Dân tộc Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, có cội nguồn ở vùng Đông Nam Á lục địa, tổ tiên xa xưa của dân tộc Thái xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm. Người Thái cư trú ở một số tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Quá trình di cư từ đầu những năm 1990 đã mở rộng địa bàn cư trú của tộc người này ra một số vùng khác, trong đó có các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên. Theo các nhà dân tộc học, dân tộc Thái ở Việt Nam chia thành hai ngành chính: ngành Thái Trắng và ngành Thái Đen. Hiện nay, dân tộc Thái sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên phân bố rải rác ở tất cả các huyện, tập trung đông nhất tại huyện Mường Nhé và thị xã Mường Lay.

Bên cạnh đời sống vật chất họ có đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Các giá trị văn hóa vẫn được bảo lưu, trao truyền đến nay như: lễ Kin pang then, tết xíp xí, lễ cưới, lễ mừng cơm mới, lễ mừng nhà mới, lễ cúng tổ tiên... Người Thái trắng quan niệm "Mọi vật có thể đổi thay theo năm tháng, nhưng giá trị bản sắc văn hóa không thể phai mờ" vì vậy họ luôn gìn giữ những bản sắc văn hoá , truyền lại các phong tục, tập quán cho con cháu trong gia đình, dòng họ. Đặc biệt người Thái trắng luôn coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, đó là việc làm thể hiện lòng biết ơn công ơn sinh thành của ông bà tổ tiên, bên cạnh đó người Thái trắng quan niệm con cháu trong dòng họ muốn có cuộc sống yên bình, mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt thì phải chú trọng đến việc thờ cúng tổ tiên.

Trưởngt dòng họ thắp hương cúng Tổ tiên

Lễ Cúng tổ tiên (Mo khò lọ hóng) của dân tộc Thái - ngành Thái trắng  thường được tổ chức vào ngày đẹp nhất trong năm gọi là ngày “Mự khốt” “Mự huộng”, “Mự hai”, “Mự mưng”... tùy theo từng dòng dọ, diễn ra trong các tháng 5,6 âm lịch. Lễ cúng tổ tiên gồm cúng bên nội do con trai trưởng (trưởng họ) thực hiện và cúng bên ngoại do tất cả những người con gái trong dòng họ thực hiện lần lượt.

Lễ cúng tổ tiên bên nội và cầu may cầu phúc cho nam giới diễn ra vào ngày hôm trước gồm 4 nghi lễ:

(1) Nghi lễ cúng xin phép tổ tiên và những người đã mất cho phép dọn gian thờ hóng và cho con cháu chuẩn bị lễ vật dâng cúng

Ban thờ hóng một năm chỉ được mở một lần vào ngày lễ cúng tổ tiên và chỉ trưởng họ là người được mở, đến ngày tổ chức lễ, các gia đình trong dòng họ góp đồ lễ và chuẩn bị nguyên liệu, sắp mâm lễ tại nhà trưởng họ. Trưởng họ mang bát hương, ống điếu, 02 chén ra rửa sạch, lau dọn ban thờ “hóng”. Sau khi dọn dẹp ban thờ “hóng” sạch sẽ, trưởng họ đặt lên ban thờ 1 đĩa trầu cau (hát tói), vôi (phon), thuốc lào (khon keo) và vỏ cây chay (co hát) và thắp đèn, nến (tẩy đen), thắp hương (tẩy hương). Sau khi trưởng họ cúng xin phép tổ tiên và những người đã mất, con cháu trong dòng họ sẽ cùng nhau chuẩn bị lễ vật. Đàn ông mổ lợn, chị em phụ nữ mổ gà, nhặt rau, đồ xôi, rửa chén bát...

