“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại, cả cuộc đời bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam”… đó là những câu hát trong ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao la – Tác giả Thuận Yến. Ca từ của tác giả đã phần nào thể hiện được tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với dân tộc Việt Nam. Hơn thế nữa, Dân tộc ta đã trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc và 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, đã có biết bao tấm gương chiến đấu anh dũng quả cảm, hy sinh để giành được độc lập tự do cho dân tộc. Trên cương vị chèo lái “con thuyền cách mạng” ấy, Bác Hồ luôn là tấm gương sáng trong thể hiện lòng biết ơn, sự quan tâm sâu sắc đối với các thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, đã có những con người dũng cảm xả thân cho Tổ quốc được độc lập, tự do; cống hiến cả tuổi xanh của mình cho tương lai đất nước. Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ thắm. Sự hy sinh anh dũng của các anh đã góp phần cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn. Nhân dân Nam Bộ lại phải tiếp tục vùng lên cứu nước. Để bảo vệ Tổ quốc thân yêu, rất nhiều người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời của mình cho đất nước. Họ đã ngã xuống trên chiến trường miền Nam hoặc khi trở về đã mang thương tật suốt đời vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Nhằm động viên các gia đình có người đã hi sinh, ngày 02/10/1945, Bác Hồ đã đến Nhà thờ Lớn làm lễ cầu hồn cho các chiến sĩ hy sinh ở miền Nam và trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 20/11/1945, Người đã đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh truy tặng năm liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc tại quận Cái Răng, Cần Thơ ngày 12/11/1945.

Tiếp đó, trong thư “Gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ” tháng 12/1945, Bác tin tưởng rằng: “Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không mất lại một lần nữa. Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều.Chỉ có chiến đấu mới vượt được những trở lực, khó khăn, chỉ có chiến đấu mới đưa lại vẻ vang cho Tổ quốc. Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.

Nhằm chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình, ngày 7/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” với lời lẽ đơn giản mà chân thành, gây xúc động mạnh mẽ lòng người: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, khi mỗi người con ưu tú của dân tộc ngã xuống, Bác Hồ cảm thấy đau xót như mất đi một người thân, mất đi một phần máu thịt của mình. Khi nghe tin con trai của Bác sỹ Vũ Đình Tụng - Giám đốc Y tế Bắc Bộ hy sinh, Bác đã viết thư để động viên, chia sẻ với sự mất mát này. Trong, Người viết: 

“Thưa ngài. Tôi được báo cáo rằng: con zai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại za đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột…  Ngài đã mang thứ quý giá nhất là con zai ngài hiến cho Tổ quốc. Tôi mong rằng, ngài hãy tiếp tục phục vụ kháng chiến, để con zai ngài trên trời được bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng!”.

Từ những bức thư Người viết gửi cho thương binh liệt sỹ, gửi cho các gia đình có người thân hy sinh, chúng ta cảm nhận được tình cảm thiêng liêng, bao la Bác dành cho những người con ưu tú của dân tộc...

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sỹ Vũ Đình Tụng

(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Để nhân dân cả nước có dịp bày tỏ lòng biết ơn tới các thương binh và gia đình liệt sĩ, tháng 6/1947, Bác đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh toàn quốc”. Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7 là “Ngày Thương binh toàn quốc” và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947. Trong thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” ngày 27/7/1947, Bác viết Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe đọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh”… Sau này, cứ đến ngày 27/7 hàng năm, Bác đều đặn gửi thư và tặng quà cho các thương binh và gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người giản dị, chân thành, đó là những lời động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, nhưng cụ thể và thiết thực. Đọc những bức thư đó, thương binh và gia đình các liệt sĩ cũng cảm nhận được tình cảm của Bác Hồ dành cho họ. Những món quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy nhỏ nhưng vô cùng quý giá, vì đó chính là sự quan tâm, chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương binh, bệnh binh. Những món quà đó là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn đối với thương bệnh binh làm ấm lòng người chiến sĩ. Ngày 20/9/1950, trong "Thư gửi các chiến sĩ bị thương trong trận Đông Khê", Bác viết: "Các chú đã chiến đấu anh dũng và các chú đã giết được nhiều giặc, đã có công trong việc giải phóng Đông Khê.Chính phủ, đồng bào đều nhớ ơn các chú. Tôi gửi lời khen các chú và chúc các chú mau lành bệnh để trở lại hàng ngũ tiếp tục chiến đấu, giết giặc".

