“Cơn bão” mang tên Covid-19 đã và đang hiện hữu, tiếp tục gây ra tổn thất nặng nề, sâu rộng và lâu dài đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch tỉnh Điện Biên nói riêng. Các hoạt động du lịch gần như phải ngủ đông khi đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vào đầu mùa hè năm 2021, cũng là mùa cao điểm của ngành du lịch, tác động trực tiếp tới tất cả các cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Với việc siết chặt các quy định, yêu cầu về phòng chống dịch (hạn chế tập trung đông người, hạn chế các chuyến bay, giãn cách trên các phương tiện giao thông...) và tâm lý e ngại dịch bệnh khiến lượng khách du lịch đến tỉnh Điện Biên giảm mạnh. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp du lịch phải chật vật tìm đường sống giữa “vòng xoáy” Covid-19 đang từng ngày, từng giờ cuốn bay thành quả tích lũy suốt bao năm qua. Phần lớn các đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, bố trí cho nhân viên nghỉ hoặc tạm dừng công việc. Một số đơn vị, cơ sở phải đóng cửa, chuyển sang kinh doanh các lĩnh vực khác. Điều đó khiến cho nguồn nhân lực trong ngành du lịch giảm mạnh, tác động lâu dài đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ khi hoạt động du lịch được phục hồi.

Là cơ sở lưu trú có quy mô và chất lượng dịch vụ hàng đầu tại tỉnh Điện Biên, nhưng vào thời điểm này, Khách sạn Mường Thanh Grand Điện Biên Phủ cũng đang phải cắt giảm mọi chi phí để có thể duy trì hoạt động, với niềm mong mỏi chờ ngày du lịch “khỏi bệnh”, Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc khách sạn cho biết: Từ đầu tháng 5 đến nay, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là khách ngoại tỉnh. Có thời điểm mấy ngày cũng không có khách lưu trú. Do đó, doanh thu các dịch vụ của khách sạn ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Không có doanh thu, khách sạn buộc phải giảm cắt giảm nhân sự xuống 10 người đi làm 1 ngày, mỗi người đi làm 12 ngày/tháng và hưởng 40% lương. Trước khó khăn đó, Tập đoàn Mường Thanh có chính sách đóng BHXH vừa để hỗ trợ vừa là giải pháp giữ chân người lao động.

Nhà hàng ẩm thực dân tộc Văn Phong (bản Noong Chứn, phường Nam Thanh) cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Suốt mấy tháng liền không có khách, ông chủ Lò Văn Phong đang hết sức lo lắng về khoản chi phí thuê sân bãi. Ông Phong chia sẻ: Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 còn có khách nhưng từ tháng 5, 6, 7 là hoàn toàn không. Đến tháng 8 khi các quy định được nới lỏng hơn một chút thì mới có khách đến đặt cơm. Nhưng cũng chỉ được vài ba mâm vì quy định không được tập trung đông người. Doanh thu sụt giảm, nhân viên thời vụ của nhà hàng lại trở về làm nông nghiệp để duy trì cuộc sống. Đội văn nghệ của bản gần 2 năm nay chưa được biểu diễn phục vụ khách. Để khắc phục khó khăn, nhà hàng chuyển hướng sang phục vụ khách gọi đồ ăn mang về.

Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi, thói quen và nhu cầu của khách du lịch. Theo đó, khách du lịch có xu hướng chú trọng hơn tới các yếu tố đảm bảo an toàn sức khỏe, vệ sinh, bảo hiểm du lịch, đi theo nhóm nhỏ, lựa chọn các điểm du lịch gần, cắt ngắn thời gian các kỳ nghỉ, kế hoạch đi du lịch được xây dựng sát với thời điểm chuyến đi và có thể thay đổi linh hoạt. Do đó đòi hỏi các đơn vị, doanh nghiệp phải thích ứng nhanh với tình hình mới, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ khách khi hoạt động du lịch phục hồi sau dịch bệnh. Đặc biệt là tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.319.400
Online: 23