So với mặt bằng chung cả nước, thể thao thành tích cao tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều mặt hạn chế: Hệ thống đào tạo, huấn luyện các tuyến vận động viên còn mỏng, chưa được hình thành một cách rõ nét, chưa có các tuyến kế cận; các nguồn lực dành cho công tác tập luyện, huấn luyện còn nhiều khó khăn; thành tích tham gia thi đấu các giải thể thao ở khu vực và toàn quốc còn khiêm tốn, chưa ổn định, chưa vững chắc, có xu hướng giảm dần. Đặc biệt thành tích thể thao của tỉnh qua các giải vô địch, Đại hội Thể thao toàn quốc vẫn đang ở mức rất khiêm tốn (tại Đại hội lần thứ VII năm 2014, giành được 01 huy chương bạc, 01 huy chương đồng; lần thứ VIII năm 2018, giành được 01 huy chương đồng; lần thứ IX năm 2022, giành được 02 huy chương bạc, 02 huy chương đồng, xếp vị trí áp chót trên bảng tổng sắp huy chương 19 tỉnh miền núi và Tây Nguyên).

Từ thực tế trên, thực hiện Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035. Ngày 28 tháng 11 năm 2022 Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển Thể thao thành tích cao giai đoạn 2023-2030 và định hướng đến năm 2035.

Đề án đã xác định mục tiêu: Xây dựng lực lượng vận động viên, huấn luyện viên có trình độ cao, tập trung đầu tư những môn thể thao trọng điểm có thế mạnh của tỉnh để đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc, các giải vô địch quốc gia, khu vực, châu lục và quốc tế. Đóng góp vận động viên của tỉnh vào đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển quốc gia tham dự các giải khu vực Đông Nam Á, Châu á và Thế giới.

Đến năm 2035 quy mô đào tạo 5 môn thể thao gồm: Cầu lông; Điền kinh; Karate; Taekwondo; Pencak Silat ở ba tuyến (tuyến năng khiếu, tuyến trẻ và tuyến tỉnh), tổng số đào tạo 287 lượt vận động viên. Đạt 24 huy chương/năm, trong đó trung bình 6 huy chương vàng/năm tại các giải thi đấu thể thao thành tích cao khu vực, toàn quốc, xếp hạng từ 50-52 tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XII năm 2034, 16 lượt vận động viên kiện tướng quốc gia và 49 lượt vận động viên cấp I quốc gia, 65 lượt vận động viên đạt cấp II quốc gia. Phấn đấu có vận động viên trong đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia, đạt 05 huy chương quốc tế.

Hình thức đào tạo: Tuyến vận động viên năng khiếu (Tuyến III): Sau khi được tuyển chọn, các vận động viên được đào tạo tập trung tập luyện, huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh và tham gia thi đấu theo Điều lệ từng giải; được hưởng 100% chế độ dinh dưỡng và các chế độ chính sách khác theo quy định hiện hành; học văn hoá theo chương trình phổ thông bình thường hoặc chương trình bổ túc văn hóa tại các trường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ; được quản lý theo quy chế, theo hợp đồng, được tham gia thi đấu theo hệ thống giải cấp tỉnh và giải các lứa tuổi trẻ toàn quốc. Tuyến vận động viên đội tuyển trẻ tỉnh (Tuyến II): Sau khi được tuyển chọn, các vận động viên được tập trung tập luyện, huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh và tham gia thi đấu theo Điều lệ từng giải hoặc tập huấn tại các cơ sở đào tạo ở trong nước; được hưởng 100% chế độ dinh dưỡng và các chế độ chính sách khác theo quy định hiện hành; học văn hoá theo chương trình phổ thông bình thường hoặc chương trình bổ túc văn hóa tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ; được quản lý theo quy chế, theo hợp đồng, được thi đấu theo hệ thống giải cấp tỉnh, các giải vô địch trẻ, vô địch quốc gia. Tham gia đội tuyển trẻ quốc gia được đầu tư đào tạo theo nguồn kinh phí của Trung ương, kết hợp với nguồn kinh phí của tỉnh theo quy định. Tuyến vận động viên đội tuyển tỉnh (Tuyến I): Sau khi được triệu tập tập trung tập luyện, huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh và tham gia thi đấu theo Điều lệ từng giải hoặc tập huấn tại các cơ sở đào tạo ở trong và ngoài nước; được hưởng 100% chế độ dinh dưỡng và các chế độ chính sách khác theo quy định hiện hành; được quản lý theo quy chế, theo hợp đồng và được hưởng các chế độ đãi ngộ theo quy định hiện hành. Tham gia đội tuyển quốc gia được đầu tư đào tạo theo nguồn kinh phí của Trung ương, kết hợp với nguồn kinh phí của tỉnh theo quy định, được thi đấu theo hệ thống giải cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế. Các vận động viên sau khi hết 18 tuổi được tiếp tục hợp đồng đào tạo theo quy định hiện hành.

