Một ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi có dịp cùng đoàn khách tới từ Bắc Giang ghé thăm bản văn hóa du lịch Phiêng Lơi. Dù đã lên đây không ít nhưng lần này, chúng tôi đã được chứng kiến một Phiêng Lơi rất khác so với những chuyến ghé thăm trước đây…

Một điểm du lịch mới dần hình thành ở bản Phiêng Lơi.

Một Phiêng Lơi khác

Bản văn hóa du lịch Phiêng Lơi thuộc địa phận xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ, cách trung tâm thành phố khoảng 5km về phía Bắc, nằm cạnh quốc lộ 279 - tuyến giao thông huyết mạch từ Điện Biên đi các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, thủ đô Hà Nội. Được biết, Phiêng Lơi hình thành từ rất sớm, từ năm 1969, diện tích tự nhiên gần 114ha với 100% dân cư là dân tộc ngành Thái đen. Người dân sinh sống chủ yếu từ canh tác nông nghiệp (trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi...) và đan lát, thêu tay thủ công truyền thống. Với lợi thế địa hình khá bằng phẳng, nằm quanh 2 bên bờ sông Nậm Rốm hiền hòa, những ngôi nhà sàn tựa lưng vào núi, hướng mặt ra bờ sông, con suối và những cánh đồng khiến cho ta liên tưởng đến bức tranh thủy mặc vẽ cảnh cuộc sống yên bình giữa trùng điệp núi rừng. Dù cho xã hội phát triển, nơi đây vẫn là điểm hội tụ những nét văn hóa độc đáo, truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc. Đây cũng là một trong số những bản tiêu biểu làm du lịch cộng đồng của tỉnh được du khách thập phương dành tặng nhiều tình cảm đặc biệt…

Vì có hẹn từ trước, Trưởng bản Phiêng Lơi Lường Văn Muôn đã đợi sẵn chúng tôi tại Nhà văn hóa bản. Sau cái bắt tay nồng hậu, trưởng bản 8X dẫn đoàn đi tham quan những công trình mới mà ngay “trai bản” như chúng tôi cũng chưa từng thấy. Ngay trước mắt là cây cầu bằng sắt chắc chắn, kiên cố thay cho cây cầu dây văng từng khiến khách du lịch nhiều phen… chếnh choáng dù không say rượu. Hai bên đầu cầu đều được trang trí bởi những luống hoa đủ màu sắc rực rỡ. Dưới dòng Nậm Rốm xanh trong, bản làm những cọn nước nhỏ, bắc chiếc cầu tre xinh xinh cho khách thoải mái “check - in”. Ven suối là những lán tre, lợp mái gianh mà theo anh Muôn chia sẻ là để cho khách du lịch nghỉ ngơi hoặc có thể dùng bữa ngay tại đó. Hôm nay lại vào dịp cuối tuần, đoàn viên thanh niên của bản đang ra quân tổng vệ sinh nên cảnh quan càng thêm sạch sẽ… Mê mẩn trước vẻ đẹp nơi đây, chị em trong đoàn lập tức muốn lưu lại những bức ảnh đẹp với bộ váy cóm truyền thống. Tiện thể muốn nhờ luôn anh Muôn bố trí giúp 2 mâm cơm để trải nghiệm nét đặc trưng của ẩm thực dân tộc Thái tại đây. Chưa đầy 30 phút sau các yêu cầu của đoàn đã được đáp ứng. Không chỉ mượn giúp trang phục, anh trưởng bản còn nhờ vợ mình ra giúp chị em trong đoàn mặc váy áo cho đúng cách… Sự nhiệt tình, mến khách đó khiến cho chúng tôi có thêm những ấn tượng tốt về phong cách làm du lịch đang dần chuyên nghiệp lên của người dân nơi đây.

Mặt trời lên quá đỉnh đầu. Khách chụp ảnh thấm mệt cũng là lúc những mâm cơm nghi ngút khói được bày ra. Bữa trưa hôm nay có hầu hết các món đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc: Gà nướng, Pa Pỉnh Tộp, lạp chín, thịt gói lá nướng, thịt trâu nướng, canh chua lá vón vén… Và tất nhiên không thể thiếu loại rượu do chính gia chủ chưng cất dành để tiếp những đoàn khách quý đến nhà. Khi men rượu ngà ngà, khoảng cách chủ - khách đã dần xích lại, anh Lường Văn Muôn nhiệt tình chia sẻ: “Trước đây mình cũng từng có thời gian phối hợp với các anh, chị trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai các hoạt động du lịch tại bản. Trong thời gian đó, mình có may mắn được đi nhiều nơi, tham quan nhiều địa điểm du lịch cộng đồng trong cả nước. Với những trải nghiệm như thế, khi về mình luôn muốn làm gì đó thúc đẩy du lịch tại đây phát triển hơn nữa, để đời sống người dân ngày càng nâng lên. Như hiện nay, bản có 68 hộ, 290 nhân khẩu thì trong đó có 5 - 6 hộ đang làm dịch vụ du lịch, đón tiếp khách tại nhà. Hầu hết mới chỉ làm mang tính cá thể nhưng khi đông khách thì vẫn có thể tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau…”.

