Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, nơi hội tụ 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng mang đậm sắc thái bản địa từ đó đã tạo nên sự đa dạng, đa sắc màu cho nền văn hóa địa phương.

Trong số 19 dân tộc đang sinh sống tại đây, dân tộc Lào là dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, cư trú chủ yếu ở huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông. Người Lào thuộc nhóm cư dân nông nghiệp sinh sống ở vùng thung lũng và đồi núi thấp. Vốn di cư từ nước Lào sang theo đạo Phật dòng tiểu thừa, họ theo tín ngưỡng đa thần, thường thực hiện những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp để cầu mong sự phù hộ của các đấng siêu nhiên cho mùa màng tốt tươi, người an, vật thịnh. Vì vậy họ đã tạo nên những đặc trưng văn hóa của dân tộc và có mùa lễ hội thường được bắt đầu vào mùa hạ. Trong những lễ hội người Lào thường tổ chức thì Tết té nước (Bun huột nặm) là một lễ hội mang nhiều ý nghĩa đối với cộng đồng.

Tết té nước (Bun huột nặm) của đồng bào dân tộc Lào là một trong nghi lễ truyền thống, thường được tổ chức vào đúng thời điểm Tết truyền thống của người Lào. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Vì ngoài ý nghĩa để bà con bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và thần linh thì còn là dịp để đoàn tụ gia đình thôn bản, mọi người cùng tham gia những trò chơi và những điệu dân vũ truyền thống trong không gian văn hóa bản địa của dân tộc mình.

Hoạt động chính của Bun huột nặm là "té nước". Theo cách hiểu dân gian, té nước có ý nghĩa là để tẩy rửa “môn thín” những điều xui xẻo gặp phải trong năm cũ, giống như “giải xui” của người Việt. Người dân té nước cho nhau là để tẩy rửa những điều xui xẻo trong năm cũ và mong muốn người được té nước năm tới sẽ có những điều mát mẻ, tốt lành.

Tết té nước với các hoạt động chính là cúng bản, cúng tổ tiên, ông bà nhưng cốt lõi là tống tiễn mùa khô, tẩy rửa những điều xui xẻo trong năm cũ cho bản làng, cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, phát triển, mùa màng bội thu, bản làng bình yên, mọi người dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn trong năm tiếp theo. Dịp diễn ra Tết té nước, nhân dân trong bản sẽ có cơ hội sáng tạo, thể hiện những trò chơi, những điệu dân vũ truyền thống trong không gian văn hóa bản địa của dân tộc mình. 

Lễ cúng bản (căm bản) thường được diễn ra vào chiều 30 tết, lễ vật dâng cúng là các sản vật như: vải trắng, vải kẻ, vòng tay, vòng cổ, bầu nước, rượu cần, lá trầu, hoa quả, hương, tiền... đồng bào mổ bò hoặc mổ lợn làm cỗ dâng lên trời đất, tổ tiên, theo đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Mọi người cùng nhau chuẩn bị lễ vật dâng cúng

Sau khi lễ cúng kết thúc mọi người quây quần bên nhau, dưới tán cây rừng tại lông xân (khu vực rừng thiêng và miếu thờ chung của bản), vui vẻ ăn uống và chúc nhau những điều tốt đẹp. Theo quan niệm của đồng bào, thức ăn đồ uống ở đây là lộc trời, không mang về làm của riêng mà hãy cùng nhau tận hưởng tại nơi trời đất ban cho. Có như vậy mọi người mới được khỏe mạnh, may mắn.

Sau lễ căm bản (cúng bản), người Lào tổ chức Bun huột nặm. Trong ngày này, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm gồm: gà, bánh tráng, hoa quả, bánh kẹo, thuốc lá, chè… dâng thắp hương tổ tiên, mời các đời tổ tiên từ quê cũ về ăn tết, sau đó đến nhà nhau chúc tết và té nước (té ít nước để không bị ướt, đặc biệt là những người già không đi chơi tết chỉ ngồi ở nhà thì được mọi người đến chúc tết và té nước để lấy may mắn), vừa té nước vừa nói những lời chúc mừng năm mới hạnh phúc, may mắn.

Dịp tết, vào những năm được dân bản cho là năm hạn hán, ít mưa (chẳng  hạn như năm con dê thì rất dễ bị hạn vì dê có nhu cầu sử dụng nước ít so với con vật khác) đồng bào sẽ tổ chức làm lễ cầu mưa. Hơn nữa, Tết của người Lào được tổ chức vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Đây cũng là thời điểm mở đầu cho chu kỳ sản xuất nông nghiệp, thời điểm đã phát nương, đốt nương, làm đất, chọc lỗ, tra hạt, rất cần mưa xuống để hạt giống này mầm. Vì thế cầu mưa để cầu xin trời đất, tổ tiên, các vị thần linh ban cho những cơn “mưa vàng, mưa bạc” để hạt nảy mầm, để cây xanh lá, để vạn vật sinh sôi nẩy nở...

