Việt Nam đạt hai bằng Danh dự tại cuộc thi nhiếp ảnh FIAP năm 2021; Đảm bảo an toàn cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020; 3 thành phố Việt Nam vào top điểm đến tuyệt vời nhất là thông tin đáng chú ý trên báo hôm nay.

1. Lĩnh vực Văn hóa

-TTXVN ngày 22/7 đưa tin:

Khai mạc trưng bày 'Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh' ở Huế

Ngày 22/7, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh" tại thành phố Huế. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm tại triển lãm. Không gian trưng bày chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ than đá được phản ánh qua hơn 200 hình ảnh tư liệu quý và các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Những tác phẩm được trưng bày theo 2 chủ đề chính gồm: giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành, phát triển ngành than và giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ than đá.

Người đẹp Kim Duyên tham gia Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2021

Bộ Du lịch Israel ngày 21/7 thông báo nước này sẽ lần đầu tiên đăng cai một cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe). Theo kế hoạch, phiên bản thứ 70 của cuộc thi sắc đẹp danh tiếng thế giới này sẽ được tổ chức tại thành phố nghỉ dưỡng Eliat, bên bờ Biển Đỏ, vào tháng 12 tới. Theo thông tin từ Ban tổ chức, người đẹp Nguyễn Huỳnh Kim Duyên sẽ là gương mặt đại diện Việt Nam chinh phục vương miện sắc đẹp tại Hoa hậu Hoàn vũ 2021. Cô từng đoạt giải Á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019. Hiện tại, Kim Duyên chỉ còn hơn 4 tháng để chuẩn bị hành trang đến với đấu trường nhan sắc hấp dẫn nhất hành tinh.

- Báo Văn hóa ngày 22/7 đưa tin:

Đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa nhìn từ kinh nghiệm của Huế

"Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Đó là quan điểm đầu tiên được ghi rõ trong Dự thảo "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030" mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chuẩn bị trình Chính phủ. Có thể nói, quan điểm này rất phù hợp với chiến lược phát triển của Thừa Thiên Huế, một vùng đất lấy văn hóa, di sản làm nền tảng và đã được Bộ Chính trị chỉ rõ con đường phát triển tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019: "Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh". Trong bài viết này, tôi lấy Huế là ví dụ để soi chiếu vào dự thảo nhằm góp thêm tiếng nói hoàn thiện dự thảo.

Quy định mới về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam

Ngày 20/07/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 13 về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Cụ thể, hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.

- Báo điện tử Đại Đoàn Kết ngày 22/7 đưa tin:

Đưa hát then vào trường học

Hát then là thể loại dân ca mang tính tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái... vùng, miền núi phía bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn... Năm 2019, hát then được tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị sâu rộng trong cộng đồng, thời gian qua, hát then được đưa vào dạy ở một số trường học trong tỉnh Lạng Sơn.

Những cuộc đua không khoan nhượng

Với việc khan hiếm kịch bản mới, phim Việt trong những năm qua đang phụ thuộc nhiều vào các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng chung việc chuyển thể, cải biên những sản phẩm điện ảnh này vẫn chỉ dừng ở việc "sao y bản chính" mà thiếu đi sự sáng tạo, đột phá. Bên cạnh yếu tố đột phá về nội dung, một trong những điểm yếu của nhiều phim chuyển thể hiện nay là chưa nắm bắt được nhu cầu của khán giả, nhất là trong thời mạng xã hội đang nở rộ.

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa tham gia dự án AMS 2021

ASEAN Music Showcase Festival (AMS) đang gấp rút chuẩn bị cho sự kiện lần thứ hai với mục đích kết nối các nghệ sĩ trong khu vực Đông Nam Á với khán giả. Theo đó, sự kiện năm nay tiếp tục được ra mắt trực tuyến trên nền tảng Youtube trong 2 ngày 11 và 12/9. Ngoài ra, sự kiện cũng sẽ tổ chức thêm nhiều các buổi tọa đàm trực tuyến ngày 13/9 với mong muốn tạo cơ hội giới thiệu, trao đổi và hợp tác giữa các nghệ sĩ mới trong khu vực và các chuyên gia hoạt động trong ngành Âm nhạc quốc tế.