Phụ nữ bản Phiêng Lơi khéo léo chuẩn bị các món ăn đặc trưng để tiếp đón du khách.

Du lịch hướng tới chuyên nghiệp

Nếu muốn tìm hiểu về văn hóa của người Thái của Điện Biên thì bản văn hóa Phiêng Lơi chắc chắn là lựa chọn không thể bỏ qua. Bởi cùng với cảnh quan thiên nhiên vô cùng tuyệt vời và sự mộc mạc, chất phác của bà con nơi đây, Phiêng Lơi còn bảo tồn những loại trang phục truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trò chơi dân gian; ẩm thực và nghề dệt truyền thống của người Thái… tạo nên tập quán sinh hoạt đặc trưng. Với những lợi thế đó, từ 1 - 2 hộ ban đầu, nhiều người dân nơi đây cũng đã đầu tư làm du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hơn…

Nằm ngay đầu bản Phiêng Lơi, cách cầu sắt mới dựng không xa có một điểm du lịch mới đang dần thành hình. Những ngôi lán đang thành hình mang dáng vẻ nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái. Dưới lòng suối những cọn nước, cầu tre… được dựng lên, tạo thêm điểm nhấn cho cảnh vật thêm phần thi vị. Tò mò về sự mới lạ này, chúng tôi mạn phép được vào tham quan, chụp ảnh. Đại diện gia chủ - anh Lù Văn Hùng niềm nở chào đón chúng tôi như những người bạn lâu năm. Thậm chí anh Hùng còn nhiệt tình khuyến nghị: “Các bạn phải lên đây vào buổi chiều, mình bật hết điện lên thì chụp ảnh mới lung linh. Bây giờ vẫn đang hoàn thiện nên còn bề bộn lắm…”. Quả đúng như lời gia chủ, công trình có diện tích khoảng 2.000m2 đã bắt đầu thành hình, những lối đi xung quanh, đường dẫn ven suối đều được bê tông hóa nhưng đâu đó vẫn còn ngổn ngang tre nứa, sắt thép, xi măng… Có lẽ phải cần thêm chút thời gian nữa để hoàn thiện đúng nghĩa một điểm vui chơi, tham quan cho du khách khi đến nơi này.

Thấy chúng tôi hào hứng tìm hiểu, đại diện gia chủ - anh Lù Văn Hùng cũng bộc bạch chân tình: Thật ra ý tưởng xây dựng điểm du lịch này có từ rất lâu rồi. Nhưng ngặt vì thiếu vốn mà gia đình tôi chưa dám thực hiện. Đến nay, sau một thời gian tích góp, cũng có chút vốn nên hai anh em “cọc chèo” và cậu em vợ mới bàn nhau chung tay dựng nên khu này. Làm du lịch, dịch vụ bây giờ mang về nguồn thu nhập ổn định hơn so với làm ngoài nhiều nên anh em mình cũng yên tâm đầu tư. Mà qua theo dõi, lượng khách du lịch đến Điện Biên giờ đang đông dần lên. Mình thì làm theo truyền thống thôi, cố gắng gìn giữ và phát huy được các nét văn hóa để biến chúng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Dự tính là phải đến dịp nghỉ lễ 30/4  - 1/5 tới mới khai trương nhưng khách giờ đã biết đến rồi. Ngay như hôm qua thôi, có đoàn khách tới thăm bản đặt 12 mâm cơm, bố trí ngay tại nhà sàn lớn bên kia…”.

Đang định tiếp lời thì anh Hùng phải dừng lại vì tiếng máy cắt sắt lanh lảnh vang lên cách đó không xa. Chờ tiếng máy tắt hẳn, anh Hùng mới phân trần: “Mấy cái thùng đó cắt ra, hàn thêm chân làm bếp nướng ngoài trời cho khách. Nhiều lần khách cứ hỏi mà không có. Bếp này được cái tiện, vừa giữ được nhiệt mà vừa bảo vệ được môi trường, mình thu dọn cũng nhanh nữa… Mà mấy anh, mấy chú đang làm không phải người ngoài đâu, toàn người nhà mình cả đấy. Một thời gian nữa đi vào hoạt động, mình cũng mong khách đông để tạo thêm được việc làm cho người nhà mình đã, sau đó là những người trong bản nếu họ có nhu cầu…”.

Câu chuyện của chúng tôi với anh Hùng lại một lần nữa bị gián đoạn khi có người gọi anh ra kiểm tra một số vị trí đang thi công. Chúng tôi biết cũng đã đến lúc phải rời đi nhường lại quãng thời gian quý báu này để gia chủ dồn toàn sức gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng cho ngày khai trương sắp tới. Với tất cả những điều được trải nghiệm, chứng kiến hôm nay, chúng tôi không khỏi vui mừng cho người dân nơi đây. Một Phiêng Lơi rất khác, làm du lịch từng bước chuyên nghiệp, bài bản hơn, hấp dẫn hơn trong khi vẫn giữ được hành trang mà cha ông trang bị là bản sắc văn hóa truyền thống. Có lẽ, chúng tôi sẽ phải trở lại nơi này nhiều lần nữa, để lại được hòa mình vào cảnh sắc, đắm say men rượu bên dòng Nậm Rốm xanh trong…

Diệp Chi
 

Theo Báo Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.319.576
Online: 64