Trang phục truyền thống là một biểu trưng của văn hoá, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của mỗi dân tộc, Quan niệm từ khi trang phục ra đời nhằm mục đích che chở, bảo vệ con người trước môi trường tự nhiên, bên cạnh đó trang phục còn mang đậm tư duy sáng tạo, giá trị thẩm mỹ, trang phục chứa đựng thông tin để phân biệt tuổi tác, phân biệt tầng lớp xã hội, phân biệt hoàn cảnh sử dụng, chính vì vậy trang phục rất quan trọng đối với con người, từ đó trong quá trình làm ra trang phục đồng bào Kháng đã biết sáng tạo ra các họa tiết, hoa văn trên trang phục với ý niệm về thẩm mỹ và tín ngưỡng dân gian.

Để làm ra những bộ trang phục, từ xa xưa đồng bào Kháng đã biết dùng các nông sản trao đổi lấy vải của các dân tộc khác sống lân cận để làm ra các trang phục cho chính dân tộc mình. Màu sắc chủ đạo chính là màu đen, để bộ trang phục được nổi bật trên nền màu đen đồng bào đã tạo những điểm nhấn trên cổ áo, cầu vai, cổ tay áo… bằng các kỹ thuật như khâu, can ghép, thêu… thành những đường viền vải và những hoạ tiết hoa văn màu sắc sặc sỡ. Tuy nhiên, hiện nay do xu hướng phát triển chung của đất nước, sự giao lưu, hòa nhập văn hóa, giờ đây trang phục của dân tộc Kháng có nét giống với trang phục của người Thái sinh sống lân cận. Về cách thức, quy trình để làm bộ trang phục truyền thống đa số đồng bào Kháng tại tỉnh Điện Biên qua khảo sát không nắm được cách làm; không còn duy trì mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày.

Bảo tàng tỉnh nghiệm thu sản phẩm Lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Kháng

Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một sẽ làm mất đi một giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của người Kháng. Chính vì vậy việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang trở thành vấn đề cấp bách trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay. Xác định được tầm quan trọng đó, trong những năm gần đây, để thực hiện có hiệu quả “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” do Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt theo Quyết định số 3414/QĐ-UBND ngày 31/12/2021. Bảo tàng tỉnh đã và đang thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong đó năm 2024 đơn vị Bảo tàng tỉnh sẽ thực hiện mở lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Kháng tại xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Mở lớp truyền dạy là cơ sở để bảo tồn, phục dựng, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho trang phục truyền thống của dân tộc Kháng có được sức sống trong cộng đồng, để cộng đồng gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa tốt đẹp được cha ông trao truyền.

Đồng thời, trong thời gian tới, đơn vị Bảo tàng tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc Kháng tại tỉnh Điện Biên thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của trang phục truyền thống, trong đó đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc, khuyến khích học sinh trường dân tộc nội trú, bán trú trong tỉnh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Phấn đấu đào tạo những người nghệ nhân, người thợ có tay nghề cao để sau này chủ động truyền lại cho thế hệ sau cách thức, quy trình…làm ra những bộ trang phục theo phong cách truyền thống của chính dân tộc mình.

Dưới sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, sự phối hợp với các cơ quan liên quan, bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể Bảo tàng tỉnh đang từng bước nỗ lực thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.367.948
Online: 333