Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đây là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng của cách mạng Việt Nam.

Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, gồm 34 người, trong đó có 3 nữ, chủ yếu là những chiến sĩ du kích hoạt động trên địa bàn ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng, mỗi người được trang bị một khẩu súng.

Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác Hồ nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc..." và "phải đánh thắng trận đầu". Theo đó, Đội đã đặt ra kế hoạch "tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược", mục tiêu sẽ là hai đồn địch gần đó Phai Khắt và Nà Ngần. Lực lượng đánh đồn gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp). Trong hai ngày ngày 25/12 và 26/12/1944 Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã bất ngờ, táo bạo đột nhập và đồn Phai Khắt (đóng tại tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình) và đồn Nà Ngần (đóng tại xã Cẩm Lý, châu Nguyên Bình). Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 5 tên, bắt sống số còn lại, thu được khá nhiều súng và đạn dược. Sau khi hạ đồn xong, Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn biểu ngữ cho Nhân dân. Tốp tù binh được vận động, kêu gọi quay đầu về với tổ quốc, giết giặc lập công. Phần lớn tù binh xin được trở về quê, số còn lại xin đi theo cách mạng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh trận đầu của quân đội ta, là bước chuyển mình đầu tiên cho sự phát triển mạnh mẽ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược sau này.

Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ. Cuối năm 1946, thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước chia thành 12 chiến khu. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam lã lần lượt lập nên những chiến tích: Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947 (từ ngày 7/10 - 20/12/1947, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch); chiến dịch Biên giới (16/9 - 14/10/1950, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố); chiến dịch Hoà Bình (từ ngày 10/12/1951 đến ngày 25/2/1952, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch ở mặt trận Hòa Bình và hơn 15.000 tên địch ở mặt trận địch hậu); chiến dịch Tây Bắc (14/10 - 10/12/1952, tiêu diệt và bắt hơn 6.000 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng, nối thông vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào); trong vòng 6 tháng (12/1950 - 6/1951), ta đã liên tiếp mở ba chiến dịch mang tên: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung. Các đại đoàn chủ lực tiếp tục được thành lập: Đại đoàn 312 (12/1950), Đại đoàn 320 (1/1951), Đại đoàn công pháo 351 (3/1951), Đại đoàn 316 (5/1951). Đại đoàn 325 (12/1953).

Kế hoạch Nava ra đời, tháng 9/1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với 5 hướng tiến công rộng khắp trên các mặt trận Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào nhằm phân tán lực lượng địch để tiêu diệt, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, phá âm mưu tập trung lực lượng của Navarre. Khi thực dân Pháp xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm (13/3 - 7/5/1954) quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống Đờ Cát và Bộ chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay; thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Giai đoạn 1954 - 1960, Mỹ - Diệm thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam. Ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường dọc dãy Trường Sơn bảo đảm cho lực lượng ta vào Nam chiến đấu và vận chuyển lương thực, súng đạn từ miền Bắc vào miền Nam. Tiếp đó, Đoàn 759 cũng được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam theo đường biển.  Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân ở miền Nam; đây là bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam.

Từ năm 1961, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Tháng 8/1964 Mỹ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”. Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Mùa khô 1965 - 1966, đế quốc Mỹ mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất trên chiến trường miền Nam và tháng 10/1966, mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai. Quân đội nhân dân Việt Nam lần lượt đánh bại các âm mưu, chiến lược và các cuộc phản công của Mỹ, lực lượng ngày càng tinh nhuệ, được củng cố và trưởng thành.

Tháng 1/1968, ta quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, gây cho địch thiệt hại rất nặng nề, làm đảo lộn thế trận chiến lược của đế quốc Mỹ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân về nước, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Trong những năm 1969 - 1972, quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em, giành được những thắng lợi to lớn, tiêu biểu là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Đông Bắc Campuchia, chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không; đồng thời mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam bằng các chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng ở Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, các chiến dịch tiến công tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long, Trung B, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973).

Để sớm kết thúc chiến tranh, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn: Quân đoàn 1 (10/1973), Quân đoàn 2 (5/1974), Quân đoàn 4 (7/1974), Quân đoàn 3 (3/1975) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn, 2/1975). Việc thành lập các quân đoàn chủ lực đã đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong hai năm 1973 - 1974, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi quan trọng.  

Ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên. Ngày 5/3/1975, quân ta mở chiến dịch Trị Thiên - Huế, giải phóng tỉnh Quảng Trị, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên. Từ ngày 26/3 - 29/3/1975, quân ta mở chiến dịch Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An. Phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, bộ đội ta tiến công giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên (01/4), Khánh Hòa (03/4)… Từ những thắng lợi đó, Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh” từ ngày 26/4 đến 30/4/2024, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. đồng thoeif mở các cuộc tiến công trên biển, lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: Song Tử Tây (14/4), Sơn Ca (25/4), Nam Yết (27/4), Sinh Tồn (28/4), Trường Sa (29/4).

Trong hai cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam từ chỗ mới thành lập, từng bước trưởng thành, lớn mạnh, trở thành đội quân nòng cốt bảo vệ Tổ quốc, đúng như lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. 

Hồng Nhung


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.283.518
    Online: 53