Lễ cầu mưa là nghi lễ mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng nhưng không kém phần hoạt náo, được bà con giao phó cho một đoàn người gồm những phụ nữ trong bản có tài ăn nói, hát giỏi, khéo léo, biết đối đáp. Để tiến hành làm lễ cầu mưa, dân bản sẽ chọn ra một người phụ nữ có uy tín, đại diện đi thông báo với chị em phụ nữ trong bản chuẩn bị cùng mình tham gia Lễ cầu mưa. Họ chuẩn bị các khăn hả (mâm/đĩa gồm: hoa, quả, bánh kẹo, bánh trưng, cau, trầu, vôi, nến), sẽ có một khăn hả của đoàn đi xin nước mưa và dự định đến bao nhiêu nhà để xin thì có bấy nhiêu khăn hả - mỗi gia đình có thêm một khăn hả nữa. Dọc đường đi, đoàn người thực hiện việc “xin ăn” từ những chủ hộ làm ăn phát đạt, có uy tín trong cộng đồng để lấy phúc và giáo dục con cháu về truyền thống dân tộc, giới thiệu những tấm gương sản xuất giỏi để bà con dân bản noi theo. Tại mỗi gia đình, khi đoàn người vào “xin ăn” đứng dưới sân nhà sàn, chỉnh đốn trang phục và thực hiện những nghi thức khấn đồng dao, chờ xin gia chủ ban lộc, ban nước mưa. Chủ nhà sau đó vừa đáp lời, vừa đưa lễ vật xuống cho và sẽ té nước vào đoàn người đang đứng dưới sân nhà sàn. Nghi thức được diễn ra khắp các hộ gia đình khác trong bản trong không khí vui tươi, phấn khởi, rộn rã tiếng nói cười và lời chúc phúc.

Nghi thức đi xin nước cầu phúc sức khỏe cho mọi người và gia đình

Khi mặt trời đứng bóng, bà con dân bản sẽ nối bước chân nhau, đổ dồn ra con suối chạy dọc sau lưng bản để thực hiện nghi thức dâng tế lễ vật, cúng mời thần suối hưởng lễ cùng bản làng. Sau hoạt động hưởng lễ, mọi người sẽ cùng nhau té nước suối. Theo quan niệm của đồng bào, nước té càng cao, người tham gia té nước bị ướt càng nhiều, năm đó thời tiết diễn biến càng thuận lợi, bản làng gặp được nhiều may mắn, tốt đẹp hơn. Trò té nước tại suối là một trận cười vui nhất của dân tộc Lào, càng té ướt càng nhiều may mắn, nên họ không trừ một ai khi váy áo trên người còn chỗ khô, họ còn dìm nhau ngập trong nước suối mà ai ai cũng rất vui vẻ, đầy hào hứng, náo nhiệt.

Sau khi thực hiện nghi lễ mọi người cùng nhau ra con suối chạy dọc sau lưng bản té nước để cầu may và chúc cho nhau những điều may mắn

Sau khi ăn uống, té nước thỏa thích, nghỉ ngơi xong, đoàn người kéo nhau về bản hòa cùng với dân bản tham gia các trò chơi dân gian bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, từ khát vọng vươn tới để chinh phục tự nhiên, chống thiên tai địch họa, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cuộc sống yên vui, hạnh phúc cho dân, cho bản với nhiều trò chơi hay, sôi nổi và hấp dẫn như: Rùa ấp trứng, hổ vồ lợn, rắn bắt ngóe, hái dưa chín....

Sau phần Lễ là phần Hội với các trò chơi giân dan thu hút được đông đảo bà con nhân dân tới tham gia

Nối tiếp các trò chơi là điệu lăm vông truyền thống nhịp nhàng uyển chuyển được bà con hào hứng tham gia. Đối với người Lào, lăm vông rất phổ biến và trở thành nhu cầu sinh hoạt văn hóa vui tươi của cộng đồng. Mọi người cùng đứng theo đội hình vòng tròn và di chuyển theo hướng ngược kim đồng hồ. Cứ như vậy, tất cả cùng hòa mình vào những điệu múa, câu hát gắn kết yêu thương. Cuộc vui của Tết Bun Huột Nặm được kéo dài trong bầu không khí đầm ấm, vui vẻ, thắm tình đoàn kết và cùng cầu mong cho năm mới, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhiều sức khỏe, may mắn và an lành.

Điệu múa Lăm vông truyền thống của dân tộc Lào

Với những cuộc vui như vậy, tết té nước của người Lào có thể kéo dài từ 4 - 5 ngày, trong những ngày tết mọi nhà đều kiêng không dệt vải bởi đã vất vả cả năm và cần được nghỉ ngơi; không mang cây xanh vào bản, không gánh nước mà chỉ được xách nước bằng tay bởi đồng bào quan niệm rằng làm như vậy đời sống sẽ thịnh vượng, mùa màng bội thu hơn.

Tết té nước của đồng bào dân tộc Lào tỉnh Điện Biên đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn, cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là lễ hội và cũng là tết truyền thống gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý nhân sinh. Các nghi thức, trò chơi trong Tết té nước đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vừa là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, lành mạnh, vừa có tính giáo dục thẩm mỹ. Với những giá trị mà tết té nước mang lại cho cộng động dân tộc lào nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung thì năm 2017, Tết té nước của người Lào đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.153.505
Online: 69