Trong những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây trở thành địa chỉ đỏ cho biểu tượng của sự kế thừa, phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đồng thời xác định đây là sản phẩm du lịch chủ đạo của Điện Biên hướng tới mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là một trong mười di tích cấp Quốc gia đặc biệt quan trọng được xếp hạng đầu tiên trong cả nước năm 2009 với 45 điểm di tích thành phần; di tích nằm trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Nơi đây đã trở thành tượng đài của sự kế thừa, phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất của dân tộc ta; là nơi khắc ghi cống hiến, hy sinh của các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ; đồng thời thể hiện tình đoàn kết chiến đấu thuỷ chung, son sắt của quân và dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và mối quan hệ hữu nghị với các nước Xã hội chủ nghĩa .
Di tích Đồi A 1 thuộc Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ
Gần 70 năm trôi qua, Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đã trở thành di sản tinh thần quý báu, là điểm nhấn đặc biệt quan trọng, là địa chỉ đỏ mà mỗi người dân Việt Nam và đông đảo khách du lịch quốc tế mong muốn được đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu khi đến với Điện Biên. Để từ đó, mỗi du khách, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lại khơi dậy niềm tự hào dân tộc, kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang, tưởng nhớ bao đồng chí, đồng đội và đồng bào đã không tiếc máu xương và tuổi trẻ, hy sinh to lớn để lập nên chiến thắng lẫy lừng, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Xác định giá trị, ý nghĩa và vai trò quan trọng của di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, trong những năm qua công tác bảo tồn, tôn tạo di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đã được Đảng, Chính phủ mà trực tiếp là tỉnh Điện Biên nỗ lực, tích cực thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát huy giá trị di tích, đồng thời quan tâm triển khai các dự án đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị di tích đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - Công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Công tác trùng tu, bảo tồn, tôn tạo di tích: đã thực hiện đầu tư tôn tạo, vĩnh cửu hóa tại 9 điểm di tích thành phần, cụ thể là: Bảo tồn một số điểm di tích và chứng tích về trận địa của quân đội ta gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng; Đường Kéo pháo bằng tay; Trận địa pháo 105mm của Đại đội 806, Tiểu đoàn 954, Trung đoàn 45 và Trận địa pháo H6 của Tiểu đoàn 224, Trung đoàn 675, thuộc Đại đoàn 351 tại xã Thanh Minh; Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng, hệ thống bia, biển chỉ dẫn. Bảo tồn phần lớn các dấu tích trên một số điểm di tích thuộc trận địa phòng ngự của quân Pháp gồm: Đồi A1, Hầm Decaxtori , Đồi Him Lam; Đồi D.
Ngoài ra đã thực hiện một số dự án là các công trình văn hóa và tôn vinh tưởng niệm như: Đầu tư xây dựng Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ; nâng cấp, tu sửa thường xuyên các nghĩa trang liệt sỹ tại thành phố Điện Biên và huyện Điện Biên; xây dựng Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; bức phù điêu đại cảnh dưới chân đồi D, tái hiện các sự kiện, diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ. Xây dựng cụmTượng đài Kéo pháo; cụm tượng Mừng công tại Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng và các hạng mục phụ trợ. Đầu tư xây dựng Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ.
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Nơi tái hiện sinh động cuộc kháng chiến chống Thực dân pháp của quân và dân ta
Nhân kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng phục vụ khách tham quan Công trình Nhà Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ giai đoạn II, với nhiều hạng mục quan trọng: Nhà Trưng bày các tài liệu, hiện vật, sân đường nội bộ và các công trình phụ trợ khác với gần 1.000 hiện vật gốc, một số tài liệu, ảnh, đã tái hiện một cách sinh động, rõ nét cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của quân và dân ta. Đặc biệt là bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m với tổng diện tích là 3.225m², là tác phẩm nghệ thuật độc đáo của nhiều lĩnh vực: hội họa, âm nhạc, lịch sử, điêu khắc... mang tầm cỡ thế giới đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị khánh thành đưa vào phục vụ khách tham quan.
Bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ
Song song với việc quan tâm đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo, quản lý di tích, tỉnh Điện Biên đã tập trung khai thác, phát huy giá trị của Di tích góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội tỉnh Điện Biên phát triển. Hiện nay, có 06/45 điểm di tích thành phần (Hầm De Castries, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, đường kéo pháo bằng tay, Đồi D1, đồi A1, bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng) tổ chức bán vé, đón tiếp và phục vụ khách tham quan, là những điểm đến không thể thiếu trong mỗi hành trình về nguồn tham quan mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng. Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường nâng cao chất lượng các hoạt động trưng bày, triển lãm, thuyết minh,…tại Bảo tàng và các điểm di tích, thực hiện tốt công tác bảo quản, trưng bày hiện vật lịch sử liên quan đến chiến dịch; quan tâm nâng cao chất lượng các bài thuyết minh di tích và kỹ năng phục vụ cho đội ngũ viên chức làm công tác thuyết minh, hướng dẫn.
Tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trực quan, trải nghiệm phù hợp, với hình thức và nội dung phong phú tại các điểm di tích như “Chúng em làm chiến sĩ” cho học sinh, sinh viên; tổ chức cho tân binh tham quan, học tập trực quan; phối hợp lực lượng quân đội giới thiệu các chiến thuật trong lĩnh vực quân sự và truyền thống quốc phòng, giúp cho lực lượng quân đội vừa được tăng cường kiến thức về lịch sử vừa được bổ trợ về mặt chuyên môn. Tổ chức các hoạt động kết nạp đoàn, đảng tại các điểm di tích...
Chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ”
Qua đó, đã tôn vinh ý nghĩa, giá trị và ảnh hưởng mang tầm quốc tế của chiến thắng Điện Biên Phủ; giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân đất Việt; thiết thực tri ân vong linh các anh hùng liệt sỹ. Tạo ra sản phẩm du lịch mang đậm đặc trưng lịch sử và văn hóa vùng Tây Bắc.
Tuy nhiên, do di tích Chiến trường Điện Biên Phủ chưa có quy hoạch tổng thể, nhiều điểm di tích chưa được cắm mốc, định vị, một số điểm di tích có các hộ dân sinh sống trong vùng bảo vệ chưa được đền bù giải phóng mặt bằng,...dẫn đến những khó khăn, thách thức lớn đối cho công tác quản lý; đồng thời sự hạn chế về nguồn lực nên công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa xứng với ý nghĩa và tầm quan trọng; phần lớn môi trường, cảnh quan khu di tích chưa được khôi phục; chưa thể hiện được bối cảnh chiến trường, thiếu các vị trí tập kết lực lượng tấn công, các vị trí hỏa lực (trọng pháo, pháo cao xạ,... phía Đông và Đông Nam), các khu vực đảm bảo hậu cần, cứu thương,... của quân đội và nhân dân ta; chưa thể hiện được quy mô, sự hiệp đồng tác chiến của các quân, binh chủng của Quân đội ta; một số điểm di tích đã được đầu tư tôn tạo nhiều lần song cũng chưa được hoàn chỉnh; vì vậy không thể hiện rõ nét toàn cảnh chiến trường, không thấy rõ những diễn biến các cuộc giao chiến khốc liệt đã diễn ra tại các vị trí then chốt, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của cựu chiến binh, khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước khi trở lại thăm chiến trường xưa.
Thấy rõ những bất cập đó cũng như xác định sự cấp thiết việc bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ tương xứng với tầm vóc vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, phục vụ nghiên cứu khoa học quân sự, tạo nên sự khác biệt, đặc trưng về sản phẩm du lịch, Điện Biên xác định trong thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ như sau:
1. Hoạt động bảo tồn, tôn tạo Di tích: Tổ chức lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các điểm Di tích; đẩy nhanh tiếp độ đo đạc, phân vùng, cắm mốc, giải tỏa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số di tích thành phần nhằm xác định phạm vi cần bảo vệ, tránh nguy cơ bị xâm lấn; giải phóng các công trình, hộ dân sinh sống trong khu vực bảo vệ di tích; Tiếp tục thực hiện công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật nhằm bổ sung các luận cứ phục vụ công tác trùng tu, phục dựng Di tích và nhằm minh họa rõ nét về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Bảo tồn giai đoạn II đối với Di tích Đồi A1 và Trung tâm đề kháng Him Lam (phục dựng các trận địa, hầm hào, một số hạng mục tôn vinh chiến thắng,...), nhằm tái hiện chân thực cảnh quan của cứ điểm trọng yếu này, để du khách có được sự cảm nhận chân thực về trận đánh quyết liệt có tính quyết định tới cục diện cuộc chiến.
2. Hoạt động phát huy giá trị Di tích: Tiếp tục mở rộng không gian Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thực hiện Dự án trưng bày ngoài trời đầu tư nâng cấp trưng bày và phòng chiếu phim tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Đầu tư xây dựng một số công trình phụ trợ (hệ thống vệ sinh, chiếu sáng, tạo cảnh quan,...nhằm giảm bớt sự khô cứng của di tích chiến trường); Tổ chức triển lãm; sản xuất các ấn phẩm, tài liệu phục vụ tuyên truyền, quảng bá; Tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ thuyết minh viên...
Với sự chủ động, tích cực của chính quyền các cấp cũng như sự đồng thuận của người dân, trong thời gian tới, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích sẽ có nhiều bước tiến, kết quả khởi sắc. Tiếp tục góp phần từng bước đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm về du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng của khu vực Trung du miền núi phía Bắc, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.