Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 mang đậm dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc chỉ đạo thay đổi chiến lược, chiến thuật để phát huy sức mạnh, đưa ra những quyết định sáng suốt, kịp thời làm thay đổi lịch sử. Vị tướng Tổng tư lệnh ấy, đã cùng toàn quân, toàn dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa dân tộc Việt Nam bước lên đài chiến thắng vinh quang.
Sau khi Thực dân Pháp cho xây dựng tại Điện Biên Phủ Tập đoàn cứ điểm “mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương” hòng “nhử quân chủ lực của Việt Minh vào tấn công rồi tiêu diệt”. Sau khi phân tích tình hình, Bộ Chính trị đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với Quân đội viễn chinh Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng ủy kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 05 tháng 01 năm 1954, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận mang theo quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đó là tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và phá tan kế hoạch Navarre.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi lên Điện Biên Phủ năm 1954
Ngày 12 tháng 01 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến hang Thẩm Púa - Sở chỉ huy đầu tiên của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập hội nghị phổ biến kế hoạch chiến đấu. Theo ý kiến của các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận cần tranh thủ khi quân Pháp đứng chân chưa vững, chưa kịp củng cố công sự trận địa vững chắc, thời gian tác chiến không kéo dài thì có thể đảm bảo được vấn đề hậu cần vì vậy nên “Đánh nhanh, thắng nhanh” có thể giành được thắng lợi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy với trình độ tác chiến và trang bị của bộ đội Việt Nam hiện nay chưa tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” được, nhưng chưa có cơ sở để bác bỏ phương án mà đa số các đồng chí đều đồng tình. Ngày 14 tháng 01 năm 1954, mệnh lệnh chiến đấu theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” được phổ biến trên sa bàn lớn tại hang Thẩm Púa. Trận đánh sẽ diễn ra trong ba đêm hai ngày, thời gian nổ súng dự kiến vào 17 giờ ngày 20 tháng 01 năm 1954. Trước khi kết thúc hội nghị Đại tướng nhấn mạnh: “Hiện nay địch chưa có triệu chứng thay đổi lớn. Chúng ta cần nắm vững tình hình địch để một khi địch có thay đổi thì kịp thời xử trí”. Rạng sáng ngày 18 tháng 01 năm 1954, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chuyển đến hang Huổi He, xã Nà Tấu.
Từ sau hội nghị tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn theo dõi tình hình trên chiến trường. Qua gần một tháng tình hình đã thay đổi: Về phía quân Pháp, quân số đã tăng lên 12.000 quân với những hệ thống công sự trận địa đã được củng cố vững chắc với các loại hỏa lực mạnh. Về phía Quân đội Việt Nam, do không lường hết được việc dùng sức người kéo pháo vào trận địa gặp nhiều khó khăn nên đến giờ dự định mở màn tấn công, pháo vẫn chưa tập kết đủ, đặc biệt trận địa Pháo lại “nằm phơi mình” trước trận địa pháo của quân Pháp nên nếu xảy ra phản pháo chắc chắn sẽ bị lộ và thất bại nên hoãn thời gian tấn công đến 17 giờ ngày 25 tháng 01 năm 1954. Đêm ngày 25/01/1954 là một đêm rất dài, Đại tướng không tài nào ngủ được, đầu đau nhức, đồng chí y tá phải buộc lên đầu Đại tướng một nắm ngải cứu. Những lời Bác dặn Đại tướng trước lúc lên đường luôn văng vẳng: “trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Vì vậy với tinh thần trách nhiệm của một người chỉ huy trước Bác và Bộ chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sáng ngày 26 tháng 01 năm 1954, trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không thay đổi, nhưng không thể thực hiện theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” mà chuyển sang phương án “đánh chắc, tiến chắc”.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ họp tại hang Thẩm Púa phổ biến phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh”
Quyết định thay đổi phương châm tác chiến lúc này có nghĩa là thay đổi lại tất cả: từ việc kéo pháo, làm đường, chuẩn bị về hậu cần và đặc biệt là sẽ tạo sự hụt hẫng về tinh thần, có thể gây giao động về tư tưởng của các chiến sĩ. Hơn ai hết, là người chỉ huy Đại tướng hiểu được những khó khăn đó sẽ xảy ra nhưng nếu quyết định “đánh nhanh, thắng nhanh” sẽ là quyết định sai lầm. Vì vậy thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định, đúng đắn, sáng suốt và cũng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngày 31 tháng 01 năm 1954, Bộ chỉ huy chiến dịch chuyển vào khu rừng Mường Phăng. Những ngôi lán lá nằm dấu mình dưới tán rừng nguyên sinh đại ngàn được đảm bảo an toàn, bí mật cho đến khi kết thúc chiến dịch.
Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định kế hoạch tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trải qua “56 ngày đêm bão lửa” với “gan không núng, chí không mòn” quân và dân Việt Nam đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào ngày 07/5/1954.
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp
Vinh quang Tổ Quốc chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Vinh quang Hồ Chí Minh - Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi”.
Từ sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần trở về thăm Điện Biên - nơi Đại tướng dành nhiều tình cảm sâu nặng với mảnh đất nơi đây. Năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Mường Phăng khi ấy người đã 94 tuổi. Đại tướng trở về trong vòng tay ấm áp của dân bản Mường Phăng. Đại tướng tâm sự: “giờ đây tôi tuổi cao, sức yếu, có lẽ đây là lần cuối cùng tôi trở về thăm bà con”. Đó là lần cuối cùng trở về của Đại tướng với mảnh đất Điện Biên. Giờ ngôi lán làm việc, căn hầm chỉ huy vẫn còn, cảnh vật không khác xưa là mấy nhưng Người thì đã mãi mãi ra đi.
“Ôi vẫn biết phút giây này sẽ đến
Mà làm sao tim vẫn nghẹn nên lời
Vị tướng tài bao triệu người quý mến
Trái tim Người ngừng đập Việt Nam ơi!”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng hình ảnh và chiến công của Người vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người con đất Việt và mãi trường tồn cùng non sông đất nước.