Điện Biên là tỉnh vùng cao biên giới, có 08 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố với 129 xã, phường, thị trấn; với dân số trên 60 vạn người; gồm 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 81,2%. Mỗi dân tộc lại lưu giữ những giá trị văn hoá riêng. Các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp ấy đã và đang được tỉnh Điện Biên khơi nguồn nhằm phát huy vai trò, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, sự nghiệp văn hóa của tỉnh đã có những bước phát triển nhất định. Tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều Nghị quyết, chủ trương, dành nhiều sự quan tâm về phát triển văn hoá, trong đó, luôn quan tâm và ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ vốn, cây con giống, kỹ thuật, tỉnh đã đầu tư nguồn lực, xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa xã, thôn bản; bảo tồn các phong tục, tập quán; lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể, đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú… Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được quan tâm bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị, xây dựng thành các sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá vẻ đẹp con người, mảnh đất Điện Biên.

Di sản văn hóa vật thể được Điện Biên chú trọng bảo tồn gắn với điều kiện địa lý, tự nhiên, với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Đó là các thửa ruộng bậc thang Tủa Chùa, hệ thống mương - phai - lái - lín (hệ thống tưới tiêu nổi tiếng của dân tộc Thái và các dân tộc vùng Tây Bắc); không gian văn hóa của các bản làng nằm ở thung lũng ven núi, những mái nhà sàn cao ráo, thoáng mát được trang trí bởi khau cút…

Tủa Chùa điểm du lịch hấp dẫn

Tỉnh chú trọng kiểm kê và bảo tồn hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian…, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của cư dân vùng núi rừng, biên cương. Trong đó, nhiều di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như Tết Nào pê chầu của người Mông đen (bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng), Lễ Tủ cải (Lễ đặt tên âm - tên thứ hai cho người con trai đã trưởng thành) của người Dao quần chẹt (bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa), 02 di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thê đại diện của nhân loại đó là di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và di sản “Nghệ thuật Xòe Thái”.

Cùng với đó, Lễ hội đua thuyền đuôi én tại thị xã Mường Lay, Lễ hội Thành Bản Phủ tại huyện Điện Biên, Hội xuân gắn với hội đấu bò tại huyện Điện Biên Đông, Tết té nước của người Lào, Lễ cầu mưa của người Khơ Mú, Kin Pang Then của người Thái (Ngành Thái trắng)… đặc biệt là Lễ hội Hoa Ban đã trở thành điểm hẹn, ngày hội văn hóa lớn không của chỉ nhân dân tỉnh Điện Biên mà đã được cả nước biết tới, đón nhận, háo hức tham gia và trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của tỉnh nhà.

Lễ hội Hoa Ban

Thông qua việc đầu tư, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được vai trò, ý nghĩa của văn hóa để có ý thức hơn trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của cha ông; thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước để từ đó chung tay nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cuộc sống, cùng với giữ vững an ninh trật tự, an ninh chính trị và đảm bảo vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Từ các lễ hội, ngày hội văn hoá, đồng bào các dân tộc thiểu số có dịp giao lưu văn hoá, từ đó đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế. Nhiều gia đình đã và đang kinh doanh dịch vụ du lịch như homestay, ẩm thực, trải nghiệm.

Home stay Mường Thanh

Cùng với bức tranh đa sắc màu văn hoá dân tộc, Điện Biên chú trọng công tác kiểm kê di tích. Đã lập hồ sơ đề nghị và có 31 di tích được xếp hạng (trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt; 14 di cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh); cắm 191 biển báo, biển chỉ dẫn các điểm di tích, công trình văn hóa, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; trùng tu, bảo tồn, tôn tạo các di tích, như di tích chiến trường Điện Biên Phủ, di tích Tháp Mường Luân, Tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh (huyện Điện Biên Đông), di tích Thành Bản Phủ, động Pa Thơm (huyện Điện Biên), hang động Xá Nhè và Khó Chua La (huyện Tủa Chùa); bổ sung, lưu giữ, quản lý 10.311 hiện vật trong các bảo tàng và Ban quản lý di tích.

Di tích chiến trường Điện Biên Phủ

Điện Biên cũng chú trọng đầu tư các công trình phát huy giá trị văn hoá, năm 2022 đã khánh thành và đưa vào hoạt động công trình Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, Bức tranh panorama “Trận chiến Điện Biên Phủ” - bức tranh toàn cảnh tái hiện chân thực và sống động những khoảnh khắc điển hình nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các công trình không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên mà nó còn là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền cách mạng, truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.

Bức tranh paranoma tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Với những hoạt động trên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc ở Điện Biên để phát triển kinh tế xã hội những năm qua đã triển khai tương đối đồng bộ, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhờ đó, lượng du khách đến với Điện Biên ngày càng nhiều. Năm 2022: Lượng khách du lịch ước đạt 810.000 lượt, tăng 35% so với năm 2017. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.384 tỷ đồng, tăng 45,7% so với năm 2017.

Phát triển kinh tế xã hội dựa trên những giá trị nền tảng của truyền thống lịch sử - văn hoá là xu hướng khoa học, nhân văn của Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam cũng như đưa văn hoá thấm sâu vào mọi hoạt động của đời sống xã hội là điều kiện, tiền đề, nền tảng vững chắc khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm, đoàn kết của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.079.740
Online: 101