Đề án xác định 10 nhóm giải pháp chính để thực hiện: Từng bước đổi mới công tác quản lý nhà nước và đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về thể dục thể thao nói chung và phát triển thể thao thành tích cao nói riêng. Nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chế đặc thù của tỉnh kịp thời để đãi ngộ xứng đáng các vận động viên, huấn luyện viên đạt được nhiều thành tích cao tại các giải thi đấu thể thao thành tích cao trong nước và quốc tế, cũng như chính sách khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thể thao thành tích cao. Chủ động tranh thủ sự giúp đỡ của các Liên đoàn thể thao Việt Nam, Viện khoa học Thể dục thể thao, Tổng cục Thể dục thể thao trong việc xây dựng và tuyển chọn vận động viên, gửi vận động viên tham gia tập luyện tại Trung tâm thể thao quốc gia nơi có điều kiện tốt về cơ sở vật chất và huấn luyện viên giàu kinh nghiệm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các vận động viên được miễn, giảm học phí, lao động, các khoản đóng góp khác, tham gia hoạt động tại các tổ chức đoàn thể của nhà trường như: Tổ chức Đoàn đội, hoặc bố trí học tập văn hóa tại các Trường phổ thông dân tộc nội trú, được hưởng chế độ hỗ trợ như học sinh dân tộc nội trú tại nơi học. Từng bước chuẩn hóa nguồn lực cán bộ chuyên môn đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ của công tác đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao. Xây dựng và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng huấn luyện viên hiện có, ưu tiên tuyển dụng huấn luyện viên được đào tạo đúng chuyên ngành ở các môn trong Đề án, cập nhật kiến thức mới áp dụng khoa học kỹ thuật vào chuyên môn để triển khai thực hiện công tác tuyển chọn, huấn luyện. Mời các chuyên gia, huấn luyện viên giỏi trong nước lên tư vấn về công tác tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo, thi đấu của vận động viên, tạo điều kiện cho các huấn luyện viên trong tỉnh học hỏi nâng cao trình độ trong công tác huấn luyện. Kiểm tra, đánh giá định kỳ trình độ tập luyện thể thao và kiểm tra sức khỏe của vận động viên. Quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất thể dục, thể thao hiện có; đồng thời tận dụng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình sân bãi, nhà tập, phòng tập luyện phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập luyện. Hàng năm, đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư đáp ứng yêu cầu công tác tuyển chọn, huấn luyện, thi đấu của vận động viên, huấn luyện viên. Phát triển mạnh mẽ phong trào luyện tập thể dục thể thao trong Nhân dân, trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang thông qua việc hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Hoàn thiện hệ thống tổ chức giải thi đấu thể dục thể thao hằng năm ở từng môn; Hội thi thể thao; Hội khỏe Phù Đổng các cấp; Đại hội thể dục thể thao các cấp. Tích cực tham gia các giải thể thao trong nước, quốc tế, trọng tâm là giải các nhóm tuổi, vô địch trẻ, vô địch quốc gia; mở rộng đăng cai tổ chức các giải thể thao lớn toàn quốc và khu vực tại địa phương để tạo động lực thúc đẩy. Không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, cải thiện giống nòi, góp phần phát triển phong trào, tạo nền móng cho công tác phát hiện, tuyển chọn vận động viên các đội tuyển của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao; nghiên cứu thí điểm chuyển giao một số hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực thể thao thành tích cao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ sở ngoài công lập thực hiện khi có điều kiện. Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế với các đơn vị công lập để khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình Thể dục thể thao của nhà nước; khuyến khích các tổ chức, cá nhân huy động các nguồn thu hợp pháp gây Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao.

Hy vọng rằng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp, giúp đỡ của Tổng cục Thể dục thể thao, các Liên đoàn thể thao quốc gia và các Sở ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh thì Thể thao thành tích cao của tỉnh Điện Biên sẽ gặt hái được nhiều thành tích trong tương lai, xứng đáng với địa danh lịch sử hào hùng của đất nước, dân tộc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.311.764
Online: 12