Với người Thái có những nét văn hóa đặc trưng về kiến trúc nhà ở là nhà sàn, trang phục truyền thống với áo cóm, khăn piêu và nhiều lễ hội độc đáo như xên bản, xên mường, Lễ Kin pang Then, Kin pang Một, Kin lẩu nó, lễ Then Cầu con, lễ mừng cơm mới, hội hạn khuống...đặc biệt nổi bật với nghệ thuật trình diễn dân gian như các làn điệu dân ca Thái, đặc biệt là Nghệ thuật Xòe Thái (múa Thái) với rất nhiều điệu xòe như: Xoè vòng, xoè khăn, xoè nón, xoè quạt, xoè sạp, xoè nhạc, xoè chai…Trong đó Xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái.
Nghệ thuật Xoè Thái được sáng tạo từ quan niệm, tư duy về giá trị thẩm mỹ, đem lại sự cảm thụ về cái đẹp cho mọi người. Cái đẹp ấy được bắt nguồn từ ý tưởng thẩm mỹ và sự sáng tạo của mỗi dân tộc. Do vậy, giá trị thẩm mỹ của múa dân gian được hình thành và mang những nét độc đáo riêng theo con mắt cảm quan nghệ thuật của mỗi tộc người. Các điệu múa đã nêu lên quan niệm về cái đẹp đối với con người, thiên nhiên và đất trời. Các điệu múa đã thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa, cầu cho mưa thuận gió hòa, giúp dân bản có cuộc sống no ấm, mùa màng bội thu. Quan niệm thẩm mỹ còn được thể hiện ở trang phục múa với nhiều màu sắc, đường nét hoa văn độc đáo hoặc sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa các nhạc cụ, đạo cụ trong múa. Quan niệm thẩm mỹ về múa luôn được sáng tạo cho phù hợp với trình độ thẩm mỹ và tri thức của cộng đồng.
Nghệ thuật Xòe Thái phát triển đến nay là một minh chứng lịch sử cho sự phát triển của nghệ thuật múa dân gian Việt Nam. Thông qua Nghệ thuật Xòe giúp các nhà nghiên cứu tìm về quá khứ để khám phá lối sinh hoạt và những tư duy sáng tạo của người xưa để cho ra đời một di sản văn hóa như ngày nay hay nói cách khác là để khẳng định chủ nhân của loại hình nghệ thuật này. Từ đó chúng ta nhận diện được đó là bản sắc văn hóa riêng có của người Thái.
Nghệ thuật Xòe đã trở thành phong tục của người Thái và cuốn hút mọi người cùng hòa một nhịp trong tiếng trống, tiếng chiêng mỗi dịp tết đến, xuân về hay trong các cuộc vui. Nghệ thuật Xòe đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái. Nghệ thuật Xòe Thái đã cho chúng ta cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do đó, Nghệ thuật Xoè Thái giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, bài viết xin đề cập một số nội dung như:
Thứ nhất, Nghệ thuật Xoè Thái giúp chủ thể văn hoá nhận diện và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc
Sự tồn tại và phát triển của Nghệ thuật múa dân gian đến nay là nhờ những chính sách quan tâm của Đảng, nhà nước đối với văn hóa các dân tộc, một phần phải kể đến ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, coi đó là tài sản vô giá cần được gìn giữ và bảo vệ. Nghệ thuật múa không chỉ phản ánh nét văn hóa đặc trưng và là cơ sở nhận diện bản sắc văn hóa dân tộc Thái mà còn là di sản góp phần điểm tô cho bức tranh văn hóa đa sắc màu của các dân tộc Việt Nam; được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào, được coi là phương thức cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, đồng thời Nghệ thuật múa còn là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau. Nghệ thuật múa là nét đẹp văn hóa được cộng đồng gửi gắm những tâm tư tình cảm và lấy làm hãnh diện, tự hào về văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng và trao truyền.
Không những thế, Nghệ thuật múa còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu và gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng sóng đôi sánh bước thể hiện những điệu múa nhịp nhàng và bày tỏ tình cảm của mình. Nghệ thuật múa đã mang đậm tính dân tộc bởi đã khẳng định được bản sắc riêng có không lẫn với dân tộc nào đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội.
Nghệ thuật múa là tài sản vô giá của đồng bào, là sợi dây gắn kết cộng đồng và là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới, góp phần tăng cường giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, các quốc gia đồng thời nâng cao cả về thể lực, trí lực, trình độ thẩm mỹ cho công chúng yêu và có sở thích nghiên cứu, thực hành nghệ thuật múa của người Thái. Vì vậy, cần hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể trong Nghệ thuật múa dân gian. Ngày nay Nghệ thuật múa của dân tộc Thái có thể khai thác, phát huy giá trị để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.
Thứ hai, Nghệ thuật Xoè Thái góp phần bảo tồn các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc gắn với múa dân gian truyền thống
Việc duy trì Nghệ thuật múa truyền thống là cơ sở để phát triển nhiều điệu múa hơn nữa do sự sáng tạo không ngừng của các thế hệ trong quá trình thực hành di sản. Bên cạnh đó còn góp phần bảo tồn nhạc cụ dân tộc: Âm nhạc giữ vai trò quan trọng trong Nghệ thuật múa. Các loại nhạc cụ được coi là âm thanh để mời gọi, để báo hiệu cho một cuộc vui bắt đầu. Thiếu âm nhạc, thiếu các loại nhạc cụ thì cộng đồng không thể múa. Vì thế các nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là trống, chiêng là các nhạc cụ thiết yếu phải có trong múa để tăng thêm khí thế, tiếp thêm động lực và tinh thần cho mỗi người khi tham gia. Do đó nghệ thuật múa cần được diễn ra thường xuyên để phát huy giá trị của nhạc cụ dân tộc đồng thời giúp cho cộng đồng thỏa sức với sự sáng tạo và gửi gắm tình cảm, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp.
