Ngày 22/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 806/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí đến năm 2035.
Chiến lược nhằm ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Quan điểm của chiến lược là Phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, khẩn trương, cấp bách của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; Gắn phòng, chống lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Theo đó, giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030: Tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục bất cập của hệ thống pháp luật để đề xuất các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XV, Khóa XVI; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lãng phí;
Giai đoạn từ năm 2031 đến năm 2035: Phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn thứ nhất. Trên cơ sở sơ kết, căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống lãng phí và tình hình thực tiễn xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện Chiến lược giai đoạn 2031 - 2035 và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược.