Lễ nhảy lửa hay còn gọi là tục nhảy lửa của người Dao (ngành Dao đỏ), gọi theo tiếng dân tộc Dao là Nhìang chàng đao. Lễ nhảy lửa được ra đời từ xa xưa, từ khi tộc người Dao xuất hiện. Người Dao quan niệm rằng Nhảy lửa không chỉ minh chứng cho sức mạnh, lòng dũng cảm của các chàng trai người Dao đỏ mà còn là hoạt động văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc hoang sơ, huyền bí. Trong lễ nhảy lửa ngoài nghi thức khấn thần linh, còn có các điệu múa trong lễ nhảy lửa. Tất cả các điệu múa trong lễ nhảy lửa rất độc đáo, mang tính hình tượng cao, các động tác múa được thực hiện uyển chuyển, khéo léo, linh hoạt của những người tham gia nghi thức múa.

Các điệu múa trong lễ nhảy lửa gồm có: “Tam nguyên an ham” hay còn gọi là múa “Ra binh vào tướng”, múa phát nương, múa bắt ba ba; múa gà, múa mẹt… Đây là những điệu múa thể hiện sức mạnh của tướng quân âm binh, biểu dương tinh thần thượng võ và tái hiện lại đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất thường ngày của đồng bào.

Khởi đầu là điệu múa phô diễn sức mạnh âm binh. Thầy phụ múa cùng tốp múa gồm 8 người đầu thắt khăn đỏ, tay nắm những hạt gạo được bọc trong túm vải, tất cả đều nhảy theo nhịp điệu trống, chiêng, chũm chọe, nhún chân bước về phía trước, tay tung những hạt gạo. Đồng bào quan niệm rằng hạt gạo tượng trưng cho quân âm binh và các vị thần thánh, thần lửa, do đó qua những động tác múa nhảy và tung những hạt gạo đó là để phô diễn âm binh về dự vui cùng lễ nhảy lửa. Đồng thời những hạt gạo đó còn thể hiện lương thực, của cải. Sau khi phô diễn âm binh là nghi thức tạ ơn các binh tướng, thần linh, tổ tiên. Thầy cúng vào bàn thờ gia tiên lấy bức tượng bằng gỗ tượng trưng cho tổ tiên cùng các đồ lễ khác, đưa cho mỗi người một đồ lễ và một mảnh vải, đồng thời thắp hương, thắp nến sáp ong lên bàn thờ. Sau đó các thành viên tham gia nhảy tiến hành nghi thức nhảy. Mỗi động tác nhảy gồm một lượt đi và một lượt về, từ động tác tay hướng về phía trước, đến động tác tay để trên cao và tay để trên đầu gối với những bước chân nhún nhảy, nhảy lò cò một chân. Cứ mỗi lần nhảy về mâm lễ, tay cầm thêm một mảnh giấy dó (tượng trưng vàng mã). Sau khi nhảy đủ các điệu nhảy, các thành viên nhảy về mâm lễ và hóa vàng mã biếu các vị thần linh. Thầy cúng thu lại các mảnh vải đã được phù phép may mắn buộc vào các đồ lễ để cất vào trong bàn thờ tổ tiên với quan niệm thu âm binh về nghỉ ngơi, đồng thời tốp nhảy hướng về mâm lễ vái lạy ba cái để tạ ơn các thần linh.   

 Múa Cờ, múa Gậy, múa Gà. Thầy cúng đưa cho tốp nhảy mỗi người một lá cờ, điệu nhảy được tiến hành theo vòng tròn xoay. Mỗi lần đi và quay chiều ngược lại là một động tác khác nhau. Từ điệu nhảy đưa tay và cờ lên cao, đến điệu nhảy đưa tay và cờ lên vai đến điệu nhảy lên đầu gối, tất cả đều theo nhịp chuông, trống, chọe với bước nhún nhảy từng bước một, những động tác khỏe mạnh, tung cờ, phất cờ, tượng trưng cho sức mạnh của các vị thần linh, mang tính chiến đấu, biểu dương tinh thần thượng võ. Khi nhảy đủ các điệu nhảy, người múa chính cầm một chiếc gậy (đây là chiếc gậy tượng trưng cho quyền lực, biểu tượng của sức mạnh) sẽ nhảy riêng với động tác mạnh mẽ, bật cao di chuyển lên xuống và cắm một đầu xuống đất tại khu vực trung tâm giữa sân, đến lượt tốp thanh niên nhảy cắm cờ xung quanh cột với quan niệm rằng các thần linh đã về tụ quân.