Nghệ thuật múa giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các làn điệu dân ca: Việc múa và hát trong nghệ thuật trình diễn dân gian luôn có sự gắn kết, đan xen, hòa quyện và bổ trợ cho nhau nhằm làm tăng giá trị của loại hình nghệ thuật này. Các dân tộc có thể vừa múa vừa hát dân ca, đặc biệt là trong xòe vòng trai gái cầm tay nhau đưa bước chân xòe và cất lên những lời dân ca đối ứng để thể hiện tình yêu nam nữ. Nghệ thuật múa đã trở thành nguồn cảm hứng để nảy sinh các làn điệu dân ca và khả năng sáng tạo của con người. Trong thực hành Then Thái cũng thể hiện khá rõ về sự kết hợp giữa xòe và hát, chẳng hạn như: Xòe khăn, xòe quạt kết hợp với các làn điệu Then để mời các quan Then từ mường trời về dự lễ hoặc xen lẫn với các nghi lễ, thầy Then và cộng đồng cùng gõ vang nhịp trống chiêng và kết nối vòng xòe với niềm hân hoan để tạ ơn Then. Do vậy các điệu múa phụ họa được sử dụng trong nghi lễ đã giúp cho các lễ thức trở lên sinh động và tạo sự gần gũi với đời thực, giảm bớt sự huyền bí, mô phỏng được ý nghĩa của các điệu Then và minh chứng về sự độc đáo của nghệ thuật Xòe trong nghi lễ.
Thứ ba, Nghệ thuật múa góp phần bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc
Trang phục là cơ sở để nhận diện về một dân tộc hay tộc người nhất định. Quan niệm về cái đẹp trong trang phục được người Thái quan niệm “ăn cho mình, mặc cho người” nghĩa là mình mặc như thế nào cho đẹp không chỉ là sở thích của mỗi cá nhân mà quan trọng là phải phù hợp với hoàn cảnh, công việc, và đối tượng chúng ta tiếp xúc. Hay nói cách khác, đẹp trong trang phục chính là sự kết hợp giữa yếu tố hợp lý và hài hòa đã được sự thừa nhận của cả một cộng đồng dân tộc.
Trang phục các dân tộc sử dụng trong sinh hoạt và trong múa khá đa dạng và đẹp mắt; đặc biệt là trang phục phụ nữ với nghệ thuật tạo nhiều hoa văn phong phú và màu sắc sặc sỡ góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp của các điệu múa.
Trang phục truyền thống của người Thái ngày nay cơ bản vẫn được gìn giữ, họ thường khoác lên mình bộ trang phục đẹp và đầy nữ tính vào các dịp lễ hội hoặc các sự kiện quan trọng khác, đặc biệt khi đã có tiếng trống, tiếng chiêng và các loại nhạc cụ vang lên rộn rã thì hầu hết các cô gái đều chọn cho mình bộ váy áo đẹp nhất để trình diễn các điệu múa tại các sân khấu hoặc không gian sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Qua đó, trang phục truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy giá trị.
Thứ tư, Nghệ thuật múa góp phần bảo tồn tập quán xã hội và tín ngưỡng của dân tộc
Nghệ thuật múa không thể thiếu trong các nghi lễ như: Lễ Kin pang Then, Kin pang Một, kin lẩu nó, xên bản, xên mường, lễ mừng cơm mới, lễ cầu mưa...của người Thái. Nói cách khác khi tổ chức các nghi lễ đó là phải có múa. Sự tồn tại song song giữa các nghi lễ và múa trong nghi lễ cho thấy sự tác động qua lại và hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Các nghi lễ được tổ chức có sự thực hành của các điệu múa đã cho thấy sức sống và vai trò của nghệ thuật múa đối với việc bảo tồn tập quán xã hội và tín ngưỡng của tộc người.
Thứ năm, Nghệ thuật múa góp phần phát triển du lịch tỉnh Điện Biên
Luật Du lịch năm 2017 đã đưa ra khái niệm Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Điều này cho thấy giữa di sản và du lịch có mối quan thệ mật thiết, có sự tác động qua lại lẫn nhau. Muốn phát triển du lịch phải khai thác, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; ngược lại muốn gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa thì những di sản này phải được giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước để khi họ nhắc tới các di sản thì biết đó là vùng đất, con người Điện Biên. Việc lựa chọn Nghệ thuật Xoè Thái là di sản văn hoá để giới thiệu, quảng bá và khai thác phát triển du lịch văn hoá là rất phù hợp. Bởi Nghệ thuật Xoè Thái đã có sức sống mãnh liệt và có sự lan toả rất lớn tới cộng đồng các dân tộc. Đây còn là di sản đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật Xoè Thái có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ bởi trong đó chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ và thể hiện khát vọng, sự sáng tạo không ngừng của con người trong suốt chiều dài lịch sử. Vì thế, cộng đồng người Thái nói riêng, các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung cần chung tay gìn giữ và phát triển Nghệ thuật xòe Thái.