Hơn thế nữa, trong thư gửi đồng chí Vũ Đình Tụng – Bộ trưởng Bộ Thương binh – Cựu binh,  ngày 27/7/1952, Người nhắc nhở: “Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc… Về phần anh em thương binh, bệnh binh: Phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân; Phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật; Chớ bi quan, chán nản, phải luôn luôn cố gắng. Ngày nay anh em sẽ tùy điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất… Đồng bào sẵn sàng giúp đỡ, anh em có quyết tâm thì anh em nhất định dần dần tự túc được”.

Khi chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, một trận đánh lớn, dài ngày, chiến trường xa hậu phương, Bác Hồ đã căn dặn các chiến sỹ quân y rằng: năm nay chiến trường ở xa, bộ đội có thể khổ, dân công cũng vậy nhưng chớ để thương binh phải khổ. Lời căn dặn của Bác đã khiến cho các chiến sỹ áo trắng càng thấm nhuần tư tưởng “Lương y như từ mẫu”.Thực hiên lời căn dặn của Bác, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ “áo trắng” đã luôn kịp thời chăm sóc cứu chữa cho khoảng 15 nghìn thương bệnh binh của Việt Nam. Đồng thời, thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo, ta đã cứu chữa cho hàng nghìn tù binh, thương bệnh binh của Pháp.

Tháng 7/1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với thắng lợi to lớn, đồng thời cũng không ít bộ đội ta thương vong, nhiều gia đình đã mất đi người con, người chồng, người cha, người thân yêu của mình. Để nhớ ơn các thương binh, gia đình liệt sĩ, theo đề nghị của Bác Hồ, Chính phủ ta và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề binh sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Và từ năm 1955, ngày Ngày “Thương binh toàn quốc” 27/7 đã được đổi thành Ngày “Thương binh – Liệt sĩ”.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại trên miền Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc trở về sống và làm việc ở Thủ đô Hà Nội. Chiều ngày 31/12/1954, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đã tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc tại Đài Liệt sĩ Hà Nội. Trong lễ viếng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Diễn từ: "Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh. Một nén hương thành. Vài lời an ủi. Anh linh các liệt sĩ bất diệt! Tổ quốc Việt Nam vĩ đại muôn năm!".

Khi đất nước còn nhiều khó khăn, điều kiện để chăm lo, giúp đỡ thương binh liệt sỹ còn thiếu thốn, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân và đoàn thể hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mối xã cần tổ chức phong trào "đón anh em thương binh về làng" bằng cách trích một phần ruộng công, hoa lợi để nuôi thương binh, tạo công ăn việc làm cho anh em thương binh. Anh em thầy thuốc phải hết lòng săn sóc thương binh một cách chu đáo. Các cháu nhi đồng toàn quốc thi đua giúp đỡ các thương binh và gia đình liệt sĩ.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn canh cánh trong lòng về việc đền ơn đáp nghĩa với thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung thêm một số nội dung gồm 6 trang viết tay, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Cũng trong Di chúc thiêng liêng, Bác đã căn dặn biết bao điều hệ trọng về công tác Lao động – Thương binh và Xã hội: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, than niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”;

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Đặc biệt, ngày 31/7/1969, Bác Hồ đã tặng Huy hiệu của Người cho 10 thương binh gương mẫu, tận tụy với công tác sản xuất, lập nhiều thành tích trên mặt trận mới. Đây là lần tặng Huy hiệu cuối cùng của Bác cho các thương binh. Ngày 01/9/1969, chỉ trước khi Người mất một ngày, vẫn có vòng hoa của Người gửi viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội.

Hơn 50 năm qua kể từ khi Bác đi xa, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã luôn gìn giữ truyền thống quý báu ấy. Đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, tri ân, biết ơn các thế hệ ông cha đã hy sinh máu xương của mình cho nền độc lập của dân tộc. Hằng năm, các địa phương, các cấp, các ngành bằng những hoạt động thiết thực đã tạo sức lan tỏa của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hướng về những thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc màu da cam, gia đình có công với cách mạng…

Thấm nhuần truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Hàng năm, nhân ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên thường xuyên tổ chức các hoạt động tri ân, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang: Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia A1; Nghĩa trang liệt sỹ Độc Lập... Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, tặng quà tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Đây là một trong những hoạt động thiết thực thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến những anh hùng liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh đã anh dũng chiến đấu và hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.318.707
Online: 56