76 năm sau Cách mạng Tháng Tám, trải qua những thăng trầm với nhiều lần tách - nhập, tỉnh Điện Biên đang từng bước phát triển vững chắc, tươi đẹp hơn.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu hiện nay), Nhân dân các dân tộc tích cực khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, quân và dân tỉnh ta vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất. Đồng thời đóng góp nguồn lực to lớn, góp phần làm nên thắng lợi của các chiến dịch: Tây Bắc, Đông Xuân, Điện Biên Phủ, giải phóng miền Nam.

Sau khi tỉnh Lai Châu chia tách thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục đoàn kết vượt qua khó khăn, cụ thể hóa công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo phù hợp với thực tế địa phương để đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế tăng trưởng và phát triển ổn định, GDP bình quân giai đoạn 2005 - 2010 đạt 11,6%/năm; giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 5,93%/năm; GRDP giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,83%/năm.

Từ chỗ thiếu lương thực, phải trông chờ trợ cấp của Trung ương, đến nay nông nghiệp Điện Biên đã phát triển toàn diện, ổn định. Nông dân có trình độ thâm canh cao, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay toàn tỉnh đã xác nhận 19 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Nhiều sản phẩm nông sản đã được xuất bán đến các tỉnh, thành trong nước, xuất hiện trên kệ hàng của những siêu thị lớn, uy tín ở các thành phố lớn… Cây công nghiệp được chú trọng phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư hình thành vùng sản xuất như: Chè Tủa Chùa; cà phê Mường Ảng; cao su tại các huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé; hiện nay một loạt dự án trồng mắc ca đã và đang triển khai tại các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé...

Mặc dù không có nhiều lợi thế, điều kiện so với các tỉnh, thành miền xuôi song công nghiệp Điện Biên cũng đã có bước phát triển, nhất là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện. Hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển cả về quy mô và chất lượng. Hoạt động dịch vụ - xuất nhập khẩu có bước phát triển mạnh mẽ.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ; nhiều tuyến tỉnh lộ được nâng cấp thành quốc lộ (QL 12 kéo dài, QL 279B, QL 12B, QL 12C, QL 4H...) đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 92%.

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 38 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 đơn vị cấp huyện (TX. Mường Lay) hoàn thành xây dựng nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 33,4 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 48,14% xuống 29,97%.

Trong suốt hành trình nỗ lực dựng xây, phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã vượt qua nhiều thách thức tại một địa phương miền núi đặc biệt khó khăn để tạo lập những dấu mốc quan trọng. Năm 1989, sản xuất lương thực đạt 151 tấn, ghi dấu mốc lần đầu tiên tỉnh ta đảm bảo nhu cầu lương thực trên địa bàn. 27 năm sau, năm 2016 lần đầu tiên Điện Biên thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 1 nghìn tỷ đồng và tiếp tục tăng qua từng năm.

Phát huy những thành quả đạt được, những bài học kinh nghiệm quý giá từ cả những thành công và thất bại trong hành trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Điện Biên tiếp tục đoàn kết, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu trong thời kỳ mới.

Nhằm tập trung khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương, tỉnh ta tập trung xây dựng Quy hoạch vùng tỉnh Điện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phân thành 3 vùng phát triển: Vùng kinh tế động lực quốc lộ 279 (gồm TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo), là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh; tập trung phát triển du lịch và sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa gắn với cửa khẩu Tây Trang, Huổi Puốc để hình thành hệ thống thương mại - dịch vụ và du lịch trọng điểm của tỉnh; là đầu mối giao thông vùng - quốc gia. Vùng kinh tế lâm - nông nghiệp sinh thái sông Đà (gồm TX. Mường Lay và 2 huyện Tủa Chùa, Mường Chà) nhằm phát huy lợi thế giao thông đường thủy trên sông Đà, sông Nậm Mức và các trục QL 6, QL 12 để phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa, du lịch sinh thái và công nghiệp chế biến lâm sản gắn với trồng rừng. Vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé phát triển nông - lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái và thương mại - dịch vụ qua cửa khẩu biên giới. Hiện nay Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt Dự án Đầu tư xây dựng, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên. Đây sẽ là động lực lớn để tỉnh phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Khi chúng ta hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), tạo thế và lực để tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới thì lại đối mặt với thách thức lớn. Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện rồi bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Điện Biên đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vận tải. Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản bị ngừng trệ; lao động giảm hoặc phải nghỉ việc gia tăng… 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 46 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; 11 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện giải thể. Kinh tế mặc dù vẫn tăng trưởng song đạt rất thấp so với mục tiêu đề ra (GRDP tăng 3,65%); riêng ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng âm.

Xuyên suốt hành trình phát triển, quan điểm đổi mới, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thi đua lao động sản xuất đã được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Trước khó khăn, thách thức lại càng thôi thúc tinh thần vượt khó. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 tối thiểu 7%, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, đơn vị xây dựng, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng kinh tế tỉnh Điện Biên năm 2021. Trong đó tập trung 6 nhiệm vụ chủ yếu: Cao độ phòng chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo thuận lợi, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách Nhà nước; thực hiện hiệu quả thu chi, ngân sách; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông, đôn đốc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

Theo Báo Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.015.262
Online: 38