Từ ngày 20/2 - 30/3/2025, tại tầng trệt Nhà trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tổ chức triễn lãm ảnh với chủ đề "Sắc màu văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên” giới thiệu đến công chúng những bức ảnh thể hiện nét văn hoá tiêu biểu của các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Điện Biên là tỉnh miền núi giáp với biên giới Lào và Trung Quốc, nơi sinh sống của 19 dân tộc với tổng số dân trên 647 vạn người, trong đó dân tộc Mông chiếm đại đa số với số dân trên 255 vạn người chiếm 39,45% dân số toàn tỉnh, đứng thứ hai là dân tộc Thái với trên 226 vạn người chiếm 34,94% dân số toàn tỉnh, còn lại là các dân tộc khác. Ít người nhất là dân tộc Sán Chỉ (tên gọi khác là Sán Chay) chỉ có 179 người, tiếp theo đó là dân tộc Thổ với 237 người.

Mỗi một dân tộc đều có những nét khác biệt riêng, tuy nhiên, với 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên về ngôn ngữ, tiếng nói thì được chia thành 6 nhóm ngôn ngữ như: Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (gồm các dân tộc Thái, Lào, Tày, Nùng); nhóm ngôn ngữ Mông - Dao (gồm các dân tộc Mông, Dao); nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (gồm các dân tộc Kháng, Khơ Mú, Xinh Mun); nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (gồm các dân tộc Hà Nhì, Phù Lá, Si La, Cống); nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (gồm các dân tộc Kinh, Mường, Thổ); nhóm ngôn ngữ Hán - Tạng (gồm dân tộc Hoa (Xạ Phang), Sán Chỉ).

Đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên thường sống tập trung thành từng bản, có sự phân bố dân cư rõ rệt theo độ cao và cư trú hầu hết ở mọi địa hình. Gắn với mỗi một loại địa hình đó đồng bào đã sáng tạo cho mình những nét văn hóa riêng biệt từ kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực đến phong tục tập quán, tín ngưỡng…tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Với bức tranh văn hoá đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên, đến nay, tỉnh Điện Biên có 02 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại là: Nghệ thuật trình diễn dân gian Thực hành Then của người Thái, Tày, Nùng (năm 2019) và Nghệ thuật Xoè Thái (2021). Cùng với đó là 20 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia với đủ với các loại hình như: Lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội tín ngưỡng; Tri thức dân gian và Nghề thủ công truyền thống của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên. Tỉnh Điện Biên hiện đã và đang làm tốt công tác quản lý, tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc. 

Trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên sống đoàn kết, tập trung trong những bản làng được bao bọc bởi những ngọn núi cao với cánh rừng xanh thẳm. Chính vì vậy, đồng bào nơi đây có cuộc sống rất mộc mạc, bình dị và gần gũi với thiên nhiên. Tùy thuộc vào địa hình cư trú mà đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên cũng đã lựa chọn cho mình những phương thức canh tác và trồng các loại cây lương thực phù hợp với loại đất, với khí hậu. Ở vùng thung lũng, nghề trồng lúa nước khá phát triển, lúa là cây lương thực chính. Người dân có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các hệ thống thủy lợi như: đào phai, đắp mương, dựng cọn, bắc máng dẫn nước về nhà, về ruộng. Ở khu vực rẻo cao nơi có thời tiết khắc nghiệt lại được đồng bào dân tộc Mông lựa chọn là nơi cư trú. Những thửa ruộng bậc thang như những dải lụa mềm uốn lượn quanh sườn đồi, lưng núi chính là những tác phẩm tuyệt tác do những bàn tay lao động, cần cù và sáng tạo của người dân tạo nên. Ngoài việc trồng lúa nước họ còn trồng lúa nương và các loại cây lương thực khác như: ngô, khoai, sắn... ở các sườn đồi.

