Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã làm nên trang sử vàng chói lọi trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam nói riêng và của Nhân dân các nước thuộc địa trên toàn thế giới nói chung. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm lên sự kiện lịch sử trọng đại ấy là sự chỉ đạo sáng suốt và đúng đắn của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương hướng tác chiến, giáo dục chính trị, cổ vũ kịp thời quân dân ta trong suốt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Tháng 10/1953, trong buổi họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Tỉn Keo, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên bàn về kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày về ý đồ của tướng Pháp (Navarre) là tập trung một lực lượng cơ động rất lớn ở đồng bằng Bắc Bộ để khiêu chiến, làm tiêu hao chủ lực của ta, tạo điều kiện để giành quyền chủ động và tiến tới giành một thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953) (Ảnh: hochiminh.vn)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: tại Hội nghị này, Bác Hồ đã thể hiện kế sách tiến công làm thất bại kế hoạch Navarre, theo cách diễn đạt độc đáo của người: “Bác Hồ ngồi họp, thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay. Đôi mắt Người lộ vẻ chăm chú, Bàn tay Bác đặt trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại, Người nói: Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó sẽ không còn. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng”. Theo tư tưởng chỉ đạo ấy, ta đã nghiên cứu kế hoạch Đông Xuân, cho những bộ phận chủ lực của ta tiến về 5 hướng chiến lược nhằm những nơi hiểm yếu và tương đối yếu của địch, chọn hướng chính là ở Tây Bắc.
Trên mặt trận ngoại giao, qua trả lời một nhà báo Thụy Điển ngày 26/11/1953, Bác Hồ đã nêu rõ ý chí của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, thiện chí hòa bình và lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giải quyết cuộc chiến tranh xâm lược của Thực dân Pháp. Người nói: “Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì Nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tiếp ý muốn đó”. Người cũng xác định rõ thành phần cuộc thương lượng đình chiến chủ yếu là việc giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp. Lời tuyên bố đó của Bác Hồ càng tranh thủ ủng hộ của dư luận quốc tế và tác động tích cực đến phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp vì độc lập, dân chủ, hòa bình, chấm dứt chiến tranh của nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam; hỗ trợ cho cuộc chiến đấu của quân dân ta khi Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp diễn ra.
Đối với Pháp, khi được tin bộ đội chủ lực Việt Nam hành quân lên tây Bắc, cuối tháng 11/1953, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và xây dựng tại đây thành một tập đoàn cứ điểm lớn mạnh chưa từng có ở Đông Dương, một pháo đài bất khả xâm phạm, biến Điện Biên Phủ thành một cái bẫy để chờ bộ đội chủ lực Việt Nam vào để tiêu diệt.
Về phía Việt Nam, Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một cuộc đọ sức toàn diện nhất, quyết liệt nhất giữa ta và địch. Thắng, bại của quân dân ta trong chiến dịch này sẽ có ảnh hưởng lớn đối với dân tộc ta và nhân dân thế giới đang chiến đấu vì độc lập, tự do. Vì vậy, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải có quyết tâm và nỗ lực rất cao.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 06/12/1953, Bác Hồ nhận định: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được.”.
Đầu tháng 01/1954, trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát chào Bác. Bác hỏi: “Chú ra mặt trận lần này có khó khăn gì không?” Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Chỉ khó khăn là xa hậu phương nên khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết thì khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.”
Bác nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền.” Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.” Những lời dặn dò của Bác là tư tưởng chỉ đạo giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có căn cứ để xử trí trong quá trình chỉ huy trận đánh.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã đặc biệt chăm lo giáo dục tinh thần quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Để kịp thời động viên, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta vượt qua khó khăn và đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ ngay từ trận mở đầu, ngày 11/3/1954, (trước khi quân ta nổ súng tiến công trung tâm đề kháng Him Lam 2 ngày), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các chiến sỹ Mặt trận Điện Biên Phủ. Người căn dặn: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.”
Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, pháo binh quân đội ta bắn dồn dập vào khu sân bay Mường Thanh và cả 3 cứ điểm của Trung tâm đề kháng ở Him Lam, mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay sau khi quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và đập tan đợt phản kích của địch hòng chiếm lại Him Lam. Ngày 15/3/1954, Bác Hồ đã gửi điện khen ngợi, cổ vũ và căn dặn toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở Mặt trận Điện Biên Phủ: “Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan, khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này.”
Phấn khởi trước sự động viên, cổ vũ của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 30/3/1954, quân ta bước vào đợt tiến công thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ, một đợt tiến công kéo dài và ác liệt. Biết bao nhiêu khó khăn, trở ngại lớn mà quân và dân ta đã gặp phải trong đợt này.
Được sự chỉ đạo sát sao, động viên, cổ vũ kịp thời của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ sau 56 ngày chiến đấu liên tục đánh thắng hoàn toàn thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho quân đội ta tung bay hiên ngang trên nóc hầm sở chỉ huy của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.
Phấn khởi trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, ngày 8/5/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc - những người trực tiếp làm nên chiến thắng vĩ đại này.
Trong thư, Bác viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn, Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: TTXVN)
Theo dõi tình hình mặt trận Điện Biên Phủ, nắm tin tức từng ngày, từng giờ, Bác đã đem tới cho cán bộ, chiến sỹ ngoài mặt trận một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi, niềm tin bắt nguồn từ chính Người và lòng tin vào những cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận... Từ niềm tin đó, bằng sự lãnh đạo tài tình, đầy thao lược và sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Nam đã làm nên kỳ tích lịch sử trong Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định vào kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp, góp phần quan trọng đưa Hội nghị Genève về Đông Dương đến thành công, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược.