Dân tộc Kháng là một trong số 19 dân tộc sinh sống tại tỉnh Điện Biên, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me trong ngữ hệ Nam Á. Trước đây dân tộc Kháng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Háng, Brển, Xá với các nhóm địa phương là Xá Khao, Xá Xúa, Xá Dón, Xá “Tu Lăng”, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá Ái, Xá Bung, Xá Quảng Lâm... Hiện nay, dân tộc Kháng sống tập trung chủ yếu tại các xã Quảng Lâm thuộc huyện Mường Nhé; xã Nà Khoa thuộc huyện Nậm Pồ; xã Na Sang, xã Pa Ham thuộc huyện Mường Chà; xã Ta Ma, xã Rạng Đông thuộc huyện Tuần Giáo. Trong sinh hoạt cộng đồng, người Kháng còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, đặc biệt là lễ hội, tiêu biểu được kể đến như: lễ Mừng cơm mới (Ma mía), lễ Tra hạt (Le ngua), lễ hội Tạ ơn (Pang Phóong), lễ Cảm ơn thầy cúng (Xên Pang Ả) và lễ Cúng thần rừng (Tam ma ngặt oom tia). Ngoài ra những điệu múa Tăng bu, Tăm đao, hát dân ca... tất cả đều mang tính đặc trưng riêng biệt của văn hóa người Kháng.
Lễ Cúng thần rừng là nghi lễ truyền thống có từ xa xưa, gắn liền với tập quán canh tác nông nghiệp của người Kháng. Cũng như nhiều dân tộc khác sinh sống trên địa bàn, người Kháng hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, với tập quán canh tác lúa trên các thửa ruộng, trồng ngô, sắn...trên nương rẫy. Họ có quan niệm vạn vật hữu linh, vì thế họ luôn tin rằng các cánh rừng, mảnh nương, dòng sông, con suối... đều có các thần linh ngự trị. Bởi vậy, việc mưa thuận gió hòa hay thiên tai, bão lũ, được mùa hay mất mùa, sức khỏe của người dân trong bản có được tốt hay không cũng đều do các vị thần linh định đoạt. Do đó hàng năm đồng bào dân tộc Kháng sẽ tổ chức lễ Cúng thần rừng để bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn sùng của đồng bào trước các vị thần linh, tôn thờ những thế hệ đi trước đã có công khai phá bản mường.
Lễ Cúng thần rừng (Tam ma ngặt oom tia) được tổ chức vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 dương lịch, là thời điểm chuẩn bị gieo trồng mùa vụ mới. Để ngày tổ chức lễ Cúng thần rừng diễn ra theo đúng trình tự thời gian và đảm bảo yếu tố truyền thống, đại diện các gia đình trong bản cùng với thầy cúng, Trưởng bản và người có uy tín sẽ họp bàn thống nhất chọn ngày lành tháng tốt, địa điểm để tổ chức lễ, phân công chuẩn bị đồ lễ cúng, cũng như lựa chọn các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian vui chơi trong ngày lễ.
Theo phong tục, trước ngày tổ chức lễ khoảng một tuần, mỗi gia đình trong bản sẽ chuẩn bị đồ lễ để đóng góp theo sự phân công đã định từ cuộc họp của cộng đồng. Đồng bào Kháng quan niệm, đồ lễ góp càng nhiều chứng tỏ lòng thành càng cao, đặc biệt đồ lễ phải là những đồ do từng hộ gia đình đóng góp như vậy mới thể hiện hết trách nhiệm và lòng biết ơn của từng hộ gia đình đối với các vị thần linh đang ngự trị tại bản làng. Lễ vật đóng góp gồm: Gà, bò, tre, nứa, rượu cần, xôi nếp, hương, hoa quả, áo đại diện của các gia đình …Riêng vật dâng cúng là con bò thì các hộ gia đình phải góp bằng tiền để Trưởng bản hoặc đại diện một hộ gia đình đứng ra mua để làm lễ vật dâng cúng.
Trước ngày tổ chức lễ một ngày, đồng bào tiến hành dựng sàn cúng tại nơi đã lựa chọn địa điểm tổ chức lễ. Đầu tiên đồng bào sẽ cùng nhau phát dọn, sau khi dân bản đã phát dọn xong khu vực dựng sàn cúng chính, thầy cúng sẽ thực hiện nghi thức xin thần thổ địa để dựng sàn qua việc tung que âm dương. Dựng sàn cúng chính, theo tiếng Kháng gọi là nha chàm. Vị trí dựng sàn cúng này được dựng dưới gốc cây to (nơi trú ngụ của vị thần Quan Chom Ượt là vị thần cai quản vùng đất, bản Nậm Mu). Sau khi dựng sàn cúng chính xong, tiếp đến họ dựng sàn cúng dành cho 12 vị thần linh theo tiếng của đồng bào Kháng được gọi là Pàn leo. Sàn cúng này được dựng phía sau sàn cúng chính, có kết cấu khá đơn giản gồm một mặt sàn được chống bởi các cột tre cao khoảng 60cm - 70cm, diện tích rộng khoảng 7 mét vuông và không có mái che.
