279, dễ bị phát hiện nên Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển toàn bộ Sở chỉ huy vào khu rừng Mường Phăng từ ngày 31/01/1954.

Di tích hang Huổi He là nơi diễn ra những cuộc họp đấu trí đấu lực giữa Bộ chỉ huy của ta với Bộ chỉ huy quân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi không có máy bay địch thì Bộ chỉ huy chuyển ra phía ngoài gần thác nước để họp, khi có máy bay địch thì toàn bộ cơ quan của Bộ chỉ huy chuyển vào bên trong để hoạt động. Đặc biệt tại đây đã chứng kiến giây phút quan trọng của vị tướng tài đã đưa ra quyết định thay đổi phương châm tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trải qua hơn nửa thế kỷ, nhưng di tích hang Huổi He cùng các di tích khác như: Đồi A1, C1, C2, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Mường Phăng... đã trở thành địa danh lịch sử vĩnh cửu, khắc ghi những ngày tháng quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhìn tổng thể, di tích Hang Huổi He là nơi có cảnh đẹp, phong cảnh hữu tình, có rừng núi, có thác nước.... và sẽ được đầu tư, tôn tạo trong thời gian tới, hứa hẹn sẽ là điểm đến tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến với Điện Biên Phủ./.

Phạm Hạnh

Bảo tàng CTLS Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 290.311
Online: 74