Múa cờ

Lúc này thầy cúng phụ, người dẫn đầu đội nhảy gieo quẻ âm dương, nếu cả hai mảnh gỗ đều ngửa nghĩa là các vị thần đã đồng ý về đông đủ, đồng thời qua quẻ âm dương thầy cúng biết được phải cần đến bao nhiêu bát, chén để phục vụ các vị thần, thông thường tối thiểu là 6 và tối đa là 12 bát, chén. Việc chuẩn bị bát, chén đặt cạnh xung quanh cột và cờ, tốp nam nhảy múa mỗi người đi lấy một con gà trống. Tất cả đi theo tiết tấu của trống phách, nhịp chiêng, chọe đi vòng quanh cột và cờ, tiến lên mâm lễ nhổ lông gà với quan niệm dâng biếu các thần linh, tổ tiên và quay ra ngoài sân tiếp tục nhổ lông gà dâng hiến đồ lễ cho các vị thần như; thần sông, thần suối, thần núi, thổ địa. Sau đó cũng như nhiều điệu nhảy trước, tay cầm gà nhảy quanh cột và cờ với các động tác vung gà trên cao, giấu gà sau lưng, để gà trên đầu gối với bước nhún nhảy lò cò một chân, ba vòng đi và 3 vòng ngược lại, sau điệu nhảy tất cả cầm gà tập trung nơi cắm cột để cắt tiết dâng lên các thần linh. Sau đó tay lại cầm gà nhảy với những điệu nhảy như lúc gà chưa cắt tiết. Đồng bào quan niệm làm như vậy là để xua đuổi ma tà, những điều không may mắn ra khỏi làng bản. Nhảy đủ 3 vòng lại quay về cột giữa, mặt hướng vào cột, tay ném  gà qua đầu ra phía sau. Nếu con gà của thành viên nào khi ném xong đầu hướng ra ngoài thì phải ném lại khi nào đầu hướng vào phía trong, đồng bào Dao quan niệm rằng khi đầu hướng về phía trong thì sự may mắn, những điều lành về với bà con dân bản. Sau đó tốp nhảy mỗi người cầm bát, chén có tiết dâng lên mâm lễ để mời thần linh chứng kiến cũng như quay ra phía ngoài đổ một ít để các vị thần cai quản bản làng chứng giám, đồng thời để xua đuổi tà ma, quỷ dữ, những điều xấu ra khỏi làng bản.

Múa Gà

Múa bắt Ba Ba. Điệu múa mô phỏng cảnh dân bản vây bắt Ba Ba yêu quái đã quấy nhiễu, phá hoại mùa màng, gieo rắc bệnh tật cho con người, gia súc, gia cầm,  phá hủy cuộc sống yên bình của bà con dân bản. Chuyện kể rằng: “Từ xa xưa, người Dao đỏ đang đoàn kết, sinh sống yên vui, mùa màng tươi tốt, trâu, bò, lợn, gà đầy đàn thì bỗng một ngày xuất hiện một con Ba Ba yêu quái đến khiến mọi người hoang mang, lo sợ. Họ bèn kêu cứu lên Bàn Vương thì được Bàn Vương báo mộng cho biết: Tất cả những tai họa người dân gặp phải đều do con Ba Ba yêu quái gây ra nên phải tìm bắt và giết ngay lập tức thì người dân mới được sống những ngày tháng yên bình. Sau khi được báo mộng, người Dao đỏ họp bàn nhau lại và thống nhất những người đàn ông, nam thanh niên đều phải đi tìm bắt bằng được con Ba Ba yêu quái. Để trừ họa cho dân bản, những người đàn ông khỏe mạnh phải chung sức, đồng lòng đánh đuổi Ba Ba yêu quái, từ đó trò đánh đuổi Ba Ba đã được diễn xướng thành điệu múa bắt Ba Ba”.

