Ngày 20/12/2021, UBND tỉnh Điện Biên ban hành các Quyết định số 3267/QĐ-UBND, số 3268/QĐ-UBND, số 3269/QĐ-UBND công nhận 03 điểm du lịch cấp tỉnh đối với: Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng; Di tích Đồi A1 và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Điểm du lịch Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng là di tích nổi bật thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là địa điểm dừng chân thứ 3 và cũng là điểm dừng chân cuối cùng của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong thời gian 105 ngày (từ ngày 31/01/1954 đến ngày 15/5/1954). Trước đó Bộ chỉ huy chiến dịch đã dừng chân tại hang Thẩm Púa (trong thời gian 42 ngày, từ ngày 07/12/1953 đến ngày 17/01/1954) và hang Huổi He (trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/01/1954 đến ngày 30/01/1954). Sở chỉ huy nằm dấu mình dưới những tán rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ. Các cơ quan của Bộ chỉ huy chiến dịch nằm dọc ven theo con suối nhỏ uốn lượn hình vòng cung ôm lấy chân núi Pú Đồn, trên một diện tích đất tự nhiên rộng khoảng 90 km2 và được bố trí thành một hệ thống liên hoàn có hầm, hào, lán trại được bao bọc trước sau phù hợp với tốc độ làm việc khẩn trương của Bộ chỉ huy chiến dịch, vừa đảm bảo yếu tố bí mật, an toàn. Tại Sở chỉ huy chiến dịch đã diễn ra những cuộc đấu trí, đấu lực đầy kịch tính giữa Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - một tập thể với những khối óc sáng tạo, linh hoạt với Bộ chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ. Cũng chính tại nơi này, bằng tài thao lược quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách đúng đắn để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Điểm du lịch Đồi A1 là một trong những điểm di tích nổi bật thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Đồi A1 ẩn chứa sự linh thiêng, huyền bí, là điểm có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng để quan sát, khống chế thung lũng Mường Thanh. Trong hành trình thiên di của dân tộc Thái thế kỷ XII, thủ lĩnh Lạng Chượng đã chọn đây là điểm dừng chân để dựng bản, khai mường, nên nhân dân gọi là Đồi Lạng Chượng. Trước năm 1953, người dân nơi đây đã dựng đền thờ “Đức Thánh Trần”. Khi chiếm đóng Điện Biên Phủ, quân Pháp đã cho chặt ngọn đa, phá dỡ đền thờ, xây dựng lô cốt, biến ngọn đồi này thành một trong những cứ điểm quân sự quan trọng, vững chắc và đặt tên là Eliane 2 - tên một người con gái đẹp của nước Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã đặt tên cho cứ điểm này là A1. Tại nơi đây, nhiều trận giao chiến ác liệt diễn ra trong suốt 39 ngày đêm, hai bên giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào, hơn 2.500 người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hy sinh tại nơi đây.

Điểm du lịch Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng từ tháng 10/2012 trên diện tích xây dựng 22.000m2 và chính thức mở cửa phục vụ tham quan từ ngày 05/5/2014. Đây là công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Nội dung trưng bày, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, xứng tầm với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nhà bảo tàng được thiết kế dạng hình nón cụt, phần trang trí xung quanh được tạo hình quả trám tượng trưng như tấm lưới ngụy trang của chiếc mũ anh bộ đội, gồm 1 tầng hầm và 1 tầng nổi. Trong đó, tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ. Tầng nổi là không gian trưng bày cố định chuyên đề chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không gian panorama (toàn cảnh). Phần trưng bày được bố trí ở tầng nổi của Bảo tàng với diện tích trưng bày rộng 1.250m2 với gần 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bản đồ được đánh giá là không gian trưng bày hiện đại, được tổ chức khoa học và mỹ thuật với sự hỗ trợ của kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Toàn bộ tầng 2 được thiết kế để giới thiệu bức tranh Panorama, tái hiện lại toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Với chất liệu sơn dầu vẽ trên nền vải toan. Bức tranh có kích thước dài 132m, cao 9m cùng với phần mái vòm thể hiện mây, trời với tổng diện tích trên 3.225 m2 đã trở thành kiệt tác hội họa lớn nhất thế giới trong đề tài vẽ về chiến tranh. Bức tranh Panorama “chiến dịch Điện Biên Phủ” cùng với hệ thống trưng bày trực quan, sinh động, hấp dẫn trong Nhà Bảo tàng và phần trưng bày ngoài trời đã tạo thành một hệ thống trưng bày, tham quan logic, khoa học, hợp lý, đảm bảo điều kiện làm việc, tổ chức các sự kiện, khai thác và phục vụ du khách tham quan, phục vụ tốt công tác nghiên cứu và học tập.

Để các điểm du lịch hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, UBND tỉnh giao các đơn vị quản lý điểm du lịch có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan. Các sở, ngành: Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Giao thông Vận tải; Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, UBND thành phố Điện Biên Phủ có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng các điểm du lịch theo quy định./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.136.096
Online: 59