Lễ Cúng thần rừng được tổ chức trong một ngày. Vào sáng sớm ngày tổ chức lễ, những người đàn ông đại diện cho các gia đình cùng nhau mang nguyên liệu, đồ lễ ra địa điểm tổ chức để thực hiện nghi lễ Cúng thần rừng. Việc chuẩn bị và sắp mâm lễ tại gốc cây to đều do nam giới trong bản đảm nhiệm, còn nữ giới sẽ không được tham gia vào thực hiện nghi lễ.
Sau khi mọi việc đã chuẩn bị xong, thầy cúng cùng đồng bào tham gia lễ chỉnh trang lại trang phục tiến hành thực hiện các nghi lễ Cúng thần rừng.
Ảnh minh hoạ
Lúc này, tại sàn cúng chính, thầy cúng sẽ thực hiện nghi lễ cúng mời ba vị thần “Chom Ượt”, “Bỏ Mú”, “Bỏ Co” về nhận và hưởng thụ đồ lễ. Vật dâng cúng đầu tiên một con gà còn sống trước sàn cúng, sau đó dâng cúng ba vị thần. Tiếp đó là nghi lễ cúng con lợn, thầy cúng cùng với những người đàn ông đại diện cho từng gia đình trong bản sẽ mang một con lợn còn sống đến trước sàn cúng, sau đó dâng cúng ba vị thần về chứng giám lòng thành cho dân bản.
Sau khi thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng mời thần linh về nhận lễ vật xong, những người tham gia lễ đã được phân công từ trước, mang con vật dâng cúng đi chế biến, gà được luộc cả con, thịt lợn được chặt khúc to, luộc chín. Sau đó thịt lợn sắp xếp các phần lại thành hình con lợn và con gà luộc được xếp lên sàn cúng chính để dâng lễ, thầy cúng trịnh trọng thực hiện nghi thức khấn mời ba vị thần về hưởng thụ đồ lễ.
Thầy Cúng thực hiện nghi lễ cúng 12 vị thần
Người Kháng quan niệm vạn vật hữu linh, trên các cánh rừng, mảnh nương, dòng sông, con suối... đều do các thần linh ngự trị. Do vậy, sau khi dâng lễ mời 3 vị thần: “Chom Ượt”, “Bỏ Mú”, “Bỏ Co” về nhận và hưởng thụ đồ lễ xong. Đồng bào Kháng tiến hành thực hiện nghi lễ cúng 12 vị thần gồm: Thần cai quản vùng đất Nậm Mu (Thần Quan Chom Ượt), Thần núi (Thần Quan Chom Vệt), Thần đại diện dân tộc Kháng (Thần Quan Ca), thần Quan Bon, Thần cai quản vùng đất trũng (Thần Quan Phúa Pưng), Thần cai quản một khu suối nhỏ (Thần Quan Phúa Trăng), Thần cai quản hồ nước lớn khu Noong Luông (Thần Phúa Trăng), Thần cai quản khu Noong O, Noong Hẹt (Thần Quan Noong O, Noong Hẹt), Thần cai quản khu Noong Vắn (Thần Quan Noong Vắn), Thần cai quản khu Nà Đắng (Thần Quan Cha Cà Nỏong), Thần cai quản khu rừng (Thần Quan Klô), Thần cai quản vùng đất bồi (Thần Quan Còn Chom), Thần cai quản đầu nguồn nước (Thần Ảng Tào, Ảng Náng), để bày tỏ lòng biết ơn các vị thần linh và cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người khỏe mạnh, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Nghi lễ cúng mời các vị thần linh kết thúc, cũng là lúc thầy cúng cùng những người tham gia lễ hưởng thụ đồ lễ ngay tại khu vực nơi vừa thực hiện các nghi lễ cúng các vị thần, tất cả đều hân hoan trong niềm vui và hy vọng tới những vụ mùa bội thu, cuộc sống no đủ, hạnh phúc, cùng nâng chén rượu chúc nhau mạnh khỏe, mọi điều tốt lành. Đồng thời, trong tâm trí mỗi người đều tỏ lòng thành kính, trân trọng và biết ơn các vị thần linh phù hộ che chở cho dân bản.