Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Để có chiến thắng đó, trước hết phải nói đến sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Hồ Chủ Tịch và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sự nỗ lực, đoàn kết của toàn quân và dân ta. Bên cạnh đó, còn có sự phối hợp, giúp đỡ từ các nước anh em bạn bè trong Khối xã hội chủ nghĩa trong đó có Đảng cộng sản và Nhân dân Trung Quốc.

Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Ngày 18/1/1950 Trung Quốc chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam.

Cuối tháng 01/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật sang Trung Quốc để bàn về vấn đề viện trợ Việt Nam kháng chiến chống Pháp, sau đó Người đi Moscow (Nga) gặp gỡ Thống chế Stalin và Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trong buổi làm việc, Thống chế Stalin và Chủ tịch Mao Trạch Đông khẳng định sẽ viện trợ cho Việt Nam: "Việt Nam cần trang bị 10 đại đoàn để đánh thắng Pháp, trước mắt hãy trang bị cho 6 đại đoàn có mặt ở miền Bắc. Việt Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ khí trên đất Trung Quốc. Tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam". Qua Hội đàm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với lãnh đạo Trung Quốc sau khi từ Moscow trở lại Bắc Kinh, Trung Quốc đồng ý để Quảng Tây là nơi tiếp nhận viện trợ, chữa trị thương binh và mở trường đào tạo cho Việt Nam.

Đồng chí cố vấn quân sự Trung Quốc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tháng 4/1950, hai trung đoàn của Đại đoàn 308 sang Vân Nam, tiếp đó một trung đoàn của Đại đoàn 312 sang Quảng Tây nhận vũ khí. Trung Quốc cũng nhanh chóng chở vũ khí sang Cao Bằng để trang bị tiếp cho hai trung đoàn khác đang phải đối phó với quân địch trên chiến trường. Để giải quyết đảm bảo hậu cần của bộ đội Việt Nam trên đất Trung Quốc và tăng cường công tác vận chuyển vật tư viện trợ Việt Nam. Ngày 06/8/1950, Tổng cục Hậu cần Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thành lập văn phòng ở Nam Ninh, ngoài ra, còn có hai Tiểu đoàn công binh và trường sĩ quan lục quân sang học tập, huấn luyện tại Trung Quốc. Những đơn vị sang Trung Quốc ngoài việc trang bị lại vũ khí còn được huấn luyện thêm về chiến thuật, đặc biệt là kỹ thuật đánh bộc phá. Tính đến tháng 6/1950, số cán bộ sang Trung Quốc học tập là 3.100 người (trong đó 650 cán bộ học bổ túc trung và sơ cấp, 1.200 học đào tạo, chỉ huy bộ binh sơ cấp, còn lại học về binh chủng như pháo binh, công binh...)

Từ tháng 7/1952 đến tháng 1/1953, Trung đoàn 45, Trung đoàn pháo binh hạng nặng đầu tiên của quân đội Việt Nam được huấn luyện ở Mông Tự (Vân Nam, Trung Quốc); Trung đoàn pháo cao xạ 367 thành lập ngày 1/4/1953, sau 6 tháng huấn luyện ở Tân Dương (Quảng Tây, Trung Quốc), cuối năm 1953 được điều tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Liên Xô giúp trang bị vũ khí, Quân Giải phóng Trung Quốc đảm nhiệm về đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật, huấn luyện cho hai trung đoàn này. Ngoài trang bị vũ khí, giúp đỡ huấn luyện, viện trợ lương thực, Trung Quốc còn cử đoàn cố vấn quân sự và chính trị sang Việt Nam. Để giữ bí mật, đoàn cố vấn quân sự lấy tên là Đoàn công tác Hoa Nam gồm 79 người do đồng chí Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn. Ngày 9/8/1950 đoàn khởi hành từ Nam Ninh đến Quảng Uyên, Cao Bằng. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc cử một đoàn cố vấn quân sự ra nước ngoài. Đảng Cộng sản Trung Quốc giao cho đoàn hai nhiệm vụ chính: Một là, giúp đỡ Việt Nam đánh thắng trận, đuổi thực dân Pháp xâm lược; Hai là, giúp đỡ Việt Nam xây dựng quân đội chính quy. Chủ tịch Mao Trạch Đông nhấn mạnh: "Toàn thể các đồng chí trong đoàn cố vấn phải coi sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam là sự nghiệp của chính mình".

Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Stalin cũng đồng ý với yêu cầu giúp đỡ của Việt Nam: "Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam những thứ đang cần. Những thứ gì Trung Quốc chưa có thì hãy lấy trong số hàng Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc chuyển cho Việt Nam và sẽ được Liên Xô hoàn trả".

Bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ từ Trung Quốc trên tinh thần "Toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp nhanh nhất", gồm: 1.700 tấn gạo, chi viện 3.600 viên đạn pháo 105mm, sau chuyển thêm 7.400 viên đạn 105mm, trong những ngày cuối của chiến dịch Trung Quốc tiếp tục giúp Việt Nam 20 khẩu sơn pháo 75mm sử dụng rất hiệu quả trong chiến dịch. Cùng với vũ khí, Trung Quốc hướng dẫn bộ đội Việt Nam về cách thức xây hầm pháo kiên cố các khẩu trọng pháo của Việt Nam được bảo vệ vững chắc an toàn có khả năng chống đạn pháo tấn công của đối phương. 

Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã tích cực tham gia cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trong các khâu khảo sát, lập kế hoạch và chuẩn bị chiến trường. Trong những ngày tháng cùng chiến đấu gian khổ bên nhau trên núi rừng vùng Biên giới Việt Bắc cũng như Tây Bắc đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ chiến sĩ Việt Nam và các đồng chí cố vấn Trung Quốc đã kết nên tình đồng chí, anh em thắm thiết, trong sáng, thủy chung. Các đồng chí cố vấn quân sự Trung Quốc đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với cán bộ chiến sĩ Việt Nam.

Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân (1953-1954) với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã chứng minh đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, lợi ích dân tộc với nghĩa vụ quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em" thể hiện tinh thần đoàn kết, thủy chung, son sắt bền chặt của các nước XHCN


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.129.118
Online: 97