“Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” đang là vấn đề được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc đến trẻ em với một tình cảm trìu mến, nâng niu “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Bác cũng khẳng định rằng “Chăm sóc và giáo dục các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải kiên trì bền bỉ”. Đồng thời, Bác cũng kêu gọi “Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc, giáo dục các cháu bé cho tốt”. Lời dạy của Bác luôn được luôn được Đảng ủy, chính quyền Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên (VHTTDL) ghi nhớ và thực hiện. Trong đó công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em luôn được ngành quan tâm; chú trọng triển khai thực hiện.

Thực hiện Quyết định số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Sở VHTTDL tỉnh luôn tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật, các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan một cách thường xuyên và cụ thể. Với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương như: Tuyên truyền lưu động, tuyên truyền cổ động trực quan, xây dựng các cụm pa nô, áp phích, căng treo băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm; phát hành xuất bản phẩm; chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân vùng cao, vùng xa, khu vực biên giới; lồng ghép nội dung vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ tháng 6 năm 2020 đến nay, tổ chức căng treo gần 400 băng rôn, khẩu hiệu; số tin, bài được tuyên truyền là 250 tin, bài; tuyên truyền lồng ghép gần 200 lượt trên loa, truyền thanh, truyền hình; ngoài ra còn lồng ghép trên 300 buổi tuyên truyền qua các cuộc họp, sinh hoạt thôn, bản, tổ dân phố, các câu lạc bộ …Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của viên chức và người lao động trong toàn ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng đối với công tác chăm sóc đời sống văn hóa tinh thần cho trẻ em, tạo cơ hội cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh hạn chế những tác động tiêu cực đến trẻ em nhất là trong thế giới công nghệ số.  

Đồng thời, Sở VHTTDL cũng  chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, đôn đốc công tác tuyên truyền lồng ghép trên hệ thống thông tin cơ sở, thông qua các buổi sinh hoạt họp thôn, bản, tổ dân phố; các buổi sinh hoạt câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, hoạt động nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường các giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc, giáo dục vào bảo vệ trẻ em, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em. Thông tin cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm để người dân nhận biết, cảnh giác, có ý thức chủ động phòng ngừa và đấu tranh, tố giác các loại tội phạm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

  Việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật cho trẻ em cũng được Sở VHTTDL tỉnh chú trọng thực hiện với nhiều hoạt động lý thú. Sở phối hợp với các trường trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” và thực hiện tuyên truyền giới thiệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ tại các trường học. Chiếu phim phục vụ thiếu niên, nhi đồng hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, ngày quốc tế thiếu nhi 1/6; chiếu phim lưu động phục vụ chính trị theo chương trình phối hợp, phục vụ nhân dân các dân tộc vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh và tạo điều kiện cho học sinh các trường, trẻ em dưới 18 tuổi và con em của cán bộ, viên chức toàn ngành được tham quan các điểm di tích. Mở lớp năng khiếu hè (múa và khiêu vũ); phát hành  xuất bản phẩm phục vụ các cháu thiếu niên, nhi đồng, trong đó xuất bản phẩm về Luật Trẻ em, Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em; bổ sung 30 bản sách luật, tài liệu liên quan đến phòng, chống mại dâm, mua bán người, bạo lực gia đình; tổ chức tuyên truyên, triển lãm, phục vụ xe thư viện lưu động đến các trường học. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch đều chấp hành tốt các quy định về điều kiện kinh doanh, về phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo cho trẻ em có môi trường văn hóa lành mạnh và được bảo vệ trên không gian mạng.

Hoạt động thể dục thể thao được Sở đẩy mạnh góp phần đem lại cho các em những lợi ích lớn về mặt thể chất lẫn phát triển tính cách. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid -19) diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm Covid -19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, duy trì một lối sống lành mạnh và tham gia các môn thể thao đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh,  giúp trẻ em giảm được căng thẳng, tăng cường sức khỏe cả về thể lực lẫn tinh thần. Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho vận động viên năng khiếu của tỉnh được thực hiện tương đối tốt, được thể hiện như giáo dục cho các em không học hỏi những thói xấu trong thi đấu thể thao, những điều gây nguy hiểm cho đấu thủ, đối phương, những hành vi, lời nói kích động bạo lực trong thể thao hay còn gọi là hành động phi thể thao; quan tâm, tạo điều kiện cho các em thi đấu dành thành tích cao nhất, không gây áp lực cho vận động viên. Phong trào TDTT quần chúng của tỉnh diễn ra sôi nổi, rộng khắp thu hút đông đảo các đối tượng tham gia; cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" ngày càng phát triển và nhân rộng đến nhiều đối tượng: Học sinh, sinh viên, thanh niên, CNVC-LĐ, phụ nữ, nông dân, người cao tuổi, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang... Số người tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình thể thao, câu lạc bộ TDTT không ngừng tăng lên. 100% số trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa. Từ tháng 6/2020 đến 6/2021, toàn tỉnh tổ chức được 02 Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước và 16 lớp năng khiếu TDTT dành cho các em thiếu niên và nhi đồng, qua các hoạt động trên thu hút trên 1.500 em tham gia.

Cùng với đó, công tác giáo dục đạo đức lối sống và phòng, chống bạo lực gia đình được diễn ra thường xuyên với nhiều hoạt động. Sở đã chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại 02 huyện Mường Ảng (chọn bản Quyết Tiến 1, xã Búng Lao) và huyện Điện Biên Đông (chọn bản Mường Luân I, xã Mường Luân) và thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Thông qua đây, các hoạt động tuyên truyền các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, kỹ năng ứng xử trong gia đình, chính sách pháp luật liên quan đến công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại trẻ em; công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em được nâng cao. Xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình PCBLGĐ với những kết quả tích cực, phát huy hiệu quả trong công tác hỗ trợ đối với các nạn nhân bạo lực gia đình, truyên truyền các kỹ năng ứng xử trong gia đình, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, từng bước nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, thực hiện BĐG trong gia đình, giảm bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2021 chưa ghi nhận có vụ bạo lực gia đình nào đối với trẻ em. Qua đó có thể thấy nhận thức về vị trí vai trò của gia đình và  xã hội đối với việc phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng đạt được hiệu quả rõ rệt. Góp phần ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tích cực tham gia các hoạt động tại cộng đồng.

Trẻ em là tương lai của đất nước, là hạnh phúc của mỗi gia đình. Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em, tạo mọi điều kiện để thực hiện quyền trẻ em. Hiến pháp năm 2013 có quy định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Chính vì vậy, việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em  là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội nói chung và của ngành VHTTDL tỉnh nói riêng, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ tương lai có thể chất, sức khỏe, trí tuệ, phẩm chất đạo đức xây dựng quê hương Điện Biên ngày càng giàu đẹp.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.129.885
Online: 93