- Báo Hà Nội mới ngày 22/7 đưa tin:

Giá trị mới từ giải pháp sáng tạo

Cuộc thi "Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội" vừa kết thúc đợt lấy ý kiến trực tuyến để tìm ra phương án được cộng đồng yêu thích nhất cho hạng mục giải Bình chọn. Đây là hoạt động nhằm tìm kiếm các ý tưởng mới, độc đáo, phát huy hiệu quả nguồn lực con người và các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội cho mục tiêu hình thành mạng lưới không gian sáng tạo phong phú, hấp dẫn, tạo động lực phát triển kinh tế sáng tạo của Thủ đô..

Khuyến khích tham gia Giải báo chí ''Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc'' lần thứ XV

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn số 451-CV/BTGTU (ngày 16-7-2021) về hưởng ứng Giải báo chí "Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc" lần thứ XV, năm 2021-2022. Giải do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Hội Nhà báo thành phố Hà Nội động viên, khuyến khích hội viên hưởng ứng giải; tích cực đi thâm nhập thực tế, nâng cao chất lượng sáng tạo các tác phẩm báo chí về đề tài đại đoàn kết toàn dân tộc để có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc tham dự giải.

- Báo điện tử Người Lao động ngày 8/3 đưa tin: "Khởi động Nhà hát online" cho biết: Đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng đến toàn xã hội, trong đó nghệ thuật biểu diễn và lực lượng văn nghệ sĩ bị ảnh hưởng rất nhiều khi đồng loạt các nhà hát phải đóng cửa, lịch diễn phải dừng do sàn diễn tắt đèn. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, việc được đến rạp thưởng thức các món ăn tinh thần sẽ rất khó và để duy trì hoạt động biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trực tiếp là Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn thực hiện hình thức phát trực tuyến các sự kiện nghệ thuật trong điều kiện dịch bệnh.

- Báo điện tử Đảng Cộng Sản việt Nam, Báo Vietnamplus và nhiều báo khác ngày 22/7 đưa tin: "Việt Nam đạt hai bằng Danh dự tại cuộc thi nhiếp ảnh FIAP năm 2021" cho biết: Thông tin từ Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết tại Cuộc thi ảnh thường niên năm 2021 do Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP) tổ chức, Việt Nam đã đạt 2 Bằng Danh dự quốc gia và 1 bằng D.

Tác phẩm “Phơi chiếu cói” của Dzũng Nguyễn đạt Bằng danh dự FIAP năm 2021. (Nguồn ảnh: Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam)

Hai bằng Danh dự quốc gia thuộc Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam; trong đó, 1 Bằng Danh dự cho hạng mục ảnh in, chủ đề "Nghề truyền thống," xếp thứ 6/36 quốc gia tham dự và 1 Bằng Danh dự cho hạng mục ảnh số với bộ ảnh chủ đề "Việt Nam nhìn từ trên cao," xếp thứ 5/42 quốc gia tham dự. Về cá nhân, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Dzũng Nguyễn đạt Bằng Danh dự FIAP với tác phẩm "Phơi chiếu cói" (Drying sedge mat). Thi ảnh thường niên là một trong những sự kiện quan trọng nhất do Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP) tổ chức, được các quốc gia thành viên luân phiên đăng cai. Trong đó quy định, các năm chẵn sẽ là các cuộc thi ảnh Đen-Trắng và Thiên nhiên, năm lẻ dành cho các cuộc thi ảnh Màu.

2. Lĩnh vực Du lịch

- Báo Vietnamplus ngày 22/7 đưa tin:

Ngành du lịch thế giới chồng chất khó khăn do biến thể Delta

Mặc dù nhu cầu di chuyển bằng máy bay tại Mỹ và châu Âu đang tăng trở lại, tình trạng gia tăng các ca mắc COVID-19 đã khiến nhiều chính phủ phải áp dụng các quy định hạn chế đi lại và cách ly. Các chuyên gia nhận định những khó khăn của ngành du lịch và lữ hành thế giới đang ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế. Mặc dù nhu cầu di chuyển bằng máy bay tại Mỹ và châu Âu đang tăng trở lại, song tình trạng gia tăng các ca mắc COVID-19 do sự lây lan nhanh của biến thể Delta đã khiến nhiều chính phủ phải áp dụng các quy định hạn chế đi lại và cách ly. Động thái này khiến nhiều du khách sẽ phải ở nhà và làm càng làm "nỗi đau" của ngành du lịch thêm dài.

