Ngày 03/3/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 345/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc phê duyệt Đề án là nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết về phát triển du lịch của Trung ương, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu năm 2025: Lượng khách du lịch năm 2025 đạt trên 1,45 triệu lượt, trong đó có 300 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 2.380 tỷ đồng. Năm 2030: Lượng khách du lịch đạt trên 2,65 triệu lượt, trong đó 600 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 5.000 tỷ đồng.
Đề án gồm 6 phần chính: (1) Sự cần thiết, căn cứ xây dựng đề án; (2) Đánh giá thực trạng phát triển du lịch tỉnh Điện Biên; (3) Quan điểm, nhiệm vụ, định hướng, dự báo yếu tố tác động và giải pháp phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; (4) Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư và khái toán kinh phí thực hiện; (5) Giám sát, đánh giá hoạt động du lịch; (6) Tổ chức thực hiện.
Đề án xác định vị trí, vai trò và lợi thế của du lịch tỉnh Điện Biên trong tổng thể phát triển du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. Phân tích, đánh giá tiềm năng, thực trạng và các nguồn lực phát triển du lịch của tỉnh; Đánh giá tổng thể những cơ hội, thuận lợi, thách thức, khó khăn trong phát triển du lịch, từ đó đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng, các nhóm giải pháp cụ thể nhằm phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án định hướng phân vùng không gian du lịch thành 3 khu vực: Khu vực I, bao gồm thành phố Điện Biên Phủ và 4 huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng và Tuần Giáo; Khu vực II, bao gồm 3 huyện: Nậm Pồ, Mường Chà và Mường Nhé; Khu vực III: Huyện Tủa Chùa, thị xã Mường Lay và khu vực xã Sá Tổng (huyện Mường Chà).
Định hướng phát triển 14 điểm dừng chân và các khu du lịch quốc gia, các khu du lịch cấp tỉnh, các điểm du lịch. Phấn đấu đến năm 2030, có 6 khu du lịch cấp tỉnh và 16 điểm du lịch được công nhận.
Đề án đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch trọng tâm của tỉnh, theo 3 trụ cột chính: (1) Sản phẩm du lịch lịch sử, tâm linh: Xây dựng các sản phẩm trải nghiệm tìm hiểu lịch sử chiến tranh với các hoạt cảnh, minh họa thực tế, trực tiếp, sử dụng các công nghệ tiên tiến về âm thanh, ánh sáng, tạo những cảm giác chân thực cho khách du lịch dựa trên các tài nguyên du lịch văn hóa hiện có. Nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung khai thác nhu cầu du lịch lịch sử gắn với khai thác, phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh; (2) Sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái: Tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các loại hình ca, múa, nhạc dân gian; thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc, các sản phẩm OCOP. Đồng thời, thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái - khám phá trên cơ sở khai thác thế mạnh hệ sinh thái rừng, sông, hồ, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn; tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm hàng năm như: Lễ hội Hoa Ban, kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lễ hội thành bản Phủ, lễ hội hoa Anh Đào,…; (3) Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe: Tập trung thu hút du khách bằng các dịch vụ du lịch có chất lượng cao, như chơi golf, đua thuyền, các môn thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, ngắm cảnh, chụp ảnh tại các công viên chuyên đề, xem biểu diễn thực cảnh, tắm nước khoáng nóng và trị liệu..., chinh phục ngã ba biên giới A Pa Chải, các chợ phiên vùng cao, biên giới, tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ khách du lịch. Trong đó cần chú trọng phát triển mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe tại các khu vực có các mỏ khoáng nóng như U Va, Hua Pe nhằm tạo ra sự khác biệt.
Bên cạnh đó, Đề án định hướng phát triển các tuyến du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng du lịch: Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển hạ tầng giao thông; tôn tạo các di tích lịch sử, tâm linh; dịnh hướng về xúc tiến, quảng bá du lịch; Định hướng về quản lý, khai thác và giám sát hoạt động du lịch; Định hướng về hợp tác phát triển du lịch; định hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; định hướng phát triển nguồn nhân lực du lịch; định hướng về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; định hướng về chuyển đổi số trong du lịch.
Đề án cũng đề ra 13 nhóm giải pháp thực hiện để khai thác, tiềm năng thế mạnh du lịch đạt hiệu quả cao, bao gồm: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch; Nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng phát triển du lịch; Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch; Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; Xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; Ứng dụng khoa học công nghệ; Phát triển sản phẩm du lịch; Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; Bố trí lồng ghép, huy động, thu hút, kêu gọi các nguồn lực để phát triển du lịch.