Hiện nay, chưa có một định nghĩa được thống nhất về không gian văn hóa với nghĩa rộng nhất của nó. Còn theo nghĩa hẹp, hiện nay cụm từ này thường được sử dụng để chỉ những khu vực, môi trường có các hoạt động văn hóa hoặc gắn với văn hóa, như không gian văn hóa công cộng (nơi dành cho nhiều người vui chơi, giải trí), không gian văn hóa kiến trúc (nơi tập trung nhiều nét đặc sắc về kiến trúc), không gian văn hóa du lịch, thương mại (nơi có nhiều nét đặc sắc về văn hóa gắn với hoạt động du lịch, thương mại…), không gian văn hóa nghệ thuật (nơi tập trung nhiều loại hình nghệ thuật và các yếu tố gắn liền với nó)…
Trên cơ sở các cách hiểu về khái niệm này, chúng ta có thể hình dung được không gian văn hóa là môi trường văn hóa đặc sắc gắn liền với một không gian cụ thể nào đó, một vùng lãnh thổ cụ thể nào đó, một cộng đồng người cụ thể nào đó, trong một khoảng thời gian cụ thể nào đó…
Không gian văn hóa còn gắn với một cộng đồng dân cư cụ thể, với những đặc điểm về dân số, trình độ, điều kiện kinh tế, tập quán, tôn giáo, dân tộc… Đây là các yếu tố hết sức quan trọng để tạo nên bản sắc của một không gian văn hóa, bởi các dân tộc khác nhau, các nhóm cư dân có điều kiện kinh tế khác nhau…thì sẽ hình thành những đặc trưng về văn hóa riêng.
Do đó, nói không gian văn hóa ở Tây Bắc sẽ khác Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ; ngay trong không gian văn hóa Tây Bắc thì ở các khu vực khác nhau, địa lý khác nhau cũng hình thành không gian văn hóa khác nhau gắn với khu vực cư trú, câu nói “Người Mông ăn sương, Người Xá ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước” đã khắc họa rõ nét đời sống và văn hóa đối với các dân tộc ảnh hưởng rất lớn bởi địa vực cư trú…
Văn hoá được ứng dụng từ mỗi cơ sở thực địa, địa bàn cư trú. Trong các cuộc sống cộng đồng tự quản đa dạng và phong phú. Văn hoá thể hiện mối ứng xử bình đẳng với thiên nhiên, với xã hội và bản thân của mỗi cư dân. Trong bài viết này đề cập về không gian văn hóa tại tỉnh Điện Biên, để làm rõ tính thống nhất về di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia và di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Điện Biên có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh đối với Vùng Trung du miền núi phía Bắc và cả nước, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp ba tỉnh Bắc Lào là Phoong Sa Ly, U Đôm Xay và Luông Pha Băng của nước CHDCND Lào. Điện Biên có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Điện Biên thuộc vùng núi cao biên giới, qua các bằng chứng về khả cổ học từ thời kỳ đồ đá, qua sự hiện diện của các di tích như hang Thẩm Khương, Thẩm Púa (ở Tuần Giáo) đã chứng minh con người từ thời thượng cổ đã có mặt rất sớm và biến nơi đây thành một trung tâm của người Việt cổ.Điện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống.
Thời kỳ Bắc thuộc Điện Biên thuộc huyện Lâm Tây, quận Tân Hưng. Đời Lý đất Điện Biên nằm trong hạt châu Lâm Tây. Đời Trần Việt Nam có 15 lộ Điện Biên thuộc lộ Đà Giang, cuối Trần là trấn Thiên Hưng; thời Minh thuộc lại chia làm 2 châu Gia Hưng và Quy Hoá.
Đến thế kỷ 9 - 10, người Lự ở Mường Thanh đã phát triển khá mạnh, từ phía Bắc họ phát triển thế lực khắp lòng chảo Mường Thanh và ảnh hưởng mạnh sang các khu vực: Sìn Hồ, Mường Lay, Tuần Giáo...
Thế kỷ 11-12, người Tày Đăm (Thái đen) theo từ Mường Ôm, Mường Ai tràn xuống chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ) và từ Mường Lò thời gian sau đó, những cư dân này theo thủ lĩnh của mình là Pú Lạng Chượng để tràn qua Than Uyên, Văn Bàn... và cuối cùng làm chủ cả một vùng từ Mường Lò (Nghĩa Lộ) qua Mường La (Sơn La), tới Mường Thanh (Điện Biên).
Sang tới thế kỷ 15 (năm 1463) trấn Hưng Hóa được thành lập (bao gồm ba phủ: Quý Hóa, Gia Hưng, An Tây). Mặc dù vậy, các thủ lĩnh người Lự cơ bản vẫn làm chủ Mường Thanh. Từ 1466 về sau, Lê Thánh Tông đặt làm 12 thừa thừa tuyên, trong đó Hưng Hóa bao gồm 3 phủ, 4 huyện và 17 châu.