Pù Luông - Thiên đường Du lịch cộng đồng của Xứ Thanh

Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chưa đầy 130km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 190km, Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa. Phía Bắc và Đông bắc Pù Luông giáp các huyện Mai Châu, Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình…. kết hợp tạo thành một vòng tròn khép kín cho hành trình du lịch khám phá và trải nghiệm vô cùng thú vị. Pù Luông thuộc tỉnh Thanh Hóa là một điểm tham quan, khám phá nổi tiếng trên bản đồ du lịch bụi, phượt tự túc, nghỉ dưỡng núi giá rẻ, nhưng hầu hết du khách đến đây đều ấn tượng mạnh với cảnh sắc...

- Báo Văn hóa ngày 21/7 đưa tin: "Sản phẩm chủ đạo sẽ tạo ra cú hích" cho biết: Việt Nam có nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú là yếu tố quan trọng và rất thuận lợi để phát triển du lịch. Trên chặng đường phát triển đó, mỗi giai đoạn sẽ dựa vào các yếu tố khách quan và chủ quan để thiết lập chiến lược phát triển du lịch phù hợp. Giai đoạn 5 năm tới (2021-2025) trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch cần được đánh giá, nhìn nhận lại để có được sự khôi phục nhanh nhất và bứt phá phát triển sau đại dịch. Trong đó, sản phẩm du lịch là vấn đề cốt lõi để xem xét và thiết lập các hoạt động có liên quan.

-Báo Công an Thành phố Đà Nẵng ngày 21/7 đưa tin: "Quảng Nam thuê phần mềm du lịch thông minh 3 năm" cho biết: UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) đối với hệ thống phần mềm du lịch thông minh Quảng Nam tại Quyết định số 1909 nhằm đáp ứng các yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp, du khách và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Theo đó, sẽ thuê dịch vụ CNTT không có sẵn đối với hệ thống phần mềm du lịch thông minh Quảng Nam với các phân hệ chính, gồm cổng thông tin du lịch, hệ thống bản đồ số du lịch, hệ thống quản trị, ứng dụng mobile du lịch thông minh phiên bản trên IOS và Android có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống liên quan.

- Báo điện tử Vnexpress ngày 21/7 đưa tin:

3 thành phố Việt Nam vào top điểm đến tuyệt vời nhất

Tạp chí Time chọn Hà Nội, TP HCM và Phú Quốc vào top 100 điểm đến tuyệt nhất thế giới năm 2021. Ngày 20/7, tạp chí Time, nổi tiếng với các danh sách bình chọn uy tín, đặc biệt là top 100 người ảnh hưởng toàn cầu hàng năm, đã liệt kê top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới 2021. Những thách thức của đại dịch trong gần 2 năm qua đã làm thay đổi thế giới, làm ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch và khách sạn. Đây là sự tôn vinh dành cho những nơi đã đi đầu trong việc tìm ra cách thích nghi, xây dựng và đổi mới.

Đà Lạt lặng lẽ trong mắt người làm du lịch

Khu trung tâm Hòa Bình vắng lặng, cơn mưa bất chợt càng khiến phố xá vắng hơn, khu chợ thưa người khác với hình dung về Đà Lạt mùa hè. Lê Thị Uyên Trinh (1991), quê Ninh Thuận, sinh sống và làm việc tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng từ 3 năm nay. Trinh làm việc trong lĩnh vực du lịch, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cô tạm thời chuyển nghề. Mỗi ngày đưa bạn đi làm, Trinh đều mang theo máy ảnh ghi lại khoảnh khắc khác nhau của thành phố. Riêng tháng 7 này, mỗi ngày cô đều đăng ảnh về Đà Lạt vào hội nhóm Ghiền Đà Lạt trên Facebook có hơn 1,2 triệu thành viên, giúp du khách đỡ "nhớ" thành phố.

Châu Á chiếm một nửa top hãng bay tốt nhất thế giới

5 hãng hàng không châu Á nằm trong danh sách 10 hãng tốt nhất thế giới năm 2021.Trang web phân tích hàng không toàn cầu có trụ sở tại Australia AirlineRatings vừa công bố danh sách các hãng bay tốt nhất thế giới năm 2021. Đây là bảng bình chọn thường niên, nhằm giúp hành khách trong việc quyết định lựa chọn hãng hàng không nào cho chuyến trở lại bầu trời của mình sau đại dịch.

- Báo điện tử Thanh Hóa ngày 21/7 đưa tin "Phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch thác Voi" cho biếtUBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2606/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch thác Voi, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Khu du lịch thác Voi với tính chất là khu du lịch sinh thái tự nhiên với các sản phẩm chủ yếu là du lịch văn hóa trải nghiệm, du lịch tín ngưỡng, tâm linh và du lịch sinh thái. Mục tiêu quy hoạch nhằm phát triển du lịch tại khu vực thác Voi, đưa khu vực trở thành điểm đến của du lịch Thanh Hóa và du lịch Việt Nam; Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh thác Voi, di tích lịch sử văn hóa Phố Cát và các di tích quanh khu vực, tôn vinh các giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử...

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Tin tức ngày 22/7 đưa tin:

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic: Đảm bảo an toàn cho vận động viên trước dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng nhất

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Làng vận động viên, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn đã có cuộc trao đổi thông tin về công tác đảm bảo an toàn, phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh của ban tổ chức và từ phía đoàn Thể thao Việt Nam. Kể từ khi đoàn Thể thao Việt Nam có mặt tại Tokyo, phía ban tổ chức đã tổ chức ít nhất 2 cuộc họp trưởng đoàn để bàn bạc về công tác tổ chức nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề phòng, chống lây nhiễm COVID-19 trong và ngoài Làng vận động viên. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ban tổ chức Olympic lần này.

Đội thể dục dụng cụ Việt Nam thay đổi kế hoạch vì chấn thương

Toàn bộ các tuyển thủ của đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đang có mặt tại Làng vận động viên (VĐV) Olympic Tokyo 2020 đều đã bước vào tập luyện trong ngày 20/7, nhằm làm quen với điều kiện khách quan. Tâm lý tự tin, phấn chấn của các VĐV đang thắp lên nhiều hy vọng trước khi các cuộc thi đấu chính thức diễn ra. Ở đội tuyển Thể dục dụng cụ, thể lực của 2 tuyển thủ Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng vẫn đảm bảo trước thềm Olympic Tokyo, song Ban huấn luyện vẫn phải điều chỉnh đăng ký thi đấu, do chấn thương của 2 VĐV này chưa thể hoàn toàn bình phục như mong đợi.

Phát hiện thêm 10 ca mắc COVID-19 tại Làng Olympic

Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo ngày 21/7 cho hay đã ghi nhận thêm 10 người liên quan đến sự kiện thể thao này dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo đài Sputnik, tổng số người mắc COVID-19 đã là 81 ca tính từ ngày 1/7 đến nay, bao gồm các vận động viên, thành viên phái đoàn thể thao quốc tế và các nhân viên trong Làng Olympic. Ngoài ra, ban tổ chức cho biết họ còn phát hiện 4 vận động viên và nhân viên đi cùng nhiễm virus tại các trại tập luyện ở ngoài Tokyo.

WHO nhấn mạnh Olympic Tokyo 2020 là 'sự kiện của hy vọng'

Ngày 21/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố Olympic Tokyo 2020 vẫn nên được tổ chức để chứng minh cho thế giới thấy những gì có thể đạt được với kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Phát biểu trước các thành viên Ủy ban Olympic quốc tế tại phiên họp ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, ông Tedros cho rằng thế giới cần Thế vận hội lúc này "như một sự kiện của hy vọng".

- Báo điện tử Người Lao động ngày 22/7 đưa tin:

Thể thao Việt Nam: Ngập ngừng với Olympic

Lên đường từ ngày 18-7 và chỉ khoảng 10 giờ sau đó đã hoàn tất các thủ tục gia nhập Làng Thế vận ở Tokyo, đoàn thể thao Việt Nam đang háo hức chờ ngày tranh tài tại đấu trường Olympic. Thông tin từ các hãng truyền thông lớn cho hay đến trưa 21-7 đã có 71 ca lây nhiễm xuất hiện ngay trong Làng Thế vận, trong đó VĐV bóng chuyền bãi biển Ondej Perusic của CH Czech dù đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin nhưng vẫn phải cách ly do không có triệu chứng bệnh. Đó là lý do các bác sĩ của đoàn đã sớm khuyến cáo về những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, trong đó có nhà ăn của Làng Thế vận.

Hấp dẫn xem bóng đá Olympic Tokyo 2020 trên sóng VTV

Người hâm mộ thể thao Việt Nam được xem miễn phí Olympic Tokyo 2020 trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), trong đó hấp dẫn nhất là sự tranh tài gây cấn ở môn bóng đá nam, nữ. Những trận đấu hấp dẫn của môn bóng đá nam tại Thế vận hội năm nay diễn ra từ ngày 22-7 đến 7-8 với sự tranh tài của 16 đội bóng được chia làm 4 bảng. Môn bóng đá nữ diễn ra từ ngày 21-7 đến 6-8 với sự tranh tài của 12 đội bóng được chia làm 3 bảng.

Olympic Tokyo: Doping "núp bóng" Covid-19?

Cả thế giới đang lo âu vì đại dịch Covid-19 và vì thế không nhiều người tin tưởng việc kiểm soát doping sẽ được thực thi nghiêm túc như một sự bảo đảm cho thành công tuyệt đối của kỳ Olympic sắp khai mạc. Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) vừa bác bỏ vụ kiện chống lại các VĐV bơi lội người Nga Alexandr Kudashev và Veronika Andrusenko hôm 20-7, cho phép cả 2 tham gia thi đấu tại Olympic Tokyo do không có đủ bằng chứng về việc vi phạm các quy tắc phòng chống doping.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 22/7 đưa tin:

Đội tuyển Trung Quốc sẽ tung "át chủ bài" nhập tịch gặp tuyển Việt Nam

Tờ Sohu (Trung Quốc) cho hay đội tuyển quốc gia nước này sẽ tung ra "át chủ bài" nhập tịch trong các trận đấu ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Đội tuyển Trung Quốc đã tung ra sân 4 cầu thủ nhập tịch ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, đó là Li Ke (tên thật là Yennaris), Ai Kesen (tên thật Elkeson), A Lan (tên thật Alan), Jiang Guangtai (tên thật Tyias Browning).

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam: "Chưa có thông báo hủy Olympic Tokyo"

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 Trần Đức Phấn khẳng định, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) chưa nhận được thông tin về việc Olympic Tokyo có thể bị hoãn vì Covid-19. "Sáng nay tôi đã tham gia cuộc họp Trưởng đoàn các nước tham dự Olympic lần thứ 2 thì mọi công việc chuẩn bị cho Thế vận hội vẫn được tiến hành bình thường. Chưa thấy nước chủ nhà thông báo gì về việc phải hoãn hoặc hủy Olympic do đại dịch", ông Trần Đức Phấn thông tin.

Báo Trung Quốc so sánh đội tuyển Việt Nam với Đan Mạch

Trước vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, báo chí Trung Quốc liên tục có những bài viết phân tích sức mạnh của đội tuyển Việt Nam để cảnh báo đội nhà trong hai trận chạm trán tới đây. Trong bài viết mới nhất, tờ Sohu có bài viết với tựa đề: "Hãy coi chừng đội tuyển quốc gia Việt Nam! Họ đã phát triển vượt bậc". "Đây là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam góp mặt vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á. Họ phải phấn đấu để giành những điểm số quan trọng. Đặc biệt ở bảng đấu có Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Oman, Trung Quốc. Dù bị đánh giá thấp hơn các đối thủ, nhưng đội tuyển Việt Nam xứng đáng nhận sự tôn trọng ở bảng B. Bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc. Họ đã là đội bóng mạnh của Đông Nam Á", tờ Sohu viết.

Sân Mỹ Đình sắp có VAR, đội tuyển Việt Nam chờ đấu Nhật Bản, Trung Quốc

Công tác triển khai lắp đặt và chạy thử công nghệ VAR trên sân Mỹ Đình đang được VFF cùng đối tác khẩn trương triển khai, để đáp ứng yêu cầu từ AFC về việc thi đấu trên sân nhà của đội tuyển Việt Nam. "Chúng tôi đang chờ văn bản hướng dẫn của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) sau đó sẽ tiến hành triển khai việc lắp đặt công nghệ VAR", Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết.

4. Lĩnh vực Gia đình

- Báo Văn hóa ngày 21/7 đưa tin: "Văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội: Sức lan tỏa từ những câu chuyện tử tế" cho biết: Giữa cơn bão đại dịch Covid-19, cộng đồng một lần nữa lại được chứng kiến nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp, cùng giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn. Sự ấm áp của tình người, từ những suất cơm, chai nước, ổ bánh mì miễn phí đến những cây ATM gạo, tiệm rau tình thương, siêu thị 0 đồng, quán ăn miễn phí cho người nghèo, người yếu thế... đang lan tỏa rộng rãi sức mạnh của tình đoàn kết. Hằng ngày, hằng giờ, trên những con đường, ngõ nhỏ hay giữa trung tâm đô thị, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những hành động giúp đỡ, sẻ chia giữa người với người. Những hành động giản dị, chân thành đã góp phần tạo nên những hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.154.607
Online: 80