Mân lễ

(2) Nghi lễ cúng “hóng”: Mời tổ tiên và những người đã mất về hưởng thụ đồ lễ

Sau khi đã chuẩn bị xong đồ lễ, trưởng họ cùng các con cháu sắp một mâm lễ gồm: 01 đầu (hua mu) , 01 đuôi lợn đã luộc chín (hang mu), 03 đùi lợn (Sam kha mu), sống lưng lợn (săn lăng mu), nội tạng mỗi thứ một ít (xảy xá, chương tọng), sườn nướng (đúp sảng pỉnh), thịt băm gói lá nướng (nhắm phặc), 02 gói xôi (khẩu ón nửng), nộm thịt với lá chua chát (nhắm khoa sủm phát), 01 bát canh (nậm canh), 04 đôi đũa  (xí đôi thú), 04 chén rượu (xí chẻn lẩu). Tất cả được đặt lên mâm có rải lá chuối xanh.

Tất cả các thành viên nam trong gia đình cùng trưởng họ đặt đồ lễ lên ban thở “hóng” trưởng họ chắp tay khấn:

“Hôm nay ngày lành tháng tốt, con cháu mới kiếm được mọi lẽ vật để về làm cho tổ tiên ăn. Tất cả mọi thứ đều có không thiếu thứ nào, con cháu kính mời tổ tiên về hưởng thụ đồ lễ. Rượu thơm cũng có, rượu ngon cũng đầy. Lợn con to, con lớn. Cơm trên nương, dưới ruộng, cơm nếp, cơm tẻ cũng có, thịt băm gói lá, nộm lá chua chát cũng đầy… Ai chưa được biết mặt đặt tên cũng hãy gọi nhau về cùng ăn. Ăn xong phù hộ cho con mạnh khoẻ không ốm đau, bệnh tật, ăn nên, làm ra, đi qua sông, qua suối, đi thăm hỏi cũng thuận buồm, xuôi gió. Ngón tay to lên thì xoè, bàn tay to thì che chắn, phù hộ con cháu. Nuôi gà vịt sinh sôi nảy nở, lợn nhanh to béo. Con cháu đầy nhà, đầy sân. Hãy phù hộ cho con cháu, cả nhà khoẻ mạnh, đừng ai ốm đau bệnh tật”.

(3) Nghi lễ cúng những người canh gác, trông coi mộ tổ tiên, dòng họ (nghi lễ cúng báo lính, báo quân)

Dân tộc Thái - ngành Thái trắng  quan niệm vạn vật hữu linh, trên các cánh rừng, mảnh nương, dòng sông, con suối, nhà ở... đều do các thần linh ngự trị. Do vậy, sau khi đã chuẩn bị xong đồ lễ, trưởng họ cùng các con cháu sắp một mâm lễ gồm: 01 đùi lợn (kha mu nưng), nộm chua chát (khoa sủm phát), sườn nướng ( đúp sảng pỉnh ), 02 gói xôi ( khẩu ón nửng ), 04 chén rượu ( xí chẻn lẩu ), 01 bát canh nhỏ ( chẻn canh nưng ) tất cả được đặt lên mâm lót lá chuối xanh. Trưởng họ trịnh trọng khấn mời các vị thần linh về dự lễ và cảm ơn các vị thần đã luôn che chở, bảo vệ cho tổ tiên, con cháu luôn mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu.

(4) Nghi lễ cúng “tạy”: Cầu xin tổ tiên và những người đã khuất phù hộ độ trì cho nam giới trong dòng họ