Tên gọi Mường Thanh xuất hiện lần đầu trong sách Hưng Hóa xứ Phong Thổ lục của Hoàng Bình Chính.
Năm 1831, Minh Mạng đổi thành tỉnh Hưng Hóa, tỉnh lị đặt ở thị trấn Hưng Hoá huyện Tam Nông (nay thuộc Phú Thọ). Thời Pháp thuộc, Hưng Hóa được chia thành các tỉnhHoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và tách một số huyện nhập vào Phú Thọ.
Tên gọi Điện Biên do Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên; Điện nghĩa là vững chãi, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Phủ Điện Biên (tức Điện Biên Phủ) thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên (do phủ kiêm lý, tức là tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ xuất hiện từ đó.
Do văn hóa Việt Nam có đặc điểm là “xa rừng, nhạt biển”, đối với vùng Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng khi giao thông và kinh tế chưa phát triển có thể nói là “rừng thiêng, nước độc”; khu vực này xưa kia rậm rạp, nhiều thú dữ giao thông đi lại rất khó khăn, người Việt xưa di chuyển chủ yếu bằng đường thủy, nên khu vực Tây Bắc chủ yếu phải đi bộ, đi bằng ngựa; do vậy vùng đất này xa xưa chủ yếu do các tù trưởng dân tộc thiểu số đã sinh sống ở đây từ lâu cai quản, từ thời nhà Lý vào khoảng thế XI trở đi ở triều đình đã thực hiện chính sách “nhu viễn” cho công chúa lấy các tù trưởng miền núi để gắn kết giữa triều đình với các cộng đồng ở xa trung tâm này, từ đó cũng hình thành không gian văn hóa riêng của vùng đất này là văn hóa của các dân tộc thiểu số chiếm chủ đạo và di sản văn hóa vật thể có rất ít các kiến trúc đình, đền, miếu, mạo chủ yếu là kiến trúc của các dân tộc thiểu số và là vùng đất có thiên nhiên hùng vĩ nên danh lam thắng cảnh cũng khá nhiều.
Điện Biên có 19 dân tộc cùng chung số, trong đó dân tộc Mông chiếm 38,12%, dân tộc Thái 35,69%, dân tộc Kinh 20%, còn lại là các dân tộc khác (Khơ Mú, Lào, Dao, Kháng, Hà Nhì, Hoa, Xinh Mun, Cống, Tày, Sán Chay, Phù Lá, Si La, Nùng, Mường và Thổ...).
Mỗi dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên đều mang bản sắc văn hóa riêng, phong phú, độc đáo như: thiên tình sử “Tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xon xao) của dân tộc Thái, trường ca “Tiếng hát làm dâu” của dân tộc Mông, các làn điệu dân ca các dân tộc: Thái, Cống, Si La, Mông, Khơ mú..., các điệu dân vũ: xòe (Thái, Lào); điệu múa tăng bu, tăng bẳng (Khơ Mú), múa khèn (Mông), múa trống (Hà Nhì), các loại hình nhạc cụ truyền thống phong phú như: khèn, kèn lá, tính tảu; các loại pí... Kiến trúc nhà truyền thống: nhà sàn, nhà đất, nhà trình tường...
Điện Biên là một tỉnh đa dạng và phong phú các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống và lễ hội lịch sử: lễ kỷ niệm ngày giải phóng Điện Biên 7/5, ngày 25/2 âm lịch hàng năm là lễ hội lịch sử thành bản Phủ; nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số như: xên bản, xên mường, xên lẩu nó, kin pang then, pang then, kin khẩu mấư (các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái); xé pang ả (các dân tộc thuộc nhóm Môn - Khơ me); co nhẹ chà, de khù chà (dân tộc Hà Nhì); khlang khùa, quá tang, tủ cải, dù su (dân tộc Mông, Dao)... Các trò chơi dân gian: ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh khăng, đánh lông gà, tó mắk lẹ, đánh cù, hát qua ống, tù lu, bắn nỏ... thường xuyên được nhân dân tổ chức trong các dịp lễ, tết, mừng cơm mới...
Đến nay, tỉnh Điện Biên có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên; Tết Nào Pê chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Lễ Kin Pang Then của người Thái Trắng tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Tết té nước của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà; Lễ cúng bản (Gạ ma thú) của người Hà Nhì tỉnh Điện Biên; Tết hoa (Mền loóng phạt ái) của người Cống tỉnh Điện Biên; Lễ Tủ cải ( Lễ cấp sắc) của người Dao quần chẹt, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa; lễ Pang Phoóng (lễ tạ ơn) của người Kháng, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo; Nghề làm giầy thêu của người Hoa (Xạ Phang); Nghệ thuật Múa của người Khơ Mú.
