70 năm sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu đã vươn mình, trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng Tây Bắc, trong đó là sự phát triển vượt bậc về văn hóa, du lịch với nền tảng là sự đa dạng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh và dấu tích còn lại của chiến trường sau chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tỉnh Điện Biên có một nền văn hóa lâu đời. Kho tàng văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc anh em từ bao đời nay để lại đã khẳng định Điện Biên có nền văn hóa phát triển từ rất sớm, độc đáo, phong phú và đa dạng. Các công trình kiến trúc nổi bật mang đậm bản sắc dân tộc còn lại cho đến ngày nay như Tháp Chiềng Sơ, Tháp Mường Luân, Thành Bản Phủ, ... Người Thái có chữ viết riêng, thuộc hệ chữ Phạn, đã ghi chép được nhiều diễn biến về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất Điện Biên. Họ đã dựa vào truyện kể dân gian của người La Hủ để sáng tác truyện thơ Chàng Lú nàng Ủa (khun Lú náng Ủa), dựa vào truyền thuyết của người Khơ Mú mà sáng tạo ra trường ca Chương Han. Nhờ có chữ viết mà các tác phẩm có giá trị của người Thái như: Xống trụ xon xao, Tản trụ xiết xương, ... còn lưu truyền lại. Các điệu múa Xòe, múa nón, múa Sạp rộn ràng, duyên dáng của người Thái; cùng các điệu múa ô, múa Khèn của người Mông; múa chuông của người Dao; múa trống, múa tăng Bu của người Khơ Mú hay những bàn tay khéo léo của thiếu nữ các dân tộc ở Điện Biên đã tạo nên những trang phục đẹp đẽ như váy, áo, khăn... đã góp phần làm cho kho tàng văn hóa, nghệ thuật của đồng bào các dân tộc Tây Bắc thêm phong phú, đa dạng, mang bản sắc riêng. Nhân dân các dân tộc Điện Biên có tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, núi rừng, bản làng, cần cù, chăm chỉ, biết vươn lên và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quê hương.

Thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp thành lập “Xứ Thái tự trị”, thực hiện chính sách “Làm cho dân ngu để dễ bề cai trị”, hầu như người dân không được đến trường, khuyến khích phát triển các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, trồng và hút thuốc phiện (nhất là dân tộc Mông “bị chìm đắm trong khuôn khổ nghiện hút thuốc phiện”), mở sòng bạc tự do, phát triển mại dâm, khuyến khích phụ nữ dân tộc lấy chồng Tây, tuyển thiếu nữ từ 17 đến 20 tuổi là con em dân thường để giải trí cho bọn thổ ty khi có tiệc tùng, khách khứa khiến cho cuộc sống của Nhân dân thêm cực khổ, tăm tối. Mâu thuẫn giữa Nhân dân với Thực dân Pháp và tay sai ngày càng sâu sắc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban cán sự Đảng tỉnh Điện Biên được thành lập, lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa của Nhân dân. Bộ Chính trị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, đồng lòng góp sức người, sức của cùng với quân và dân cả nước chiến đấu anh dũng, quyết liệt, quyết tâm giành thắng lợi trong chiến dịch quân sự quan trọng này. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đã đập tan xiềng xích nô lệ, đưa cuộc sống Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên bước sang một trang mới, được sống trong độc lập, tự do, phấn khởi tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lòng một dạ theo Đảng, thực hiện khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, tiến hành cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước ở miền Nam. Khu tự trị Thái - Mèo được thành lập, là một bộ phận của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc ở Tây Bắc tiến bộ mau chóng về mọi mặt và hưởng mọi quyền tự do, dân chủ, đều bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ như các dân tộc khác trong cả nước. Cùng với các vấn đề về y tế, giáo dục, nông nghiệp thì công tác văn hóa văn nghệ đã có những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Một số phong tục, tập quán lạc hậu từng bước bị xóa bỏ; những nét văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy; đội chiếu phim lưu động, đội văn nghệ một số xã, bản được thành lập cùng với sự phát triển của phong trào văn nghệ quần chúng và đoàn văn công của khu, quân khu, ... đã góp phần thay đổi đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc miền núi Điện Biên.

Đảng và Nhà nước đã phát triển, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách lớn về văn hóa như Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), lần thứ hai (1948), lần thứ ba (2021); Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương Khóa XI) được xem là những văn kiện quan trọng của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam; Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, … Lần lượt tỉnh Điện Biên cũng ban hành các Nghị quyết, chính sách về văn hóa, nổi bật là: Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 10/12/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát triển văn các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 Quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh góp phần khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, … đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và đạt được những thành tựu quan trọng.                                                     

Công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương được các cấp, các ngành, địa phương chú trọng thực hiện. Đến nay, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã đưa nội dung văn hóa, lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy, điển hình là việc tổ chức các chương trình trải nghiệm, học tập tại bảo tàng, di tích đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương đối với thế hệ trẻ của tỉnh.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được thường xuyên được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần định hướng thị hiếu, thẩm mỹ đúng đắn, để phát triển toàn diện nhân cách, hướng tới sự hoàn thiện của mỗi cá nhân và xã hội. Chương trình giáo dục nghệ thuật được lồng ghép vào giảng dạy trong trường học, tạo điều kiện cho học sinh phát huy năng khiếu, sở trường đồng thời nâng cao khả năng hiểu biết, cảm thụ nghệ thuật. Các địa phương thực hiện tốt các loại hình nghệ thuật quần chúng; hằng năm, tổ chức gần 3.500 buổi diễn văn nghệ quần chúng và nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp Nhân dân.

