Một bức tranh văn hóa đa dạng, rực rỡ, cuốn hút; những nét đẹp truyền thống từ đời sống sinh hoạt, lao động thường ngày đến văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc… Tất cả đang được tái hiện chân thực tại không gian văn hoá vùng cao Điện Biên tại Hà Nội.

Người dân tại TP. Hà Nội thăm quan nhà truyền thống người Hà Nhì.

Lần đầu chiêm ngưỡng những ngôi nhà mái lá dân tộc, những vật dụng sản xuất của người dân vùng cao, anh Nguyễn Văn Bằng, quận Đống Đa (Hà Nội) không khỏi bất ngờ, thích thú. Anh Bằng chia sẻ: Trực tiếp tìm hiểu, tiếp xúc với văn hóa đặc sắc các dân tộc đúng là trải nghiệm tuyệt vời. Khi tận mắt chiêm ngưỡng không gian văn hoá vùng cao và chạm tay vào những vật dụng biểu trưng cho văn hoá các dân tộc của Điện Biên trong không gian văn hóa đậm chất vùng cao này, tôi thấy các dân tộc nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo, đặc trưng riêng có, thể hiện rõ bản sắc dân tộc mình.

Du khách nước ngoài thích thú với các nông sản trưng bày tại không gian truyền thống Hà Nhì.
Check-in tại nhà truyền thống dân tộc Thái.

Không chỉ riêng anh Bằng, rất nhiều người dân và du khách đều có chung cảm xúc ấn tượng về một Điện Biên thu nhỏ rực rỡ sắc màu văn hoá. Diễn ra từ ngày 15 - 17/12 tại tuyến phố du lịch Đinh Tiên Hoàng, không gian văn hoá vùng cao giới thiệu đến người dân Thủ đô và du khách thập phương những nét văn hóa đặc trưng các dân tộc của Điện Biên. Đến tham quan, du khách được chiêm ngưỡng không gian tái hiện văn hóa vùng cao, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, lao động sản xuất. Trải nghiệm nghề thủ công truyền thống, trang phục dân tộc và hoà mình với các hoạt động văn hoá truyền thống như múa khèn, Lễ cầu may dân tộc Thái. Để mỗi người dân và du khách khi đến đây như đi lạc vào nhà người dân bản địa mến khách.

Các dụng cụ sinh hoạt, lao động sản xuất được nghệ nhân trực tiếp đan lát.
Khu vực trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống địa phương.
Du khách chụp ảnh lưu niệm với các nghệ nhân.

Dưới mái hiên lợp lá xưa, không gian gia đình dân tộc Mông luôn rộn ràng, tràn ngập tiếng cười nói của du khách. Bên trong nhà, khu vực bếp củi ấm cúng, khu vực trưng bày các sản vật địa phương, cặp sừng trâu đựng rượu, chén rượu làm từ tre nứa luôn sẵn sàng đón khách... Phía trước cửa, trưng bày đa dạng các loại nông sản và các dụng cụ thủ công gắn với đời sống sinh hoạt của bà con dân tộc Mông. Cách ngôi nhà mái lá không xa, những người phụ nữ Mông thêu thùa, vẽ hoa văn sáp ong, đàn ông Mông say sưa thổi sáo, thổi khèn lúc cao vút, lúc trầm vọng...

Du khách lựa chọn các sản phẩm thủ công truyền thống.
Nghệ nhân người Mông vẽ hoa văn sáp ong.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Truyền thanh – Truyền hình huyện Tủa Chùa cho biết: Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, dân tộc Mông chiếm hơn 72%. Vì vậy chúng tôi mang đến ngày hội không gian văn hóa dân tộc Mông đậm đà bản sắc để giới thiệu tới người dân và du khách. Tại đây chúng tôi dựng nếp nhà truyền thống dân tộc và các nét văn hóa đặc sắc còn lưu giữ trên địa bàn huyện, như nghề truyền thống, múa khèn, thưởng thức ẩm thực dân tộc...

Thưởng thức hương vị rượu mông pê tại ngôi nhà truyền thống dân tộc Mông.

Với nhiều hoạt động phong phú, không gian văn hóa vùng cao luôn thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: Đến với không gian văn hoá vùng cao, nhân dân và du khách đều như được đặt chân đến bản làng vùng cao Điện Biên, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động, văn hóa của bà con các dân tộc. Qua đó, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến với nhân dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để Điện Biên quảng bá về lợi thế, tiềm năng du lịch, thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp không khói trong thời gian tới.

Tiếng trống, chiêng vang vọng như lời mời du khách đến với không gian văn hoá vùng cao Điện Biên.
Không gian văn hoá vùng cao luôn sẵn sàng đón khách.

Theo Báo Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.309.866
Online: 121