Tỉnh Điện Biên là nơi cư ngụ của 19 dân tộc, qua chiều dài lịch sử đã lắng tụ trong mình những giá trị di sản văn hóa vô cùng phong phú và quý báu, trong đó có nền nghệ thuật múa dân gian. Là một phần của văn hóa Tây Bắc, nghệ thuật múa dân gian Điện Biên đã hình thành, phát triển từ 3 - 4 nghìn năm trước, góp phần tạo nên tính đa dạng, phong phú và đặc sắc trong văn hóa truyền thống các dân tộc nơi đây.
Nền nghệ thuật múa dân gian truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên đã có bề dày lịch sử lâu dài và đã được bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị đến tận hôm nay. Đây là một trong những di sản văn hóa giàu giá trị, chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, liên quan tác động tới nhiều khía cạnh khác nhau trong kinh tế - văn hóa - xã hội và tình cảm, nhận thức của đồng bào dân tộc đó, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng, đồng thời là vốn quý trong kho tàng di sản văn hóa truyền thống dân tộc cần được quan tâm gìn giữ.
Đối với các dân tộc Điện Biên, hầu hết những truyền thuyết về nghệ thuật múa đều do dân gian qua các thời đại truyền ngôn, truyền điệu lại, không có sách vở, cổ tự nào ghi chép. Nghệ thuật múa dân gian từ khi hình thành đã mang dấu ấn đậm nét của cư dân nông nghiệp mang bản sắc vùng cao, phản ánh mối quan hệ với thiên nhiên (đất, trời, mưa, nắng…), mang dấu ấn của không gian lao động và tập quán canh tác, đồng thời thể hiện nguyện vọng, ước mong về những vụ mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no thanh bình. Xuất phát từ nhu cầu ban đầu là giải trí sau thời gian lao động, các động tác hình thể dần được cách điệu và nghệ thuật hóa, trở nên bài bản và hàm chứa những giá trị tinh thần của người sáng tạo. Múa dân gian tồn tại trong cộng đồng một cách tự nhiên, vốn có như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần.
Trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển, đến nay, nghệ thuật múa dân gian tỉnh Điện Biên đã đạt đến trình độ phát triển nhất định. Những động tác múa đạt đến tính khái quát, tượng trưng của nghệ thuật múa. Tuy nhiên, cùng với sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội với nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân ngày một nâng cao, một số thể loại, hình thức múa dân gian truyền thống đã có sự biến đổi, yếu tố nguyên bản cũng mai một, phai nhạt đi ít nhiều. Đứng trước bối cảnh thay đổi toàn diện dưới tác động của sự phát triển nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, nghệ thuật múa dân gian tỉnh Điện Biên cũng không tránh khỏi những chi phối, hệ quả mang tính hai mặt.
Về thuận lợi: Thứ nhất, toàn cầu hóa mở ra cơ hội giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác trong nước và trên phạm vi toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu lý luận cũng như đội ngũ sáng tác, biên đạo, nghệ sĩ, nghệ nhân có điều kiện tiếp cận tới nguồn tri thức, cơ sở lý luận về văn hóa nghệ thuật cũng như nghệ thuật múa, trong đó có múa dân gian. Nền nghệ thuật múa dân gian đạt tới trình độ cao của Châu Âu, một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc,… sẽ cung cấp, trang bị cho những người làm nghệ thuật ở Điện Biên thêm kiến thức và kỹ năng trong quá trình làm nghề. Đồng thời, gợi mở, trao đổi kinh nghiệm, định hướng cách thức phù hợp để phục hưng và phát triển múa dân gian trong tình hình mới (ví dụ như tham khảo Đoàn Nghệ thuật Thần Vận đã đem nghệ thuật múa dân gian Trung Quốc đến với công chúng trên khắp thế giới và được đón nhận nồng nhiệt).
Thứ hai, Điện Biên có thể quảng bá, giới thiệu, đưa các giá trị quý báu của nghệ thuật múa dân gian đến với mọi người. Các điệu múa dân gian vốn được trình diễn trên các bản làng xa xôi, trong không gian tâm linh của một nghi thức tế lễ nào đó… có thể trở thành chất liệu sân khấu hóa để đưa vào tác phẩm nghệ thuật múa chuyên nghiệp phục vụ công chúng; hay tư liệu hóa để tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng.
Thứ ba, có thể tìm kiếm và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội nhằm đóng góp vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị của múa dân gian. Thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, các cơ quan, tổ chức, lực lượng trong và ngoài tỉnh có cơ hội tiếp xúc với nhau để đi đến những hỗ trợ mới, thỏa thuận chung nhằm gia tăng các nguồn lực thông tin, nhân lực hay tài chính. Đặc biệt trong đó là sự kết hợp hữu cơ giữa bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội mà cụ thể và tập trung nhất là phát triển du lịch (trọng tâm là du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa).
Về khó khăn, nguy cơ, thách thức: Thứ nhất là nguy cơ mất bản sắc dân tộc và thất truyền. Sự xâm lăng mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai với nhiều luồng văn hóa độc hại nhưng lại thu hút thị hiếu của một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ. Hệ lụy gây ra là những lệch chuẩn về đạo đức, thẩm mỹ, chạy theo lối sống thực dụng, ưa chuộng các giá trị hào nhoáng bên ngoài, khuyến khích nảy sinh tư tưởng vong bản, sính ngoại. Từ đó có thể tạo tâm lý quay lưng lại với những giá trị truyền thống, trong đó có múa dân gian.
Thứ hai, quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ và triệt để làm nảy sinh hiện tượng đánh mất bản sắc, pha trộn văn hóa dẫn đến không phân định được đâu là yếu tố nguyên bản, đâu là kết quả tiếp biến văn hóa. Văn hóa gốc không tránh khỏi nguy cơ mai một bản sắc, thậm chí là tiêu biến, nhất là đối với những nhóm dân tộc đặc biệt ít người.
Thứ ba, nghệ thuật múa dân gian đã và đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Những người nắm giữ di sản truyền thống đa phần đều đã có tuổi cao; ý thức, sự quan tâm của một số người dân và các cấp chính quyền chưa thường xuyên, rất nhiều điệu múa, dân vũ chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của người già, một số khác mai một hẳn, không ai còn nhớ đến. Nếu không kịp thời khai thác, tiếp thu thì rất có thể nhiều di sản văn hóa phi vật thể sẽ mất đi vĩnh viễn, không có khả năng phục hồi.
Thứ tư, việc bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa, nghệ thuật múa dân gian trong phát triển du lịch đang đặt ra những vấn đề cấp bách. Việc khai thác di sản quá mức, phát triển du lịch quá nóng, thiếu nguyên tắc sẽ đem tới những mặt trái, những tác động tiêu cực đến di sản. Nhiều di sản văn hóa phải đối mặt với những thách thức, áp lực từ tình trạng thương mại hóa, làm tổn thương hoặc biến dạng di sản, nhất là đối với di sản văn hóa phi vật thể như múa dân gian. Không ít sản phẩm văn hóa do chạy theo mục tiêu lợi nhuận, mục tiêu kinh tế đã bóp méo, cải biên di sản, phản ánh không chân thực giá trị của truyền thống, làm sai lệch hình ảnh văn hóa dân tộc.
Đây là những vấn đề đang tồn tại rõ ràng và cụ thể trong thực tiễn. Từ đó đặt ra cho những người làm công tác nghiên cứu và các cấp ngành, địa phương cần nghiêm túc tư duy, đề ra những giải pháp thiết thực và kịp thời để đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa dân gian các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên; “làm giàu giá trị” cho nghệ thuật múa dân gian, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho tỉnh nhà.