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn được tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh; đặc biệt năm 2024 tổ chức thành công các hoạt động chào mừng và lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ quy mô quốc gia, Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024;... đã tạo không khí sôi nổi, đậm nét văn hóa truyền thống các dân tộc; mang lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách góp phần quảng bá, thu hút du khách đến với tỉnh Điện Biên. Duy trì tổ chức Lễ hội Hoa Ban hằng năm và 02 năm/lần tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc, Hội thi tuyên truyền lưu động, Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công - Nông - Binh. Các huyện tổ chức hằng năm Lễ hội Đền Hoàng Công Chất (huyện Điện Biên), Lễ hội Đua thuyền đuôi én (thị xã Mường Lay), Hội xuân (huyện Điện Biên Đông), Lễ hội Hoa Anh Đào - Pá Khoang (thành phố Điện Biên Phủ), ... Cấp huyện, cấp xã còn tổ chức thường xuyên các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống các dân tộc liên xã, liên bản. Tỉnh đăng cai nhiều hội thi, các giải thi đấu thể thao các dân tộc toàn quốc và khu vực, thông qua đó, đồng bào các dân tộc được giao lưu, học hỏi, tăng cường hiểu biết và thắt chặt tình đoàn kết; nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được khơi dậy, bảo tồn và phát huy trong đời sống.

Lễ hội Hoa Ban được tổ chức định kỳ hằng năm

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh Điện Biên ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Hằng năm xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị (kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, các dịp tết, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh...). Ngoài ra còn xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhân dân vùng cao, vùng xa, biên giới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Các chương trình nghệ thuật với sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại, thể hiện tính sáng tạo, độc đáo; nhiều tác phẩm âm nhạc mới ca ngợi vùng đất, con người, nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được sáng tác và biểu diễn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa của nhân dân, đây cũng cơ hội để phát hiện và bồi dưỡng các tài năng về nghệ thuật. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.200 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên. Các lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa, văn nghệ, các hoạt động tổ chức hướng dẫn cơ sở, dàn dựng các loại hình dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống cho các thế hệ trẻ, đội văn nghệ các bản văn hóa, các câu lạc bộ thường xuyên được quan tâm tổ chức tạo điều kiện cho các nghệ nhân hướng dẫn, trao truyền cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển du lịch theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Các đội văn nghệ quần chúng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương

Cùng với việc xây dựng và đào tạo con người, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên. Đến năm 2024, toàn tỉnh có 104.770/139.134 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 75,3%; 870/1.446 thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đạt danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” chiếm 60,2%.

Các lễ hội được tổ chức tiết kiệm, phù hợp với điểu kiện kinh tế, phong tục tập quán và truyền thống dân tộc. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao trong những năm qua được đẩy mạnh. Nhìn chung hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy công năng sử dụng, toàn tỉnh có 897/1.446 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, chiếm 62%, đạt 107% kế hoạch; 10/10 huyện, thị có nhà văn hóa, thể thao cấp huyện, đạt tỷ lệ 100%; 104/129 số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, thể thao, chiếm 80,6% trên tổng số xã, phường, thị trấn làm cho đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn, biên giới từng bước được cải thiện; góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.

 Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Số lượng di tích được xếp hạng tăng lên đáng kể: Năm 2014, toàn tỉnh có 15 di tích được xếp hạng, trong đó có 01 di tích Quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ); 08 di tích cấp Quốc gia và 06 di tích cấp tỉnh; đến năm 2024 toàn tỉnh có 35 di tích được xếp hạng, trong đó có 01 di tích Quốc gia đặc biệt. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích đã được chú trọng triển khai. Nhiều di tích cấp quốc gia đã được trùng tu, tôn tạo như di tích tháp Mường Luân, thành Sam Mứn, tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh và động Pa Thơm, khu căn cứ Cách mạng Pú Nhung xã Pú Nhung, các di tích thành phần thuộc Di tích cấp Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Đầu tư xây dựng Đền thờ tưởng niệm các anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (với bức tranh Panora ma nổi tiếng) và công trình Đền thờ liệt sĩ hi sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ là những sự đầu tư hiệu quả, xứng tầm với chiến thắng Điện Biên Phủ, góp phần phát huy giá trị của di tích, của chiến thắng, thiết thực tri ân những đóng góp to lớn của thế hệ cha anh.

Công trình Bảo tàng Chiến thắng ĐIện Biên Phủ - điểm đến không thể bỏ qua của Nhân dân và du khách

Giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ “bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII đã đề ra, trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã thu hút sự quan tâm của các ngành, các địa phương và Nhân dân ở cơ sở tích cực tham gia thực hiện và đạt được những thành tựu nhất định. Đến nay tỉnh Điện Biên có 20 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 02 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và di sản “Nghệ thuật Xòe Thái”). Các di tích lịch sử, di sản văn hóa đã và đang được phát huy giá trị; phục vụ cho du khách tham quan, nghiên cứu, học tập, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời quảng bá hình ảnh vùng đất, con người và những nét văn hóa độc đáo của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước; đây chính là nguồn tài nguyên quý phục vụ cho phát triển du lịch.

Cùng với sự phát triển chung của kinh tế xã hội và tác động của xu thế, bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế, thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc xây dựng văn hóa và con người Điện Biên phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, mang bản sắc và đặc trưng riêng của Điện Biên, hòa nhập với văn hóa vùng Tây Bắc và dân tộc Việt Nam.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.560.064
    Online: 55