Hoạt động văn hóa văn nghệ đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Điều đó đã được khẳng định và chứng minh qua phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Chính những điệu múa, lời ca có sức lan tỏa mạnh mẽ từ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” đã “truyền lửa” cho toàn quân và dân ta hết mình vì tiền tuyến, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.
Dù là thời chiến hay thời bình thì văn hóa, văn nghệ luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người, ngoài ra văn hóa, văn nghệ còn góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bồi dưỡng tâm hồn, phẩm chất, đạo đức, năng lực thẩm mỹ của mỗi cá nhân.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh đã có những phát triển đáng ghi nhận. Hiện nay toàn tỉnh có tổng số 1.151 đội văn nghệ quần chúng, với gần 4.000 buổi hoạt động/năm, đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân. Hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng vừa là môi trường để người dân tham gia sinh hoạt văn hóa, vừa là nơi quy tụ, truyền dạy các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc trưng của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh; góp phần tô đậm các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng từ cấp tỉnh đến cơ sở thường xuyên được tổ chức và có sự mở rộng về quy mô, chất lượng cũng được nâng cao. Đây là cơ hội để các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ được giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức và phát triển phong trào, đồng thời cũng là cơ hội tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng các năng khiếu, nhân tài nghệ thuật.
Mặc dù phong trào văn nghệ cơ sở ngày càng được quan tâm, phát triển. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, đó là: Phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở trên địa bàn tỉnh phát triển chưa rộng khắp, chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm, ở vùng thấp và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, sự chệnh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc khá rõ nét; Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những người làm công tác văn hóa, nhất là các nghệ nhân, văn nghệ sỹ, công tác hỗ trợ đào tạo tài năng, chế độ chính sách đối với diễn viên còn thấp, chưa xây dựng được đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa còn yếu và thiếu; Hệ thống thiết chế văn hóa, công trình văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu....
Để phong trào văn nghệ trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, cần có - Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa văn nghệ đối với quá trình xấy dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của đất nước. Tuyên truyền vận động nhân dân thấy rõ tác dụng và hiệu quả của việc tham gia các hoạt động văn nghệ đối với đời sống tinh thần, sức khỏe của mỗi người, từ đó vận động nhân dân tích cực tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ thướng xuyên hơn.
Tổ chức khảo sát, nghiên cứu, tiến hành hướng dẫn xây dựng thí điểm mô hình mẫu các đội văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ tại cơ sở, tiếp đó nhân rộng, tạo thành phong trào rộng rãi, góp phần thỏa mãn nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Củng cố, xây dựng và phát triển các đội văn nghệ quần chúng ở tất cả các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và của đơn vị; góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thông qua các hình thức hội thi, hội diễn văn nghệ, thông tin tuyên truyền; Khuyến khích các tổ chức Đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trân Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội người cáo tuổi...thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ. Các địa phương đẩy mạnh tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống dân tộc của địa phương, khuyến khích tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa văn nghệ theo sở thích.
Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo hạt nhân văn hóa văn nghệ, nhất là nguồn lực tại chỗ; khuyến khích, khơi dậy niềm tự hào, sự sáng tạo, say mê nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, phát triển các di sản văn hóa dân tộc của các diễn viên, nghệ nhân; nâng cao chất lượng các tiết mục, trình độ biểu diễn, diễn xướng trong cộng đồng, tạo sự phát triển đa dạng, bền vững văn hóa văn nghệ các dân tộc.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch huyện Điện Biên
Tiếp tục đầu tư trang thiết bị đồng bộ để phục vụ có hiệu quả trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở. Quan tâm hơn nữa tới chế độ phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác văn hóa và lực lượng diễn viên quần chúng tham gia các hoạt động văn nghệ cơ sở.
Thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác văn hóa tại cơ sở cũng như quan tâm phát hiện, bồi dưỡng phát huy hạt nhân văn nghệ tại cơ sở.
Tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo, quy chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở đảm bảo đúng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời khuyến khích phát huy được phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở.
Giao lưu Văn hóa dân tộc Mông- huyện Điện Biên lần thứ IV
Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường thời lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân; tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, phù hợp với phong tục tập quán, các nhóm đối tượng và lứa tuổi khác nhau. Đồng thời đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền vận động nhân dân trong việc tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở.
Tiếp tục sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc. Khuyến khích tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống các dân tộc, tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ các cấp.
Tết Nào Pê Chầu - Dân tộc Mông
Các cấp chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, quan tâm đầu tư kinh phí hàng năm phục vụ cho phát triển sự nghiệp văn hóa nói chung, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở và và công tác tuyên truyền tại cơ sở nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở. Huy động sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể cơ sở như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi trong phát triển phong trào văn hóa văn nghệ.
Từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá giữa vùng thấp với vùng cao, khu vực đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hoá qua việc tổ chức hoạt động nâng cao chất lượng đời sống văn hoá ở cơ sở, tạo mọi điều kiện để nhân dân tham gia vào thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển văn hóa, cong người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh”.
Xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa có tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, có ý thức đấu tranh chống tư tưởng và hành động phản văn hoá dân tộc. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các hoạt động phổ biến và ứng dụng khoa học công nghệ về sản xuất nông nghiệp, góp phần gắn kết văn hóa với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Phát huy vai trò, tác dụng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, đồng thời được tham gia các hoạt động sáng tạo văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là các phong trào: “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” và “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn tại cấp xã và địa bàn thôn, bản. Xây dựng con người mới, gia đình, cộng đồng khu vực nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn mới.
Phát triển phòng trào văn hóa, văn nghệ cơ sở trên địa bàn tỉnh góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, bảo tồn phát huy giá trị giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 10/1/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh”, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ làm cho văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân trong việc xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật ngay tại cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.