1.    Quần thể Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp (Thuộc địa phận bản Huổi Cang, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, cách TP. Điện Biên Phủ hơn 100km).

Nằm trên khu vực có tên Pom Thẳm Bẻ, hai hang động Huổi Cang và Huổi Đáp nằm cách nhau 450m, ở vị trí cao gần 500m so với mực nước biển, được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất, quá trình karst hòa tan (hiện tượng phong hóa đặc trưng của núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) cách đây hàng nghìn năm. Bao bọc xung quanh là khu rừng tái sinh, nương rẫy và một số hang động nhỏ khác. Đây là những tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên, hội tụ nhiều tính chất đa dạng của thiên nhiên như: địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường

Vẻ đẹp hoang sơ hang động Huổi Cang, Huổi Đá

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, khu vực này từng là nơi sơ tán của người dân và các cơ quan nhà nước, nơi cất giấu lương thực, vũ khí, đạn dược của quân, dân tỉnh Lai Châu (cũ).

Di tích hang động Huổi Cang, Huổi Đáp, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia năm 2019.

2.    Hang động Hắt Chuông (Thuộc xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên (cách hang động Huổi Cang 1km).

Lối vào của Hang

Tên gọi “Hắt Chuông” được đặt tên theo tiếng dân tộc Thái, trong đó Hắt có nghĩa là ‘thác’ và Chuông có nghĩa là ‘bánh xe quay sợi’ bởi trước đây, gần cửa hang có một thác nước hình bánh xe quay sợi.

Để đến được hang động Hắt Chuông, du khách có thể đi ô tô, xe máy theo 3 tuyến đường:

-    Tuyến 1 từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12, qua thị xã Mường Lay, ngược lên quốc lộ 6A khoảng 26km đến xã Pa Ham.

-    Tuyến 2 từ thành phố Điện Biên Phủ, xuôi theo quốc lộ 279 khoảng 80km qua thị trấn Tuần Giáo, ngược lên quốc lộ 6A khoảng 54km đến xã Pa Ham.

-    Tuyến 3 từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12, qua thị trấn Mường Chà 24km rẽ phải theo đường liên xã đến xã Hừa Ngài, đi tiếp 24km đến Quốc lộ 6A, rẽ trái 17km đến xã Pa Ham.

Khi đến xã Pa Ham, thay vì đi xe, du khách sẽ được ngồi xuồng ngược thượng nguồn sông Nậm Mức khoảng 5km sẽ đến địa phận bản Huổi Cang, sau đó đi bộ khoảng 300m là đến được hang động.

Hang động Hắt Chuông có tổng chiều dài khoảng 120m chia làm 3 khoang lớn, có 4 cửa vào với vẻ đẹp hoang sơ, sẽ là một địa điểm để khám phá đầy hấp dẫn và thú vị đối với du khách.

3.    Hang động Pa Thơm (Thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

Ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, động Pa Thơm được bao bọc giữa khu rừng nguyên sinh rậm rạp, với thảm thực vật và sự đa dạng sinh học phong phú. Để đến được cửa động, du khách phải đi bộ một quãng đường dốc dài hơn 200m mấp mô đá với nhiều loại dây leo. Hang động nằm ở lưng chừng núi, cửa hang hình vòm, cao, rộng và thoáng. Ngay từ cửa hang du khách đã có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của những khối nhũ đá hình thù sinh động, màu sắc hư ảo rực rỡ. Các vòm hang đều cao vút, tạo cảm giác uy nghi, lộng lẫy như đang ở trong một cung điện, bên vách hang thạch nhũ vươn cao, cùng măng đá mềm mại từ trần hang rủ xuống như những vách ngăn tự nhiên chia hang động thành những “gian phòng” lớn nhỏ khác nhau. Không chỉ khám phá hang động, đến với Pa Thơm du khách còn có cơ hội lắng nghe những truyền thuyết về tình yêu đôi lứa có liên quan đến hang động, được hít thở khí trời thoáng đãng, ngắm cảnh núi non trùng điệp trong màn sương giăng, nghe tiếng chim hót líu lo chuyền cành, suối chảy róc rách và nhìn ngắm cuộc sống yên bình của đồng bào Lào và Khơ Mú đang sinh sống tại 2 bản Pa Xa Lào và Pa Xa Xá dưới chân núi.

4.    Hang động Xá Nhè (Xã Xá Nhè, huyện Tủa Tùa, tỉnh Điện Biên).

Hang động Xá Nhè nằm trên địa phận bản Pàng Dề B xã Xá Nhè. Hang nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, cửa hang rộng 5m cao khoảng 18m. Hang động gồm 5 khoang lớn nhỏ kéo dài khoảng 700m, với vô vàn khối thạch nhũ hình thù độc đáo, có khối giống người, giống loài vật như: cóc, cá sấu, hàm cá mập, rồng… Trên trần động là những khối nhũ đá rủ xuống lấp lánh với đường nét khi thì mềm mại, uyển chuyển như thác nước, lúc mang dáng vẻ sắc nhọn như san hô biển.

Với nét đẹp quyến rũ, hoang sơ cộng với giao thông thuận lợi do chỉ nằm cách đường giao thông chính chưa đầy 1km nên hang động Xá Nhè ngày càng là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt từ khi hang động được xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh, lượng du khách đến hang khám phá ngày càng đông. Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, gần như ngày nào cũng có du khách ghé thăm hang.

5.    Hang động Chua Ta (xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên)

Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40km, hang động Chua Ta nằm ở bản Na Côm (xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên) được người dân phát hiện vào năm 2010.

Nằm trong quần thể núi đá vôi có thảm thực vật phong phú, khí hậu trong lành, hang động Chua Ta là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố, tính chất đa dạng của tự nhiên như địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh thái, cảnh quan môi trường…

Năm 2015, hang động Chua Ta được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Với vẻ đẹp kỳ vĩ, hang động Chua Ta là tuyệt tác nghệ thuật của tạo hóa, trở thành địa điểm du lịch, khám phá, trải nghiệm nổi tiếng trên địa bàn tỉnh.

6.    Hang Khó Chua La (thuộc bản Pàng Dề A1 xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên)

Hang động Khó Chua La được hình thành từ những kiến tạo địa chất trong hàng triệu năm, tạo nên một hang động ăn sâu trong núi đá với vẻ đẹp kỳ bí, nguyên sơ với những khối nhũ đá lộng lẫy và hình thù kỳ lạ độc đáo. Hang động cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, ăn sâu vào núi hơn 800m, nơi rộng nhất 15 - 18m, vòm cao nhất 18 - 25m. Theo tiếngđịa phương của đồng bào dân tộc Mông thì Khó có nghĩa là là hang động, Chua có nghĩa là núi đá hoặc mỏm đá, La có nghĩa là khỉ, dịch sang tiếng phổ thông Khó Chua La có nghĩa là hang động khỉ. Có lẽ ngày xưa trước khi người Mông phát hiện ra hang động thì loài khỉ đã là những cư dân đầu tiên của nơi này.

Du khách khám phá trải nghiệm tại Hang

Cửa hang nằm cheo leo giữa vách núi, hai bên là vách đá nhấp nhô mà người dân tận dụng để trồng ngô, những chiếc lá ngô xanh rì đung đưa trong gió như vẫy gọi du khách mau đến với Khó Chua La. Bước vào trong hang động, du khách ngay lập tức cảm nhận được không khí mát mẻ hơn hẳn so với bên ngoài. Suốt chiều dài hang động có lối đi vững chắc, hang cũng được lắp đặt hệ thống chiếu sáng để du khách có thể dễ dàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của hang.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.372.085
Online: 104