Theo ICOM (Hội đồng Bảo tàng Quốc tế thuộc UNESCO) “Bảo tàng là một thiết chế phi vụ lợi, hoạt động lâu dài phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa đón công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường sống của con người, vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức.”

Luật Di sản văn hóa quy định: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân”.

Bảo tàng tỉnh Điện Biên có tiền thân từ Phòng Bảo tàng thuộc ty Văn hoá, thông tin tỉnh Lai Châu, được thành lập năm 1963. Sau nhiều năm chia tách, sáp nhập, đổi tên, xây dựng và trưởng thành đến nay có tên gọi chính thức là Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh chưa có trụ sở làm việc, vị trí khuất, nhà trưng bày, kho lưu giữ hiện vật và các hạng mục khác chưa đảm bảo theo quy chuẩn để thực hiện các hoạt động của Bảo tàng; chưa thu hút được khách tham quan và nghiên cứu về lịch sử, văn hoá truyền thống các dân tộc trong tỉnh.

Trong các khâu công tác của Bảo tàng có công tác tuyên truyền, giáo dục là cầu nối Bảo tàng với công chúng; hướng dẫn tham quan là nhiệm vụ hết sức quan trọng giúp người xem hiểu được nội dung trưng bày bảo tàng, từ đó khơi dậy niềm tự hào, ý thức trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hoá, lịch sử dân tộc.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục của Bảo tàng tỉnh luôn được quan tâm chú trọng. Để công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả cao, đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác thuyết minh tuyên truyền phải nắm bắt độ tuổi, tâm lý, trình độ nhận thức của từng đối tượng khách để lựa chọn cách thuyết minh phù hợp. Trong quá trình hướng dẫn tham quan tại bảo tàng, cán bộ thuyết minh có thể vận dụng những phương pháp hướng dẫn khác nhau như tái hiện, kể chuyện, đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở, tạo không khí gần gũi để khách tham quan có thể tương tác, tránh hình thức chuyển tải thông tin một chiều.

Nội dung trưng bày của Bảo tàng tỉnh gồm 04 phần và 01 phần trưng bày chuyên đề:

Phần I: Điện Biên đất và người;

Phần II: Điện Biên theo tiến trình lịch sử;

Phần III: Bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên;

Phần IV: Điện Biên thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển;

Phần V: Trưng bày chuyên đề.

Đây là nội dung kiến thức lịch sử, văn hoá hết sức bổ ích đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh. Hơn thế, đối với khách tham quan và các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của tỉnh thông qua tài liệu, hiện vật của bảo tàng.

Hàng năm, ngoài việc tổ chức phục vụ khách tham quan tại Nhà trưng bày, Bảo tàng tỉnh còn tham gia các cuộc trưng bày triển lãm lưu động tại các sự kiện chính trị, văn hóa trong và ngoài tỉnh; tuyên truyền tại sân hành lễ tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Song song với việc tổ chức hướng dẫn khách tham quan trưng bày, từ năm 2020 Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp về “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025”; từ đó hoạt động tuyên truyền, giáo dục tại Nhà trưng bày và các trường học trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, phong phú. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục tại trường học được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như: triển lãm ảnh về văn hoá, lịch sử; trả lời câu hỏi kiến thức; trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống (nghề thêu, dệt vải, đan lát của dân tộc Thái, nghệ thuật tạo hoa văn trên vải của dân tộc Mông). Ngoài ra, các em học sinh còn được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như đánh cầu lông gà, ném pa pao, múa xòe…

Với hình thức tuyên truyền đa dạng, trải nghiệm phong phú, nội dung tuyên truyền phù hợp đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, lý thú cho các em học sinh, giúp học sinh dễ tiếp thu, ghi nhớ và hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa truyền thống trong đời sống đồng bào các dân tộc, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có, đồng thời từ những trải nghiệm, trò chơi giúp tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc, tránh nguy cơ mai một, thất truyền trong quá trình giao thoa văn hóa.

Có thể nói công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa luôn được Bảo tàng chú trọng cả về nội dung và hình thức, góp phần tạo nên những buổi tham quan, học tập bổ ích. Đặc biệt, chương trình đã nhận được sự quan tâm phối hợp từ phía các nhà trường, sự đồng thuận của phụ huynh và sự hào hứng đón nhận từ phía các em học sinh.

Để các giá trị di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên có thể đến gần hơn với công chúng, hàng năm vào dịp Tết dương lịch, Quốc khánh 2/9... Bảo tàng tỉnh thực hiện đưa nghệ nhân các dân tộc tỉnh Điện Biên về Làng Văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội để trình diễn di sản văn hoá truyền thống, giới thiệu những giá trị của di sản đến gần công chúng, du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, công nghệ 4.0 phát triển, việc tuyên truyền trên các hệ thống mạng xã hội đang dần tăng lên và thu hút được đông đảo sự quan tâm. Theo đó Bảo tàng tỉnh đã tăng cường việc tuyên truyền trên các trang mạng như: Website, Fanpage, youtube... Bảo tàng tỉnh luôn đăng tải, cập nhật hoạt động một cách kịp thời và hiệu quả. Số lượt người theo dõi, like và chia sẻ dần tăng lên đáng kể. Thông qua các trang mạng xã hội, bảo tàng thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là chia sẻ thông tin, giới thiệu về bảo tàng, giữ liên lạc thường xuyên, lắng nghe, tạo mối quan hệ tương tác với công chúng.

Thông qua các hoạt động giáo dục, truyền thông, Bảo tàng tỉnh đã và đang từng bước khẳng định hình ảnh của chính mình để công chúng tiếp cận, đến gần với những giá trị di sản văn hóa của cha ông.   

         

                                                 Học sinh trải nghiệm nghề dệt của dân tộc Thái do Bảo tàng tỉnh tổ chức ngay tại trường học                                                  

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 9.880.128
    Online: 14