Bên cạnh đó, bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo họ đã tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc được thể hiện qua đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, các công cụ lao động sản xuất, qua trang phục, nhạc cụ, nghề truyền thống…. Nam giới đan lát tạo ra các đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ lao động; phụ nữ quay tơ dệt vải, thêu thùa tạo ra các bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Tất cả được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế, cẩn thận, tỷ mỉ tạo nên sự độc đáo cho từng sản phẩm. Các sản phẩm làm ra được dùng trong sinh hoạt hàng ngày và trong một số nghi lễ quan trọng của đồng bào.  Các sản phẩm được tạo ra từ nghề dệt như: vỏ đệm, vỏ gối, vỏ chăn, túi đeo, khăn... Những phương pháp, kỹ thuật dệt vải truyền thống bao gồm việc làm ra các sản phẩm cụ thể phục vụ sinh hoạt, các hoa văn trang trí đặc sắc, kỹ thuật dệt may các sản phẩm từ vải dệt có tính thẩm mỹ, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh kỹ thuật dệt vải đặc sắc của các dân tộc: Lào, Thái, Khơ Mú; người Mông cũng có một số nghề thủ công truyền thống mang dấu ấn riêng như dệt lanh, thêu hoa văn, nghệ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên trang phục. Hoa văn trên vải của người Mông là những trang ký sử, những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động. Quy trình thêu, vẽ hoa văn trên vải mới nghe tưởng như đơn giản nhưng để làm được một chiếc váy hay áo, khăn hoàn chỉnh, người phụ nữ dân tộc Mông phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian. Đồng bào dân tộc Mông quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng tốt đẹp của con người

Cộng đồng người Mông còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống như: các lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống - đặc biệt là nghề chế tác khèn và nghề rèn. Khèn là biểu tượng văn hoá tinh thần của dân tộc Mông, người Mông sử dụng khèn trong những cuộc vui, chợ phiên, dịp Tết, lễ hội và trong tang ma. Khèn thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của cộng đồng người Mông. Qua các điệu khèn của người Mông nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn, tính cộng đồng cao, đồng thời, là nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hoá của các dân tộc ở mỗi địa phương. Nghệ thuật Khèn của người Mông là di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đối với người Mông, nghề rèn cũng là một trong số các nghề thủ công truyền thống, nghề rèn đã có từ bao đời nay, việc rèn các nông cụ nhằm phục vụ tập quán canh tác trong lao động sản xuất. Các sản phẩm được tạo ra hoàn toàn bằng thủ công, từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm… tất cả vẫn làm bằng tay không có sự can thiệp của máy móc. Hình dáng của những nông cụ lao động này dường như đã ngấm vào máu, được lập trình trong tiềm thức và tự động hình thành qua đôi mắt theo dõi độ chín của sắt và nhịp búa của người thợ rèn. Do đó, những thợ rèn người Mông không cần sơ đồ khuôn mẫu cũng chẳng cần cân, đong đo hay đếm khối lượng kim loại nhưng họ vẫn làm ra được những sản phẩm cùng loại và hầu như không có sự khác biệt nhau nhiều về hình dáng hay trọng lượng. Nghề rèn của người Mông là di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia.

Hoà chung sắc màu văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên, dân tộc Hoa (tên gọi khác là Xạ Phang - đứng thứ 9 với tổng số 3042 người) là một trong những dân tộc ít người của tỉnh Điện Biên, cư trú thành bản, theo dòng họ ở các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa. Đến nay, đồng bào vẫn còn giữ được rất nhiều di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có bộ trang phục truyền thống và đặc biệt những đôi giày thêu với những nét hoa văn tinh xảo, độc đáo. Giày được thêu hoa văn sặc sỡ, thể hiện sự tinh tế, khéo léo và tư duy sáng tạo của người phụ nữ Hoa được gửi gắm trong từng họa tiết hoa văn, từng đường kim mũi chỉ trên những đôi giày thêu thủ công. Đây là di sản văn hóa được người Hoa giữ gìn, bảo lưu, trao truyền góp phần giữ gìn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong tỉnh Điện Biên và cũng là một trong 18 là di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, trang phục đồng bào dân tộc Dao cũng giữ lại nhiều yếu tố truyền thống. Mặc dù, nghệ thuật tạo hình không phát triển nhưng cách trang trí lại có điểm rất độc đáo. Khi thêu họ thêu ở mặt trái sản phẩm nhưng hoa văn lại nổi lên ở mặt phải sản phẩm, thêu hoàn toàn bằng trí nhớ mà không cần vẽ mẫu lên mặt vải. Dù mỗi dân tộc có một cách tạo hình và trang trí hoa văn tạo nên những bộ trang phục mang bản sắc riêng của dân tộc mình nhưng tất cả đều ẩn chứa nhiều giá trị, ý niệm về cuộc sống, vũ trụ, đồng thời phản ánh tâm tư, ước vọng cuộc một sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Ngoài ra nó còn là tiêu chuẩn đánh giá tài năng và phẩm hạnh của các cô gái, là tiêu chuẩn để lựa chọn bạn đời của các chàng trai.