Do số lượng các dân tộc thiểu số chiếm đa số 80%, dân tộc Kinh chỉ chiếm 20% nên có thể coi ở Điện Biên dân tộc Kinh là dân tộc thiểu số; sự xuất hiện của dân tộc Kinh ở Điện Biên từ bao giờ cũng chưa có tài liệu nào chứng minh, tuy nhiên trong lịch sử giai đoạn người Kinh nên Điện Biên nhiều nhất có thể kể đến cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Hoàng Công Chất nổi dậy chống lại vua Lê chúa Trịnh; năm 1754 giải phóng đất Mường Thanh, xây đắp thành lũy gọi là Phủ Chiềng Lễ, phiên âm Hán -Việt là Trình Lệ. Ông đã ở đây từ năm 1754 đến năm 1769. Năm 1778 nhà Lê bình được Hoàng Công Toản (con trai Hoàng Công Chất) và đặt ra châu Ninh Biên thay cho tên gọi Mường Thanh, thuộc phủ An Tây. Ninh Biên có 12 mường nhỏ gộp lại. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại nhiều binh lính của nghĩa quân Hoàng Công Chất đã thay tên, đổi họ thành người bản địa để tránh sự truy sát của triều đình; người Kinh nên Tây Bắc nhiều thứ 2 phải kể đến phong trào xây dựng Tây Bắc vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, do vậy văn hóa người Việt ở Điện Biên do thời gian sinh sống chưa nhiều và phải hòa mình vào văn hóa các dân tộc bản địa, do vậy di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng hạn chế. Duy nhất có lễ hội Thành Bản Phủ gắn với nghĩa quân Hoàng Công Chất được lựa chọn do giữ được yếu tố văn hóa Việt bên cạnh đó có giao thoa ảnh hưởng của văn hóa người Thái đen ở Điện Biên, điều này cũng lý giải văn hóa phụ thuộc vào không gian văn hóa, gắn với cư dân sinh sống tại khu vực này. Điều này thấy rõ nét là các văn hóa cộng đồng được thực hành nhiều trở thành sinh hoạt không thể thiếu của các cộng đồng ở Điện Biên chủ yếu là của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Về di sản văn hóa vật thể tỉnh hiện có 27 di tích đã được xếp hạng Gồm: 01 di tích cấp Quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ; 14 di tích cấp Quốc gia: Thành Bản Phủ, Động Pa Thơm, Thành Sam Mứn, Hang động Chua Ta (huyện Điện Biên); tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh (huyện Điện Biên Đông); hang Thẩm Khương, hang động Há Chớ (huyện Tuần Giáo), hang động Xá Nhè, hang động Pê Răng Ky, hang động Khó Chua La, hang động Thẳm Khến (huyện Tủa Chùa); hang động Huổi Cang, Huổi Đáp (huyện Mường Chà) và 12 di tích cấp tỉnh, gồm: Di tích nhà tù Lai Châu, di tích Pú Vạp (thị xã Mường Lay), di tích lịch sử Cách mạng Pú Nhung, hang động Mùn Chung (huyện Tuần Giáo); dân quân Thanh An bắn rơi máy bay Mỹ (huyện Điện Biên), di tích Xên Mường Thanh, Công trình đại thủy nông Nậm Rốm (huyện Điện Biên và thành phố ĐBP), thành Vàng Lồng, hang động Hấu Chua (huyện Tủa Chùa); Di tích lịch sử Vừ Pa Chay (huyện Điện Biên Đông); hang động Hắt Chuông (huyện Mường Chà); hang động Bản Khá (huyện Tuần Giáo).
Nhìn vào di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh chúng ta có thể nhận thấy các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cũng phản ánh quá trình hình thành và phát triển trong chiều dài lịch sử của tỉnh từ Thành Sam Mứn nơi gắn liền với các chúa Lự là những người theo các nhà nghiên cứu lịch sử là những chủ nhân đầu tiên sinh sống và phát triển khá rực rỡ trong lịch sử của Điện Biên, tiếp đó là di tích Thành Bản Phủ gắn liền với khởi nghĩa của nghĩa quân Hoàng Công Chất và các di tích lịch sử gắn liền với đấu tranh cách mạng, đặc biệt là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong các di tích của Điện Biên đã được xếp hạng có di tích danh lam thắng cảnh chiếm chủ đạo, chủ yếu là các hang động do địa hình của tỉnh chủ yếu là núi cao, núi đá vôi chiếm chủ yếu và trong dãy kiến tạo của vỏ trái đất.
Như vậy, có thể khẳng định là không gian văn hóa có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng với hình thành di sản của vùng văn hóa và gắn với cộng đồng cụ thể, với không gian văn hóa Điện Biên như đã trình bày ở trên là hình thành suốt trong chiều dài lịch sử là của các cư dân dân tộc thiểu số với địa hình chủ yếu là núi cao do vậy đã hình thành những đặc trưng về văn hóa riêng của Điện Biên trong không gian chung là văn hóa Việt Nam.