Dân tộc Khơ Mú tại tỉnh Điện Biên sở hữu một số loại nhạc cụ dân gian khá phong phú, độc đáo, nổi bật là bộ nhạc khí truyền thống như: sáo mồ côi (Pi con rốc), sáo ngang (Pi tót vang, Pi tót liếc), sáo hưn (Pi hưn), sáo bầu (Pi gốc), sáo khúc 3 lỗ (Pi sam roi)...

Dân tộc Khơ Mú có tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái các vị thần linh và thờ cúng tổ tiên. Các nghi thức văn hóa dân gian và cuộc sống của họ thường gắn liền với thiên nhiên, xuôi theo tự nhiên để tồn tại, khai thác tự nhiên để phát triển. Các hoạt động lao động, sản xuất phần lớn gắn liền với thiên nhiên là chủ yếu, chính vì vậy nghề thủ công rất phát triển, trong đó có nghề chế tạo nhạc cụ truyền thống được đồng bào Khơ Mú duy trì. Tuy nhiên, do quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc sống lân cận, việc chế tạo nhạc cụ truyền thống của dân tộc Khơ Mú đang dần bị mai một và thất truyền. Ông Quàng Văn Mứn tại bản Ten, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên là một trong số những người còn giữ nghề chế tác nhạc cụ của người Khơ Mú.

Ông Quàng Văn Mứn nghệ nhân chế tác nhạc cụ của người Khơ Mú

Ông Quàng Văn Mứn, một người con của mảnh đất Điện Biên, sống giữa núi rừng đại ngàn, ngay từ khi còn nhỏ ông đã có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc và các loại nhạc cụ dân tộc. Lúc đầu chỉ là nghe ông nội thổi sáo rồi dần dần xin ông học thổi, sau này ông tự chế tác các loại nhạc cụ của người Khơ Mú như: Sáo mồ côi (Pi con rốc), sáo ngang (Pi tót vang, Pi tót liếc), sáo bầu (Pi gốc), sáo khúc 3 lỗ (Pi sam roi), sáo hưn (Pi hưn).

Với các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như tre, trúc, nứa...Ông Mứn đã khéo léo làm nên những nhạc cụ đặc trưng của đồng bào dân tộc Khơ Mú, điều khác biệt so với một số nghệ nhân dân tộc khác là ông đã vận dụng thực tế và biết sáng tạo trong chế tác nhạc cụ như thổi tiếng sáo vào trong vỏ quả bầu già nhằm khuếch đại âm thanh và làm âm thanh được ấm hơn, hoặc chế tác sáo thành các đoạn nhỏ rồi lắp ghép thành cây sáo hoàn chỉnh nhằm mục đích tránh dập vỡ, dễ vận chuyển khi tháo rời...

Các loại Sáo

Sáo Hưn (hay còn gọi là sáo ống): Được làm từ 15 ống nứa có độ dài, ngắn khác nhau xếp thành 3 hàng, mỗi hàng 5 ống theo độ dài từ thấp đến cao. Mỗi ống cho một âm độ khác nhau khi thổi đặt miệng ống ngang môi thổi, tay di chuyển sáo theo chiều ngang để tạo giai điệu.

Sáo khúc 3 lỗ (Pi sam roi): Là một loại nhạc cụ vô cùng độc đáo, Sáo khúc được ghép bởi 6 khúc nứa hoặc trúc từ nhỏ đến lớn với nhau tạo thành một cây sáo dọc dài. Sáo có thể tháo dời thành ba đoạn để dễ vận chuyển, tránh va chạm, hỏng dập ống sáo, khúc số 1 nhỏ nhất có 1 lỗ thổi ở cạnh ống và một đầu bịt kín bởi đốt của ống nứa, trên khúc thứ 5 có 3 lỗ để điều chỉnh âm thanh.

Sáo bầu (Pi gốc): Đây là một loại sáo được kết hợp giữa một cây sáo nhỏ và một vỏ quả bầu già. Sáo được làm từ cây trúc nhỏ có 1 lỗ thổi và 4 lỗ để điều chỉnh âm thanh. Bầu được làm từ vỏ quả bầu khô bỏ ruột, trên miệng có 3 lỗ để luồn dây đeo. Khi thổi sáo một đầu hướng vào quả bầu có tác dụng khuếch tán âm thanh.

Sáo mồ côi (Pi con rốc): Được làm từ ống nứa nhỏ, một đầu có 1 lỗ thổi chứa lưỡi gà làm bằng kim loại, trên thân sáo có 6 lỗ để điều chỉnh âm thanh. Theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú thì loại nhạc cụ này chỉ thổi khi bố, mẹ mất.

Sáo ngang (Pi tót vang, Pi tót liếc): Gồm 2 lỗ: 1 lỗ thổi và 1 lỗ điều tiết âm thanh khi thổi. Ở 2 đầu của sáo được bịt kín bằng các mấu của cây nứa. Người thổi sáo phải biết cách lấy hơi, giữ nhịp, dùng hơi từ mũi thổi vào lỗ sáo để tạo âm thanh  và tiết tấu.

Đây là bộ nhạc cụ thổi hơi hay còn gọi là nhạc khí truyền thống của người Khơ Mú, khi thổi cho ra các âm điệu, âm hưởng khác nhau và đặc biệt có ý nghĩa khác nhau trong từng hoàn cảnh khác nhau. Tiếng sáo là tiếng lòng của người Khơ Mú nói lên tình yêu gia đình, lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Khi đến tuổi trưởng thành, những chàng trai, cô gái Khơ Mú còn dùng tiếng sáo để nói lên tâm tư tình cảm và ngỏ ý tìm bạn đời. Nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của bộ nhạc cụ độc đáo và riêng có của dân tộc mình, ngày 16 tháng 6 năm 2021, ông Quàng Văn Mứn đã hiến tặng bộ nhạc khí trên cho Bảo tàng tỉnh. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các hiện vật hiến tặng đồng thời bảo quản và phát huy giá trị của bộ nhạc cụ này.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.274.496
Online: 139