Khi bắt đầu vào họ, mỗi người đàn ông trong dòng họ sẽ mang đến nhà trưởng họ một vật chứng sinh (tiếng Thái gọi là Thung tạy). Đó là chiếc túi nhỏ được làm bằng vải màu đỏ, bên trong mỗi túi đựng một tờ giấy viết họ và tên, ngày tháng, năm sinh của người đàn ông đó, và một đồng tiền giấy. Mỗi túi có kèm thêm một chiếc quạt nhỏ đan bằng tre. Người đan quạt là những người đàn ông có tuổi, có uy tín trong dòng họ hoặc cũng có thể là người bố. Theo quan niệm của đồng bào quạt dùng để quạt mát cho thành viên mới trong gia đình cuộc sống luôn gặp may mắn, tiền để trong túi đỏ cầu mong cho cuộc sống sau này luôn gặp may mắn, nhiều tài lộc...Thung tạy được treo ở gian thờ của nhà trưởng họ theo thứ tự ai sinh ra trước sẽ treo trước, chỉ đến khi người đó qua đời Thung tạy mới được bẻ đi hoặc trong trường hợp Thung tạy bị rách, hỏng sẽ làm túi khác thay thế. Khi gia đình nào có thành viên mới sẽ làm Thung tạy mới báo cáo với tổ tiên để gia nhập dòng họ. Đối với thành viên mới là con gái của các con trai trong dòng họ khi đến để nhập họ thì chỉ đem áo đến và lúc làm lễ trưởng họ sẽ thông báo với tổ tiên là con của ai, tên là gì… đã đến nhập họ.

Lễ vật dâng cúng gain thờ “tạy” gồm: gà (cáy ), 2 gói xôi (khẩu ón nửng), 4 đôi đũa (xí đôi thú), 4 chén rượu (xí chẻn lẩu) tất cả được đặt lên mâm lót lá chuối xanh.

Dân tộc Thái - ngành Thái trắng quan niệm trong dòng họ có bao nhiêu con trai thì cần phải sắp bấy nhiêu mâm lễ và gà dâng lễ phải là gà to, mào đỏ tuyệt đối kiêng gà chân trắng vì đồng bào quan niệm gà chân trắng là biểu tượng của sự chia ly, bất hoà không dùng gà chân trắng để cúng trong gia đình, gà chân trắng chỉ dùng để cúng ma rừng.

(5) Nghi lễ cúng xin phép dọn đồ lễ: Đây là khi đã thực hiện xong các nghi lễ, trưởng họ mời tất cả con cháu trong dòng họ đứng trước gian thờ “hóng”, xin được thụ hưởng đồ lễ và cầu xin ông bà, tổ tiên hãy phù hộ cho con cháu”.

Lễ cúng tổ tiên bên ngoại

Lễ cúng được thực hiện tại ngôi nhà nhỏ với tên gọi là “Hươn nọi hay No bản” (đây là nơi thờ cúng tổ tiên bên ngoại), nhà nhỏ được làm phía bên ngoài của nhà ở và phải làm khác hướng với gian thờ “hóng” của dòng họ. Hàng năm con gái cả là người đầu tiên thực hiện lễ cúng tổ tiên bên ngoại “Dệt hươn nọi”, các con thứ sẽ thực hiện cúng lần lượt vào các ngày tiếp theo. Lễ cúng tổ tiên bên ngoại phải tổ chức sau cúng tổ tiên bên nội. Nếu gia đình có điều kiện thì tổ chức thường niên mỗi năm một lần, trường hợp gia đình khó khăn có thể 2, 3 năm tổ chức lễ Cúng tổ tiên một lần.

Các nghi lễ trong lễ cúng bên ngoại gồm các nghi lễ như: Nghi lễ cúng xin phép dọn dẹp nhà nhỏ và chuẩn bị lễ vật dâng cúng; nghi lễ cúng mời tổ tiên thụ hưởng đồ lễ; nghi lễ cúng xin phép dọn mâm lễ và thụ lộc.

Cũng giống như nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc khác tỉnh Điện Biên, lễ Cúng tổ tiên của dân tộc Thái - ngành Thái trắng gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ bao giờ cũng linh thiêng, trang nghiêm và huyền bí, còn phần hội lại rất tưng bừng vui tươi và thu hút mọi người cùng tham gia với những trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như: Tó má lẹ, còn lông gà, múa sạp, hát đối đáp, cà kheo, đánh đàn tính, múa xoè...

Lễ cúng tổ tiên là một trong nghi lễ quan trọng của người Thái trắng, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản. Thông qua lễ hội thể hiện được tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ, chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hoá dân tộc. Qua đó nâng cao được ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc ở địa phương.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.309.783
Online: 80