Ngày 27/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 162/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Theo đó đến năm 2030, Nghị quyết đã xác định 09 nhóm mục tiêu cụ thể sau:
(1) Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử;
(2) Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện); 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn; bảo đảm vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn;
(3) Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích);
(4) Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước;
(5) Phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
(6) Phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa;
(7) 90% văn nghệ sỹ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn;
(8) Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến;
(9) Hằng năm, có ít nhất 05 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
- Kinh phí thực hiện chương trình: Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng, trong đó NSĐP 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%);
- Nghị quyết giao Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
+ Xây dựng kế hoạch và cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình. Ban hành quy định về lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện Chương trình trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình đã được phê duyệt; không để xảy ra tình trạng nợ đọng kinh phí;
+ Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp cuối năm và báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình.