Dân tộc Hà Nhì là một trong 19 dân tộc sinh sống tại tỉnh Điện Biên, gồm 2 nhóm: Hà Nhì Chồ Cồ, Hà Nhì La Mí. Hiện nay người Hà Nhì ở tỉnh Điện Biên tập trung dọc theo các con suối và cạnh vành đai biên giới tại 21 bản thuộc 4 xã của huyện Mường Nhé là: Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải và Sín Thầu. Đây là những xã có điều kiện kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao và là vùng biên giới nên an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Tuy nhiên người Hà Nhì sinh sống tại đây vẫn lưu giữ được các nét văn hoá truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Nét văn hoá vô cùng đặc sắc của người Hà Nhì phải kể đến đó là nhà Trình tường. Các ngôi nhà được dựng ở nơi rộng rãi, có vị trí bằng phẳng. Hướng nhà tuỳ thuộc vào địa hình nơi dựng nhà, tuy nhiên người Hà Nhì thường chọn nơi có lưng tựa vào đồi núi, phía trước cửa thông thoáng, kiêng núi đá vôi hoặc cây to chặn trước cửa nhà vì theo quan niệm của người Hà Nhì trước cửa có núi đá vôi hoặc gốc cây to sẽ chặn đường làm ăn của gia chủ.

Ngôi nhà Trình tường tại xã Sen Thượng

Để dựng nhà, trước tiên chủ nhà phải làm lễ chọn thế đất, xin phép thổ địa, tổ tiên xem vị trí ở có tốt không, nghi lễ diễn ra như sau:

Chủ nhà đào một ít đất lên rồi lấy ba hạt gạo (tượng trưng cho con người, cây trồng và vật nuôi) dựng đứng ba hạt gạo trên đất vừa đào lên sau đó úp bát lên rồi khấn:

“Già no lò xé phú phì ngá mừn ngó, xò pe khá lu á mà, xò pe lú lu á mà, xò pe chè lu á mà, xò pe khá lu xò, pe pú lu chè lu ngó, xé phú thà pi lở ý mà lu ngó pi lở”

 Dịch

“Hôm nay tôi chọn được ngày tốt, giờ tốt để chọn đất làm nhà mới, cầu xin thần đất cho chúng tôi được khoẻ mạnh, chăn nuôi phát triển, mùa màng được tươi tốt cho thu hoạch năng suất cao, nếu thần đồng ý thì xin đừng để 03 hạt gạo đổ nhé...”

Các hạt gạo được để như vậy trong khoảng 30 phút và phải làm đủ ba lần. Nếu thấy một trong ba hạt gạo đổ thì mảnh đất đó không đẹp, không nên dựng nhà. Ngược lại nếu không có hạt gạo nào đổ thì đó là mảnh đất tốt, lành, có thể dựng nhà. Người Hà Nhì cho rằng đó là mảnh đất khi dựng nhà sẽ được các vị thần linh che chở, nhà sẽ không bị kiến, mối phá hoại, con người mạnh khoẻ, vật nuôi sinh sôi, cây trồng tốt tươi, mùa màng bội thu. Sau khi xin phép thổ địa và được tổ tiên ưng thuận họ tiến hành san đất tôn nền nhà, nền nhà cao hơn mặt đất 30 - 40cm, xung quanh kè đá. Sau đó họ dựng các cột kèo bằng gỗ, tre, tường nhà được chát bằng đất, đất dùng để làm tường phải là đất sét vàng trộn với đất do tổ mối đùn lên tạo được độ mịn và bền, sau đó nhào với nước để 03 ngày rồi mới lấy ra để làm tường nhà, mái nhà được làm bằng cỏ tranh, ngoài ra nhà người Hà Nhì còn làm một lớp trần nhà bằng tre sau đó chát bùn nhão lên, trần nhà dùng để làm kho chứa đồ, chống nóng và chống hoả hoạn khi mái nhà bị cháy. Mỗi ngôi nhà có chiều cao từ 4 - 5m và có diện tích từ 60 - 80m2, tường dày từ 30 - 40cm. Không gian sinh hoạt trong ngôi nhà bố trí buồng ngủ của bố mẹ (đây cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên của gia đình) và buồng ngủ của các con, khu vực tiếp khách. Bếp lửa được đặt ngay trong nhà, bếp vừa là nơi sưởi ấm, vừa là nơi nấu nướng, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt, tiếp khách của gia đình. Ngoài cùng là hành lang nơi phụ nữ ngồi dệt vải, thêu thùa, khâu vá.

Có thể thấy nhà Trình tường của người Hà Nhì là kiểu nhà độc đáo, mang đậm nét văn hoá dân tộc đồng thời rất phù hợp với vị trí địa lý tại các vùng núi cao biên giới khí hậu nắng gắt vào mùa hè và lạnh buốt vào mùa đông. Các ngôi nhà lưu truyền qua các thế hệ, thể hiện ý chí mạnh mẽ, khát vọng tự vươn lên từ đá sỏi của người dân nơi miền biên viễn nhiều gian khó.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.293.711
Online: 39