Khi múa người ta để một chiếc ghế hoặc một chiếc bàn nhỏ ở giữa làm tâm và là nơi Ba Ba trú ẩn, sau đó một tốp nam giới từ 6 đến 7 người do ông thầy phụ múa dẫn đầu, trên tay mỗi người cầm một loại nhạc cụ gồm: Trống, Chúm chọe, Chuông, chiêng…họ đi theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ vừa đi vừa lấy chân trái làm trụ để nhún theo tiếng nhạc, đồng thời sau khi múa 3 vòng đầu thì cứ sau 1/4 vòng lại quay tiếp một vòng tròn. Trong quá trình thực hiện điệu múa, cứ sau mỗi vòng xoay nhỏ thì cả tốp múa lại cúi xuống vừa chụm đầu vừa ngó xuống phía dưới chiếc bàn, vừa gõ dồn dập các nhạc cụ trên tay rồi đồng thanh hú to. Ở vòng quay cuối cùng thì những người múa dùng dùi trống, phách, chuông nhạc hoặc dùng tay vừa chọc vừa khua xuống phía dưới chiếc bàn, sau đó lại quay vòng tròn và thể hiện động tác đã bắt được Ba Ba đeo ba ba trên lưng, xẻ thịt và chế biến… Trong quá trình múa, bằng những động tác quay vòng, nhún chân và sử dụng khả năng biểu cảm trên khuôn mặt trên nền nhạc rộn ràng của các nhạc cụ, tạo nên không khí vui nhộn, hấp dẫn. Đặc biệt là những động tác vểnh tai nghe ngóng, tìm Ba Ba, rồi giả bộ ngã thể hiện con Ba Ba quá to cùng sự nhịp nhàng ăn khớp của các loại nhạc cụ gây thích thú cho người xem.

Múa bắt Ba Ba vừa mang đậm bản sắc văn hóa của người Dao, lại vừa thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, điệu nhảy. Múa bắt Ba Ba có sức lôi cuốn kỳ diệu tạo nên men say là bởi bản chất nó là một bài nhảy có kết cấu chặt chẽ, được thực hiện tuần tự như một câu chuyện kể. Tất cả các động tác dù đã được cách điệu hóa nhưng thực chất là mô phỏng các động tác trong quá trình lao động sản xuất hàng ngày của người dân nên họ dễ dàng hòa chung vào điệu múa.

Múa Mẹt

Múa Mẹt. Là điệu múa thể hiện sự ban thưởng lễ vật của các thần linh, ngoài ra cũng là tượng trưng cho thành quả lao động sản xuất. Người cầm mẹt nhảy với chiếc mẹt để trên cao lên đầu, bên trong mẹt có gạo. Sau động tác múa nhảy rồi đặt mẹt xuống sân, các thành viên nhảy múa xung quanh vài vòng và cùng lao vào mẹt, đây là hành động thể hiện các thần linh đã được ban thưởng đồ lễ. Sau đó thầy cúng phụ "Khoi tàn" cầm mẹt lên nhảy múa và tung mẹt ra phía sau, nếu ném ra phía sau mà mẹt chưa úp xuống thì phải tung ném lại khi nào chiếc mẹt úp xuống mặt đất, theo quan niệm đồng bào, mẹt sẽ úp lại hồn vía nông sản, vật nuôi, ở lại cho dân bản để sinh sôi phát triển, mùa vụ mới sẽ bội thu, cuộc sống no đủ hơn.

Tất cả các điệu múa trong tết nhảy rất độc đáo, mang tính hình tượng cao. Động tác múa được thực hiện chính xác, liên tục, khéo léo, tinh tế và độc đáo. Người xem không chỉ nhận thấy sự thay đổi giữa các điệu múa mà có cảm giác như đang xem một tổ hợp các điệu múa cổ truyền vừa kỳ ảo vừa tưng bừng của tộc người Dao. Các điệu múa có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trong đời sống và niềm tin vào thế giới siêu nhiên. Những điệu múa trong lễ nhảy lửa hướng đến những điều tốt lành và cầu mong hạnh phúc.

Những điệu múa trong lễ nhảy lửa của người Dao Đỏ ở Điện Biên là một nét văn hóa giàu bản sắc, ẩn chứa nhiều giá trị thẩm mỹ và nhân văn. Do đó các điệu múa trong lễ Nhảy lửa của người Dao cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.162.139
Online: 35