 

Các dân tộc tỉnh Điện Biên đa phần theo tín ngưỡng dân gian là thờ cúng tổ tiên và quan niệm “vạn vật hữu linh” như tín ngưỡng thờ cúng xử ca của người Mông; thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng đa thần (thờ thần sông, thần suối, thần rừng, thần cây, thần đất...) của các dân tộc khác và tín ngưỡng thờ Then của người Thái trắng. Trong số các loại hình tín ngưỡng, tín ngưỡng chủ đạo của các dân tộc là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên là loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ biến tại cộng đồng các dân tộc đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của cộng đồng, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, trong năm mỗi cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên cũng diễn ra rất nhiều lễ như: lễ Cầu mưa, lễ Cầu mùa, lễ Mừng tra hạt, lễ Mừng cơm mới, lễ Tết cổ truyền; lễ liên quan đến vòng đời của con người như lễ đặt tên, lễ Tù cải… các lễ diễn ra với quy mô nhỏ từ gia đình đến quy mô dòng họ với nhiều nghi thức, nghi lễ quan trọng.

Gắn liền các lễ hội của các dân tộc là các trò chơi dân gian. Tùy từng dân tộc, từng lễ hội mà diễn ra các trò chơi khác nhau: tung còn, kéo co, bắn nỏ, đánh cù, nhảy bao bố, tó mák lẹ (dân tộc Thái); ném pao, chơi tù lu, đánh cầu lông gà, thổi khèn, múa, khèn, hát ống (dân tộc Mông); rắn bắt ngóe (dân tộc Lào), chơi cù (Hà Nhì)... Các trò chơi dân gian được diễn ra với không khí vui tươi, phấn khởi hòa chung cùng tiếng trống, tiếng chiêng, tiềng sáo, tiếng khèn…Các điệu múa như múa xòe, múa sạp, múa nón, múa tầm đao, múa tăng bu...Đặc biệt Nghệ thuật Xoè Thái đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ thuật múa của người Khơ Mú, nghệ thuật múa của người Lào và nghệ thuật Khèn của người Mông là những trình diễn dân gian về điệu múa của cộng đồng các dân tộc đã được ghi nhận, như sự khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc, sự gắn kết cộng đồng, đề cao, tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau.

Trên những cung đường khi đến với bản làng các dân tộc tỉnh Điện Biên, du khách sẽ được đắm mình vào những khung cảnh yên bình, thơ mộng nhưng cũng không kém phần lộng lẫy và hùng vĩ. Đặc biệt vào tháng 3 hằng năm, mùa hoa Ban nở rộ, khắp các bản làng, lưng đèo, lưng núi như được phủ trắng bởi sắc trắng hoa ban, hoà vào trong gió hương thơm dịu ngọt. Tháng 4, 5, tháng 9, 10 là sắc vàng của những thửa ruộng thang vào mùa lúa chín,…Đến với Điện Biên, du khách không chỉ trải nghiệm những nét văn hoá đặc sắc, độc đáo, người dân bản địa thật thà, chất phác, gần gũi, thân thiện mà còn được thưởng thức, khám phá những cảnh đẹp nguyên sơ, hùng vĩ mà khi đến một lần sẽ mong muốn được quay trở lại với những tình cảm thân thiết, sâu lắng như dành cho quê hương nơi mình được sinh ra vậy.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.487.417
Online: 413