Khơ Mú là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời trên mảnh đất Điện Biên. Họ cư trú theo từng bản và có văn hóa truyền thống phong phú, giàu bản sắc. Dân tộc Khơ Mú với khoảng hơn 22 ngàn người, chiếm 3,3% dân số toàn tỉnh, cư trú chủ yếu trên các triền núi cao hoặc vùng lưng chừng núi thuộc các huyện: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ ... Cuộc sống của người Khơ Mú gắn bó mật thiết với thiên nhiên: rừng, núi, sông, suối. Người Khơ Mú đã sáng tạo nhiều giá trị văn hoá khác nhau, đặc biệt trang phục truyền thống là một trong những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Khơ Mú.

Từ xa xưa người Khơ Mú đã biết trồng bông, dệt vải để tự làm ra vải mặc. Phụ nữ Khơ Mú là những người tạo ra những bộ trang phục thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lối sống của dân tộc mình; hoa văn thêu dệt trên trang phục với nhiều màu sắc được kết hợp tinh tế thể hiện mối quan hệ bền chặt của con người với thiên nhiên. Những bộ trang phục đa sắc màu thể hiện sự cần cù, sáng tạo và tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ của phụ nữ Khơ Mú.

Tô điểm thêm cho bộ trang phục của người Khơ Mú, chúng ta không thể không nhắc tới đồ trang sức như: Vòng tay, hoa tai, vòng cổ, trâm cài tóc, xà tích... chủ yếu được làm bằng bạc (có thể đeo nhiều vòng cùng lúc). Chiếc trâm cài tóc của người Khơ Mú là một trong những hiện vật đang được lưu giữ tại kho Bảo tàng tỉnh Điện Biên.

Trâm được đánh bằng bạc. Thân là một thanh bạc vuông, một đầu nhọn. Trâm to hay nhỏ tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình. Đầu to của trâm đính vào đồng bạc loại 50 cent, dùng đầu nhỏ vuốt nhọn để gim qua búi tóc khi “tằng cẩu” để tóc không bị tuột. Sau đó, chị em mới quấn khăn quanh đầu, ôm lấy búi tóc ngược, còn đầu kia giấu kín vào vành khăn.

Việc dùng trâm cài tóc giúp tóc trở nên gọn gàng, nhờ đó phụ nữ Khơ Mú lao động được thuận tiện hơn. Theo quan niệm dân gian, trâm cài tóc bằng bạc cùng những đồ trang sức bằng bạc khác còn trừ được một số loại bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu. Trâm cài màu trắng bạc trên nền tóc đen nhánh như một nét chấm phá tạo nên giá trị thẩm mỹ riêng biệt của người phụ nữ Khơ Mú. Ngoài ra thân trâm còn được sử dụng như một thứ vũ khí lợi hại trong những trường hợp mà người phụ nữ cần tự vệ. Trang phục truyền thống kết hợp với bộ trang sức của mỗi dân tộc mang một vẻ đẹp riêng. Chỉ cần nhìn vào trang phục, người ta có thể nhận biết được các dân tộc. Đó là một trong những cách để khẳng định vẻ đẹp và bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc.

Những năm qua, Bảo tàng tỉnh Ðiện Biên đã dành sự quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn  di sản văn hoá các dân tộc, trong đó có dân tộc Khơ Mú đã góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh. 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.320.624
Online: 53