Tỉnh Điện Biên là nơi hội tụ của 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái đứng thứ 2 chiếm 35,69% dân số toàn tỉnh. Cộng đồng người Thái ở tỉnh Ðiện Biên gồm hai ngành: Ngành Thái đen và Thái trắng. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, cộng đồng dân tộc Thái đã tạo dựng một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Như chúng ta đã biết, trang phục là dấu hiệu nhận biết đầu tiên để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, đối với dân tộc Thái, ngành Thái đen cũng vậy. Trang phục không chỉ để bảo vệ cơ thể mà từ những cách trang trí hoa văn, phối màu trên trang phục nó còn thể hiện những giá trị về nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào dân tộc mình. Đối phụ nữ dân tộc Thái, ngành Thái đen, bên cạnh việc mặc một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, thì họ cũng rất quan tâm đến việc sử dụng thêm một số đồ trang sức đi kèm như: trâm cài tóc, hoa tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, xà tích…

Trang sức của dân tộc Thái, ngành thái đen là thông điệp văn hóa của một tộc người và trang sức cũng góp phần lớn tạo ra những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, tạo nên vẻ đẹp tổng thể cho người phụ nữ Thái. Khi đeo trang sức không chỉ mang lại sự may mắn, tài lộc và thể hiện sự duyên dáng, nữ tính, tôn lên vẻ đẹp của người sử dụng và còn thể hiện cho quyền lực, địa vị, sự giàu có. Đa số các trang sức đều được làm từ bạc, đồng hoặc các vật liệu có màu trắng. Trang sức vừa là vật trang trí, làm đẹp, làm duyên của phụ nữ Thái đen và ngoài ra các trang sức làm từ bạc còn có tác dụng tránh gió, trừ ma tà; Người nào sử dụng bạc thì càng được phù hộ cho khỏe mạnh, gặp những điều tốt lành, gia đình thịnh vượng, hạnh phúc. Để có sản phẩm trang sức chất lượng, đẹp mắt cũng đòi hỏi cả một quy trình chế tác công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến chế tác. Đối với người Thái trang sức không chỉ là vật linh thiêng trong đời sống tâm linh của người Thái, mà còn giúp các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ nhiều vấn đề khoa học và là cơ sở để các nhà nghiên cứu khắc họa những nét sinh hoạt, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, xã hội tiêu biểu của dân tộc Thái như: sách chữ Thái cổ, trang phục, đồ dùng sinh hoạt. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đang lưu giữ trang sức của dân tộc Thái, ngành Thái đen. Đây là những hiện vật được lưu giữ qua nhiều thế hệ, từ nhiều địa điểm, thời gian khác nhau, đã được đăng ký trong sổ đăng ký hiện vật và được phân loại, đánh số, chụp ảnh, bảo quản trị liệu một cách khoa học. Với số lượng hiện vật trang sức tương đối ít, nhưng đa dạng về loại hình đang được lưu giữ, bảo quản tại kho bảo tàng.

Đối với người phụ nữ Thái, việc búi tóc có khéo hay không sẽ làm tăng hay giảm vẻ đẹp trên gương mặt và cũng không thể thiếu được trâm cài tóc. Khi trâm cài lên mái tóc nối giữa màu đen tạo nên vẻ đẹp của người phụ nữ. Đây cũng là quà tặng của mẹ chồng cho con dâu mới tại lễ “Tằng cẩu” trong ngày cưới. Trâm cài tóc của người phụ nữ được làm bằng bạc. Trâm có cấu tạo hình kim, một đầu có mũ và một đầu nhọn. Mũ trâm cài là một đồng bạc loại 5 hào hình tròn, giáp đồng bạc có lỗ để xỏ dây cuốn quanh búi tóc. Mũ trâm có đường kính 2,9cm, thân trâm có độ dài trên dưới 11cm.

Hoa tai

Hoa tai là đồ trang sức của phụ nữ dân tộc Thái đen. Hoa tai được làm bằng ngà voi có màu trắng đục, hình trụ tròn ở giữa nhỏ, hai đầu dẹp to bản có hình tròn đường kính 1cm.

Vòng đeo tay

Vòng đeo tay được sử dụng với nhiều mục đích, ý nghĩa khác nhau trong cuộc sống. Đặc biệt đối với dân tộc Thái chiếc vòng này có ý nghĩa vừa về mặt vật chất, lại vừa về mặt tinh thần. Chiếc vòng tay làm bằng đồng, hình tròn, đường kính 5,5cm, màu vàng. Mặt trên vòng đúc hoa văn hình thoi ở giữa có mắt nhỏ như những con mắt luôn luôn hướng tới mặt trời soi sáng. Hai đầu vòng được đúc hoa văn gạch chéo nhau hình lá, mặt trong vòng được đúc trơn.

Xà tích của người phụ nữ Thái

Trâm cài búi tóc (Tẳng cẩu)

Xà tích: Xà tích dùng để làm của hồi môn, tặng cho con gái khi về nhà chồng. Xà tích được đeo vòng quanh eo, được gắn thêm các chùm tua làm cho mỗi bước đi của người con gái thêm duyên dáng. Xà tích được làm bằng bặc và gồm 4 sợi dây luồn qua 2 vòng tròn nhỏ ở 2 đầu. Một đầu xà tích trang trí một bộ tua 5 sợi và trên các sợi đính các hình: hình con chim, hình gà trống, hình trái tim, một quả chuông nhỏ, một răng nanh lợn bằng nhựa. Đầu còn lại gắn một móc trang trí hoa văn hình bông lúa, uốn cong và dùng để móc hai đầu lại với nhau khi đeo.

Trong xu thế hội nhập, xã hội ngày càng phát triển, chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc Thái ngày càng được nâng cao. Thì trang sức cũng góp phần tạo ra những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào, tạo nên vẻ đẹp tổng thể về bộ trang phục truyền thống cho người phụ nữ Thái. Bên cạnh đó, ngoài giá trị thẩm mỹ, phần lớn trang sức của đồng bào Thái, ngành Thái đen còn có vai trò hộ thân. Trên đó có những dấu hiệu của thần linh, gồm những vị thẩn của từng dân tộc, thần của vùng đất và hình ảnh của tổ tiên nhờ thế mà khi đeo ai nấy đều cảm nhân được sự che chở, bình an.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.266.820
Online: 23