Trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, Mỹ đã sử dụng thuốc diệt cỏ để kiểm soát ngăn chặn quân giải phóng. Ngày 10/08/1961 là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, sử dụng chất độc da cam/dioxin, nhằm triệt hạ nguồn sống của thảm thực vật ở miền Nam Việt Nam.

Đến nay, cuộc chiến tranh hóa học Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử, hàng trăm nghìn nạn nhân đã bị chết và hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Chất độc da cam đã hủy diệt thiên nhiên, hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề (biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật bẩm sinh như: mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư...). Nạn nhân chất độc da cam không còn khả năng sản xuất, không có nguồn thu gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người và gia đình chịu ảnh hưởng của chất độc da cam.

Trước những hậu quả hết sức nặng nề của chất độc màu da cam, Đảng, Nhà nước ta xác định công cuộc khắc phục hậu quả do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là một vấn đề cấp bách, lâu dài, là trách nhiệm của tất cả các cấp ủy đảng chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Với tinh thần đoàn kết dân tộc Đảng và Nhà nước ta đã cho phép thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ngày 10/01/2004, Hội chính thức ra mắt và triển khai nhiều hoạt động phối hợp có hiệu quả như chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần xoa dịu nỗi đau với những gia đình có nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Trong những năm qua, các cấp, ngành và nhân dân cả nước đã tích cực quan tâm, tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin; đặc biệt là chăm sóc về sức khỏe. Hội Nạn nhân chất độc da cam đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với nạn nhân da cam; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động xã hội nêu cao tinh thần “Tương thân, tương ái”; tích cực vận động gây quỹ trợ giúp những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh; trao học bổng cho con cháu nạn nhân… qua đó tạo điểm tựa để các nạn nhân da cam ổn định cuộc sống. Để thể hiện trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ngành Y tế luôn thực hiện chế độ ưu tiên trong khám chữa bệnh đối với người có công, gia đình chính sách và nạn nhân chất độc da cam; hưởng ứng các phong trào giúp đỡ, chăm sóc;  vào các ngày lễ, tết thường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, hội chữ thập đỏ… thăm, tặng quà, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; qua đó, động viên tinh thần các nạn nhân và gia đình, giúp họ vượt qua nỗi đau bệnh tật và có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin là lương tâm, trách nhiệm của xã hội, là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Bằng sự hảo tâm và tấm lòng vàng của mình cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin để họ vơi bớt mặc cảm và những khó khăn trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.134.919
Online: 77